(TSVN) – Các loại protein ngũ cốc được sản xuất bằng quy trình lên men truyền thống gần đây được đánh giá cao, bởi có nhiều tiềm năng trở thành nguồn dinh dưỡng thủy sản bền vững. Trong số này có ngô lên men đã được thử nghiệm thành công trên tôm, cá chép và cá rô phi.
Hãng Poet Nutrition của Mỹ tại Sioux Falls, South Dakota đã sử dụng công nghệ sinh học cải tiến trong quá trình sản xuất nhiên liệu sinh học từ ngô để tạo ra phụ phẩm mới – protein ngô lên men có thể sử dụng làm thức ăn cho cá vây và tôm.
Sản phẩm này được hãng đặt tên NexPro, một loại protein ngô được tách cơ học sau quá trình lên men các sản phẩm DDG bằng công nghệ độc quyền Maximized Stillage Co-products. Sản phẩm tạo ra có lượng protein ưu việt (xấp xỉ 50%), lượng xơ thô thấp hơn và thành phần dinh dưỡng được cải tiến hơn so với DDGS truyền thống.
Poet Nutrition đã thực hiện hàng loạt thử nghiệm độc lập trên nhiều đối tượng nuôi gồm cá hồi Atlantic, cá hồi vân, rô phi, tôm và đều đạt kết quả khả quan. Mục tiêu quan trọng của các thử nghiệm là đánh giá hiệu lực của protein ngô lên men (CFP) đối với vật nuôi và khả năng của thành phần này với vai trò là nguồn protein chất lượng cao trong các công thức thức ăn thủy sản.
Các thử nghiệm tăng trưởng liên tiếp thực hiện tại Viện Nghiên cứu thủy sản E.W tại Auburn, Mỹ. Các sản phẩm CFP do Poet Nutrition sản xuất. Thử nghiệm sơ bộ (Trial 1) gồm 4 khẩu phần và thử nghiệm thứ cấp (Trial 2) gồm 5 nghiệm thức. Đây đều là các khẩu phần sử dụng CFP để thay thế bột cá trong Trial 1 và sau đó kết hợp với bột cá và khô đậu trong Trial 2.
Để chuẩn bị các khẩu phần, nhóm chuyên gia đã trộn lẫn các thành phần khô bằng thiết bị riêng trong thời gian xấp xỉ 15 phút. Sau đó bổ sung dầu cá, tiếp theo thêm nước sôi vào hỗn hợp cho đến khi đồng nhất để ép viên bằng khuôn có kích thước 2.5 mm. Sấy viên thức ăn ướt trong lò (<50°C) qua đêm để đạt lượng ẩm dưới 10. Sau đó, bẻ vụn viên thức ăn khô, đóng gói trong các túi kín và bảo quản trong tủ đông.
Trong thử nghiệm đầu tiên, TTCT giống (trọng lượng ban đầu 1,24 g) được thả vào bể 80 lít tái tuần hoàn với mật độ 10 con/bể. Hệ thống tái tuần hoàn trong nhà gồm các bể nuôi, lọc sinh học, ống bơm và hệ thống cấp ôxy. Mỗi nghiệm thức được chia ngẫu nhiên cho mỗi bể và lặp lại 4 lần. Tôm được phân nhóm theo trọng lượng ở đầu và cuối thử ngiệm (5 tuần), cho ăn 4 lần/ngày với 2 cữ sáng và 2 cữ chiều. Giám sát lượng ăn cẩn thận để tính toán hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) và hệ số tăng nhiệt (TGC) – một thông số của sự tăng trưởng kết hợp tác động của nhiệt độ lên trao đổi chất.
Thử nghiệm 2 sử dụng các thành phần tương tự thử nghiệm đầu tiên nhưng thực hiện với các tỷ lệ CFP khác nhau từ để tìm ra mức bổ sung tối ưu nhất cho tăng trưởng của tôm. Ở cả thử nghiệm 1 và 2, nồng độ ôxy hòa tan (DO), nhiệt độ, độ mặn, pH được đo 2 lần/ngày; đồng thời phân tích mẫu nước hàng tuần đế đánh giá tổng ammonia-nitơ (TAN).
Các kết quả thử nghiệm chỉ ra mức độ bổ sung CFP khả thi vào khẩu phần ăn của tôm là 20 – 30%. Trong thử nghiệm 2, lần lượt bổ sung CFP vào 5 khẩu phần ăn với tỷ 0, 6, 12, 18 và 24% thì nhận thấy, ở mức 6% CFP đã giúp vật nuôi cải thiện tăng trưởng hơn nhóm đối chứng. Tuy nhiên, 18% là mức bổ sung tối ưu vì nếu cao hơn sẽ xuất hiện một số bất lợi về dinh dưỡng liên quan đến tiêu hóa.
Trước đây, DDG và DDGS đã được sử dụng như một thành phần protein và nguồn năng lượng giá trị trong thức ăn thủy sản. Nhưng nhược điểm là lượng xơ không tan tương đối lớn nên có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa của vật nuôi. Protein ngô lên men thế hệ mới như NexPro đã khắc phục được hạn chế này. Phụ gia này đạt hiệu quả khi bổ sung vào khẩu phần ăn của tôm để thay thế cho bột cá hoặc khô đậu mà vẫn duy trì cân bằng protein và lipid cho tôm.
Dũng Nguyên
Theo WorldAquaFeed