Nhiều người nuôi cá tra ở miền Tây cho biết đã thắng lớn nhờ giá cá tra nguyên liệu tăng cao và kéo dài trong năm 2018, đồng thời kỳ vọng thị trường cá tra tiếp tục thuận lợi với người nuôi cá trong năm nay.
Các công nhân một doanh nghiệp thực hiện công đoạn philê cá tra để xuất khẩu – Ảnh: BỬU ĐẤU
Nhiều địa phương cho biết sẽ quản lý chặt quy hoạch vùng nuôi cũng như chất lượng con giống, đảm bảo quá trình nuôi đạt chuẩn chất lượng như yêu cầu của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ.
Tết rộn ràng nhờ lãi lớn
Ông Nguyễn Văn Khanh (xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc) có ba ao nuôi, thu hoạch khoảng 200 tấn cá trước Tết Kỷ Hợi 2019 cho biết với giá cá tra ở mức 29.000-29.500 đồng/kg, người nuôi có lợi nhuận khoảng 8.000 đồng/kg nên gia đình ông được ăn một cái tết lớn hơn so với mọi năm.
“Những năm trước, giá cá tra liên tục trồi sụt bất thường khiến người nuôi cá lao đao. Năm nay giá cá ổn định, có thời điểm lên tới 35.000 đồng/kg nên ai cũng phấn khởi” – ông Khanh chia sẻ.
Cuối tháng 1-2019, HTX Thủy sản và dịch vụ huyện Châu Thành đã xuất bán hơn 120 tấn cá tra với giá 29.500 đồng/kg, chưa kể hơn 1.000 tấn cá tra của các xã viên được xuất bán cho một doanh nghiệp cũng với giá khá cao. Theo ông Nguyễn Thanh Bình – giám đốc HTX này, hoạt động xuất khẩu cá tra thuận lợi, giá cá ở mức cao nên người nuôi cá đều có lãi lớn.
Theo ông Cao Lương Tri – nông dân nuôi cá tra ở xã Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên, An Giang), năm 2018 được xem là “thời hoàng kim” của người nuôi cá tra thương phẩm lẫn con giống, bởi chưa năm nào người nuôi cá tra được giá như năm qua.
Gia đình ông Tri thả nuôi hai hầm cá tra thương phẩm, đến khi bán với giá 29.500 đồng/kg, lợi nhuận trên 1,5 tỉ đồng. “Chưa bao giờ cá tra thương phẩm có giá cao như vậy” – ông Tri nói.
Theo ông Tri, khi giá cá tra thương phẩm lên cao, người dân tranh nhau mua cá tra giống để thả nuôi theo, trong khi nguồn cá tra giống hiện nay không đảm bảo. “Bà con cứ ùn ùn nuôi cá thế này tôi sợ sẽ xảy ra tình trạng “dội chợ” như trước kia. Đây cũng là cái khó chúng tôi đang đối mặt cho giai đoạn tới” – ông Tri lo lắng.
Lo đường dài
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, trong nửa tháng đầu năm 2019 toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 5.000 tấn cá tra nguyên liệu, với giá cá tra luôn ở mức cao. Trong năm 2019, diện tích nuôi cá trên địa bàn dự kiến 2.600ha, tăng khoảng 150ha so với năm 2018; sản lượng khoảng 530.000 tấn, tăng khoảng 60.000 tấn.
Để ngành cá tra phát triển bền vững, theo ông Lê Hoàng Vũ – chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, cần thực hiện nhiều nhóm giải pháp như tăng cường công tác quản lý quy hoạch vùng nuôi, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vùng nuôi ngoài quy hoạch, tăng cường kiểm tra chất lượng thủy sản, giám sát tình hình sử dụng thuốc, chất cấm trong thủy sản.
“Đồng Tháp sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành hàng cá tra, trong đó tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất khép kín để nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển cá tra theo hướng bền vững. Ngoài ra sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan vận động, xúc tiến phát triển chuỗi liên kết cơ sở sản xuất giống với cơ sở nuôi thương phẩm, cơ sở nuôi thương phẩm với doanh nghiệp chế biến” – ông Vũ chia sẻ.
Trong khi đó, ông Trần Phùng Hoàng Tuấn – chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang – cho biết địa phương này đang triển khai đề án giống cá tra ba cấp để đảm bảo chất lượng con giống cá tra. Trong năm 2017-2018, hai đơn vị sản xuất giống cấp 1 và cấp 2 đã cung ứng gần 1 tỉ con cá tra giống ra thị trường cho doanh nghiệp và nông dân nuôi cá tra thương phẩm, ước chỉ đáp ứng 30% nhu cầu người nuôi cá trong tỉnh.
Với những hộ sản xuất cá tra giống nhỏ lẻ, địa phương cũng hướng dẫn, tạo điều kiện để bà con sản xuất đúng quy trình. “Tuy nhiên, nhiều bà con chưa thích ứng được nên chưa thực hiện theo. Vì thế có tình trạng con giống sản xuất nhiều nhưng lượng hao hụt lớn. Còn đề án giống cá tra ba cấp dự kiến đến năm 2025 sẽ cung ứng 100% cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Lúc đó nông dân không còn sợ con giống kém chất lượng hay thiếu giống nữa” – ông Tuấn tự tin.
Nhiều tín hiệu tích cực
Theo ông Võ Hùng Dũng – phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, sản lượng cá tra trong năm 2018 đạt hơn 1,4 triệu tấn (tăng khoảng 20% so với năm trước) với kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 2,2 tỉ USD nhờ giá cá tra nguyên liệu đạt mức cao trong thời gian dài, có thời điểm đạt mức kỷ lục với hơn 35.000 đồng/kg.
Ngoài ra, cá tra Việt Nam còn có thể đạt vài triệu USD nếu tính cả các sản phẩm giá trị gia tăng, gồm collagen từ da cá, dầu ăn từ mỡ cá và bột làm từ xương cá.
Đặc biệt, theo ông Dũng, xu hướng rất tích cực là các hộ nuôi cá và doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực để cá tra đạt chuẩn công nhận tương đương của Mỹ. Dù nhiều địa phương mở rộng diện tích nuôi nhưng làm bài bản hơn, áp dụng công nghệ, giảm hóa chất và để môi trường nuôi cá gần với tự nhiên hơn…