Người Cao Lan xuống núi làm giàu

Chưa có đánh giá về bài viết

Thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên, cách trung tâm huyện Yên Bình (Yên Bái) hơn 40 km, có 180 hộ dân, chủ yếu là người Cao Lan. Đồng bào Cao Lan nơi đây đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi thủy sản, đó là khi cá nhỏ nuôi nhốt trong ao, qua mùa nước cạn, khi cá rô phi, trắm cỏ đủ độ lớn thì đem thả nuôi lồng trên hồ.

Ngay trên bờ đập số 3 hồ thủy điện Thác Bà, chúng tôi bắt gặp sáu lão nông đang đóng mới lồng cá chuẩn bị cho vụ mới. Chủ lồng Hà Văn Hòa, 53 tuổi, vừa khoan dồn ghép những cây hóp thẳng dài lại làm đáy, vừa bắt chuyện: Mỗi lồng có kích cỡ 6 – 4 – 2 mét phải tốn 130 cây hóp (một giống tre không có gai và rất thẳng), 30 kg dây thép buộc và thép định hình, kể cả công lao động cũng tốn 10 triệu đồng. Nuôi trắm cỏ mỗi lồng khoảng 200 con loại 1kg, nếu không dịch bệnh gì thì sau một vụ được khoảng 800 kg.

Người dân thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên đóng lồng cá cho vụ nuôi mới. 

Người dân thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên đóng lồng cá cho vụ nuôi mới.

Với giá hiện nay 70.000 đồng/kg, trừ hết các chi phí mỗi lồng cũng được 30 triệu đồng. Cái lợi đã rõ, đã có 34 hộ dân trong thôn Mạ làm 60 lồng cá, nuôi đủ loại từ cá trắm cỏ, cá nheo, cá lăng đuôi đỏ, rô phi đơn tính… mỗi vụ thu về gần 40 tấn cá thương phẩm, bán ra thị trường thu về bạc tỷ.

Lênh đênh trên mặt hồ, cặp thuyền vào các lồng cá nuôi của anh Hà Văn Thư, hai lồng cá nuôi rô phi đơn tính và trắm cỏ đã thu hoạch xong, hiện còn hai lồng đang nuôi cá nheo. Anh Thư khoe: Mua giống của Trung tâm thủy sản Trung ương, giá 18 nghìn đồng/con, nuôi từ tháng 3 đến tháng 12 thì bán.

Thức ăn cá là tép dầu (một loại cá nhỏ, ăn nổi rất sẵn ở đây), mỗi lồng thả thêm một túi vôi bột cỡ 10 kg nhằm làm sạch khuẩn, mỗi lồng nuôi 200 con, khi bán mỗi con đạt đến bốn kg, được giá bình quân cho lái buôn ở Tuyên Quang đến mua là 110.000 đồng/kg. Vụ vừa qua riêng cá lồng nhà mình thu được 160 triệu đồng, đủ tiền cho các cháu đi học cao đẳng, mua được xe máy và sắm đồ dùng gia đình. Năm nay, nhà mình được Khuyến nông tỉnh Yên Bái hỗ trợ giống nuôi cá lăng đuôi đỏ, tuy lớn chậm nhưng bán được giá cao.

Người dân Cao Lan nơi đây áp dụng “bắt tỉa, thả bù”, khi được giá là bán; liên kết các hộ với nhau để cùng bảo vệ nguồn nước mặt hồ, không cho kẻ xấu dùng kích điện, nổ mìn vào gần khu nuôi thả. Từ thu nhập nuôi cá lồng, năm 2014, hơn 30 hộ của thôn Mạ đã tự nguyện đóng góp tiền xây dựng mới hội trường thôn, bê tông hóa giao thông liên thôn; nhiều hộ Cao Lan trong xã có nhà xây mới, trẻ không còn bỏ học, người ốm được chăm sóc tại trạm y tế xã, không còn chuyện nằm nhà cúng đuổi ma như ngày nào, bộ mặt nông thôn ở vùng đồng bào DTTS cải thiện rõ nét.

Hiện người dân đã có các cách dùng lưới, đăng chắn quây các eo ngách rộng từ ba ha trở lên nuôi cá rô phi đơn tính.

Đây là một hướng phát triển bền vững mặt nước hồ Thác Bà, bởi doanh nghiệp thì có lượng nước phát điện, có cảnh quan làm du lịch, còn người dân thì có nguồn thu từ nuôi trồng thủy sản, hạn chế việc kích điện, ném mìn, vó đèn… tận diệt nguồn lợi thủy sản như đã từng diễn ra.

Bài, ảnh: Thanh Sơn

Báo Nhân Dân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!