Nhiều năm qua, cùng với việc đối diện sóng to gió lớn giữa biển cả mênh mông, ngư dân Việt Nam còn phải đương đầu với những cuộc tấn công, cướp phá của phía Trung Quốc. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của ngư dân mà còn khiến tính mạng của họ luôn bị nguy hiểm.
Ngư dân Việt Nam có quyền đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam
Bị cướp trắng hàng trăm triệu
Mới đây nhất, vào khoảng 13h30 ngày 2/6, tàu của ngư dân Quảng Nam mang số hiệu QNa 91441 của ngư dân Trần Văn Nhân đang ở cách đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) khoảng 22 hải lý thì bất ngờ một tàu sắt sơn màu trắng, treo cờ Trung Quốc có số hiệu 46305 cập đến áp sát, cho người lên tàu đe dọa tính mạng thuyền viên. Sau đó, tàu Trung Quốc cướp 2 tấn mực của ngư dân, trị giá hơn 250 triệu đồng.
Trước hành động này, Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương phản đối phía Trung Quốc cướp phá tài sản của ngư dân Việt Nam. Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng phản đối mạnh mẽ với phía Trung Quốc và có biện pháp quyết liệt, ngăn chặn hành động cướp phá trên biển, bảo vệ tài sản, sự an toàn cho ngư dân Việt Nam khi sản xuất trên vùng biển Việt Nam, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Trong cuộc họp báo thường kỳ sau đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng đã lên án hành động của tàu công vụ Trung Quốc. Bà Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc xử lý nghiêm các nhân viên và tàu công vụ Trung Quốc vi phạm, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam, có hình thức giáo dục các nhân viên của phía Trung Quốc, không để tái diễn các hành động tương tự”.
Không bỏ ngư trường truyền thống
Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, việc ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản trên vùng biển truyền thống của Việt Nam là hoàn toàn hợp pháp, thế nhưng, năm nào cũng xảy ra tình trạng phía Trung Quốc tấn công, cướp phá, đe dọa nghiêm trọng tính mạng của ngư dân Việt Nam. Nhẹ thì ngư dân Việt Nam bị lấy đi hải sản, nặng thì cướp phá ngư lưới cụ, thậm chí bị phía Trung Quốc đâm chìm tàu rồi bỏ mặc ngư dân chới với trên biển.
Điển hình như vụ việc xảy ra ngày 6/3, trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, một tàu cá Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc đâm chìm. Sau đó, tàu Trung bỏ đi, mặc cho năm ngư dân trên tàu phải bám vào phần nổi mũi tàu, may mắn đến trưa cùng ngày, họ đã được một tàu cá khác của Việt Nam cứu vớt an toàn.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam liên tục phản đối, gửi công hàm cho phía Trung Quốc phản đối, tăng cường lực lượng chấp pháp trên biển để bảo vệ ngư dân, tuy nhiên, vụ việc vẫn chưa chấm dứt và mức độ nghiêm trọng còn rất đáng lo ngại.
Thế nhưng, nguy hiểm không cản bước ngư dân. Bằng chứng là từ năm 1999 đến nay, Trung Quốc hàng năm vẫn ngang nhiên tự ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và các nước trong khu vực. Thế nhưng, ngư dân Quảng Ngãi vẫn can trường bám biển. Ngư dân Nguyễn Tấn Ngọt (Quảng Ngãi), chủ của chiếc tàu bị Trung Quốc đâm chìm ở Hoàng Sa năm 2018, vẫn còn rất phẫn uất với hành vi đó, thế nhưng, ông nói không bao giờ sợ.
“Nếu sợ thì tôi hay hàng trăm ngư dân ở làng Châu Thuận Biển đã chẳng bén mảng tới Hoàng Sa. Từ xưa tới giờ đã vậy, việc rượt đuổi, đâm tàu giữa quần đảo Hoàng Sa đối với chúng tôi diễn ra như cơm bữa. Đã là cơm bữa thì thói quen rồi, có gì đâu mà ngại”, ông Ngọt khẳng định. Bằng chứng là việc sau khi con tàu cũ bị chìm ở Hoàng Sa, ông đã huy động mọi nguồn lực đóng ngay chiếc tàu mới hơn 3 tỷ đồng tiếp tục vươn khơi.
Hoàng Sa là một phần của Tổ quốc, điều này không chỉ được khẳng định chắc nịch trong lịch sử mà đã được quốc tế công nhận, vì vậy, không có lý do gì phải từ bỏ ngư trường truyền thống. Việc khai thác thủy sản tại Hoàng Sa không chỉ vì miếng cơm manh áo của ngư dân, mà còn vì để bảo vệ một phần máu thịt của Tổ quốc. Với họ, đảo Hoàng Sa là một phần máu thịt không thể tách rời.
>> Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBNS huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) khẳng định: Ngư dân chúng ta tôn trọng luật pháp của Việt Nam cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế về đánh bắt hải sản trên biển Đông. Ngư dân Việt Nam có quyền đánh bắt trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, không một quốc gia nào có quyền can thiệp, nghiêm cấm. |