(TSVN) – Cá đối mục là loài sinh trưởng tốt, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Hiện, đây được xem là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao ở nhiều quốc gia, phù hợp với điều kiện sinh thái vùng nước lợ và vùng ven biển.
Cá đối mục thuộc ngành: Chordata; Ngành phụ: Vertebrata; Lớp cá xương: Osteichthyes; Bộ cá vược: Perciformes; Họ cá đối: Mugilidae; Loài cá đối mục: Mugil cephalus Linnaeus, 1758.
Cá đối mục có thân dài, tiết diện gần tròn. Chiều dài bằng 3,9 – 4,7 chiều cao. Mắt to và có màng mỡ rất dày. Lưng có màu xanh ôliu, mặt bên có màu trắng bạc kéo xuống màu trắng ở phần bụng. Chiều dài lớn nhất khoảng 120 cm, thông thường 50 cm, trọng lượng tối đa 8 kg.
Cá đối mục là loài cá có giá trị và được chú ý nhất trong 5 – 7 loài thuộc họ cá đối thường gặp ở cửa sông. Loài cá này rộng nhiệt, thể sống được ở nhiệt độ 3 – 35oC, nhưng nhiệt độ thích hợp nhất là 20 – 250C. Đây cũng là loài rộng muối, có thể sống được ở độ mặn 0 – 40‰ nhưng độ mặn thích hợp nhất từ 15 – 30‰. Cá ở vùng biển nhiệt đới và á nhiệt đới, sống ở tầng mặt, thường bắt gặp nhiều ở vùng biển cạn hoặc cửa sông để vỗ béo. Cá bột mới nở theo thủy triều trôi vào vùng vịnh hoặc cửa sông kiếm ăn. Mùa đông nhiệt độ thấp, cá bơi ra chỗ nước sâu để tránh rét.
Cá đối mục là loài cá ăn tạp, thức ăn chủ yếu là mùn bã hữu cơ, sinh vật sống trên mùn bã hữu cơ như các loài tảo sợi, tảo lam, tảo khuê, copepoda, trứng và ấu trùng của nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Trong năm tốc độ sinh trưởng của cá lớn nhất là từ tháng 4 – 10. Tốc độ sinh trưởng chậm là từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Sau 1 năm sinh trưởng cá đối mục có thể đạt trọng lượng từ 300 – 500 g/cá thể.
Ngoài tự nhiên, cá đối mục phân bố rộng từ phía đông Thái Bình Dương (California – Mỹ) đến Chilê, từ Tây Thái Bình Dương (Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan) đến Phillipines, từ Tây Đại Tây Dương (Nova Scotia, Canada) đến Brazil, từ Đông Đại Tây Dương (vịnh Biscay) đến Nam Phi bao gồm cả biển Địa Trung Hải và biển Đen. Ở Việt Nam, cá đối mục phân bố từ Bắc đến Nam, tập trung nhiều nhất là vùng biển Quảng Bình, Nghệ An và Nam Định.
Do có nhiều lợi ích kinh tế mà đã có nhiều tác giả nghiên cứu về loài cá này. Năm 2009, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Nha Trang tiếp nhận công nghệ do chuyên gia Trường Đại học Sơn Đông, Trung Quốc chuyển giao và đã sản xuất thành công 10 vạn cá giống cỡ 4 – 6 cm. Từ thành công này đã mở ra cơ hội thuận lợi giúp nhiều đơn vị, doanh nghiệp tiếp cận quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm loài cá này.
Điển hình là từ 7/2011 – 3/2014, Công ty CP Thanh Hương, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cho phép triển khai dự án: “Xây dựng mô hình phát triển sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá đối mục”. Sau gần 3 năm thực hiện, dự án đã được nghiệm thu với kết quả khả quan. Cụ thể đã chuyển giao và tiếp nhận thành công 8 quy trình công nghệ như nuôi vỗ cá bố mẹ; kích thích sinh sản; ấp trứng, ương cá bột lên cá hương; ương cá hương lên cá giống; ấp Artemia; nuôi hàu, tu hài ấu trùng và quy trình nuôi thức ăn tươi sống.
Đến nay, cá đối mục đã được nuôi phổ biến ở nhiều địa phương của nước ta. Nếu so sánh với các đối tượng cá nuôi khác thì vốn đầu tư để nuôi cá đối mục thường thấp hơn nhiều, đặc biệt là thức ăn. Thêm vào đó, kỹ thuật nuôi không khó, người dân có thể dễ dàng tiếp cận được, cá nuôi lại ít dịch bệnh nên tỷ lệ sống cao. Thị trường đầu ra cũng rất tiềm năng; bởi cá đối mục có thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Có hai hình thức nuôi cá đối mục trong ao đất, đó là: Nuôi đơn (nuôi bán thâm canh và thâm canh trong các ao nuôi chuyên canh) và nuôi ghép (với các loài khác như tôm sú, cá chép thường, cá trắm cỏ, cá chép bạc, cá rô phi và cá măng biển). Đặc biệt mô hình nuôi cá đối mục kết hợp với tôm sú phát triển ở nhiều địa phương như: Quảng Ninh, Quảng Bình, Phú Yên, Sóc Trăng, Bạc Liêu, đạt hiệu quả khá cao. Cá đối mục thích nghi, sinh trưởng phát triển tốt. Có thể nuôi ghép tôm sú với cá đối mục trong những ao nuôi nước lợ ở vùng triều, nhất là những ao nuôi tôm thường xuyên bị dịch bệnh. Giá trị kinh tế của cá đối lớn hơn so với các loại cá khác như cá chẽm, cá măng và việc tiêu thụ cá thương phẩm có thể hoàn toàn được chủ động.
Kim Tiến