T2, 06/07/2020 01:58

Nguy cơ cạn kiệt cá mập nhám

Chưa có đánh giá về bài viết

Cả vùng biển kéo dài hàng ngàn cây số từ miền Đông như Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu cho tới miền Tây như Kiên Giang, Cà Mau… ngư dân đều bắt được cá mập nhám. Cả tàu xa bờ lẫn ghe thúng nhỏ ven bờ. Tuy giá cá mập nhám không cao như cá thu, cá bớp nhưng đây vẫn là loài hải sản có giá trị kinh tế cao của ngư dân.

Kiếm tiền triệu nhờ cá mập nhám

Thực tế, từ lâu cá mập nhám được bày bán ở khá nhiều khu chợ hải sản của ngư dân vùng biển miền Đông và Nam Trung bộ, kéo dài từ La Gi, Phan Thiết cho tới Lộc An, Long Hải, Bến Đá. Thậm chí, một số ngư dân ở miền Tây như Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng… cũng đánh bắt được loài cá này nhưng sản lượng ít hơn. 

Theo bà Nguyễn Thị Tâm, một tiểu thương buôn bán tại chợ hải sản Cam Bình (xã Tân Phước, La Gi, Bình Thuận), nhiều năm qua, khi lấy hàng của các ghe đi biển, bà vẫn lấy cá mập nhám về bán. Cá mập nhám cũng như cá bớp, cá thu, cá ngừ… đều xuất hiện nhiều ở vùng biển Bình Thuận nên ngư dân vẫn đánh bắt được. Thịt của chúng ăn ngon, thơm và chắc mà giá cũng không mắc. 

Cá mập nhám được bày bán nhiều ở các chợ ven biển

Đi một vòng quanh chợ hải sản Cam Bình, chúng tôi thấy hàng chục sạp bán cá mập nhám. Sạp ít thì dăm ba con, sạp nhiều thì có cả chục con. Một số ngư dân ở đây cho biết, cá mập nhám thường được ngư dân đánh bắt quanh năm, ở vùng biển ven bờ. Cũng như nhiều loài cá có trọng lượng nhỏ khác, cá mập nhám thường xuất hiện tầng nước trên, chúng thường săn bắt các loài cá nhỏ ưa thích như cá cơm, cá mú để làm thức ăn. Dù không có nghề chuyên dụng đánh bắt cá mập nhám nhưng do vùng biển nước ta có nhiều loài này, chúng cũng mang lại lợi nhuận lớn, có khi tới cả triệu đồng cho các ghe thuyền đánh bắt gần và ven bờ.

 

Đặc sản đang dần biến mất

Ngoài vùng biển La Gi, tại nhiều cảng cá trải dọc ven biển miền Đông như ở Lộc An, Long Hải, Bình Châu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) chúng tôi cũng thấy xuất hiện cá mập nhám thời gian này. Đặc biệt, tại cảng cá Long Hải ở huyện Long Điền, cảng cá thuộc loại lớn nhất cả nước, mỗi ngày có hàng trăm con cá mập nhám được vận chuyển qua đây. Chúng được khai thác ở vùng biển xa bờ, cùng với nhiều loại hải sản khác. Vì có ngoại hình giống cá mập đặc trưng, cá mập nhám đang là món ăn ưa thích của nhiều dân nhậu. Đó là lý do chúng ngày càng bị săn bắt nhiều hơn, có nguy cơ cạn kiệt.

Nhiều ngư dân làm nghề biển ở miền Tây cho biết, cá mập nhám rất khỏe nên dù dính lưới, chúng vẫn sống. Khác với các loại cá khác thường được ướp đông lạnh, ngư dân thường có thói quen giữ mập nhám còn sống bằng những thùng chứa nước biển trên ghe để tăng giá trị. Giá của cá mập nhám sống thường gấp đôi cá ướp đông lạnh. Nhưng giữ cho mập nhám sống được sau khi đánh bắt là cả một kỳ công, hầu như chỉ những ghe gần bờ mới đủ điều kiện. Đó là những ghe nhỏ, đánh bắt ngắn ngày với mỗi chuyến biển chỉ từ 1 – 3 ngày. Sau đó họ mang sản phẩm vào bờ bán ngay lại cho các thương lái. Ngoài vùng biển ven bờ, theo tìm hiểu chúng tôi các hòn đảo như Nam Du, Côn Đảo và đặc biệt là Phú Quốc, cá mập nhám cũng được khai thác rất nhiều vì nhu cầu tiêu thụ lớn, chủ yếu là khách du lịch.

Hiện nay, một số nước đã có chính sách hạn chế đánh bắt cá mập nhám, vì nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ cạn kiệt của loài này. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thực tế ngư dân vẫn đánh bắt và buôn bán loài mập nhám một cách bình thường. Đây còn là nguồn sinh kế chính của nhiều ngư dân nghèo, rải rác trong vùng biển rộng lớn ở phía Nam.

Bài, ảnh: Đoàn Đại Trí

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!