(TSVN) – Sáng 1/10, VCCI chi nhánh tại Cần Thơ phối hợp Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cùng VOV tại ĐBSCL tổ chức Hội thảo trực tuyến: “Bức tranh Kinh tế Việt Nam và ĐBSCL: Dự báo Kinh tế quý IV và triển vọng năm 2022”, đã phân tích nhu cầu cấp bách mở cửa kinh tế từ tháng 10 để phục hồi sau đại dịch, tránh thiệt hại nặng nề.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có 90.300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, trong khi chỉ 85.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Tính ra, số doanh nghiệp trong cả nước đang giảm. Ở ĐBSCL, hơn 90% doanh nghiệp ngừng hoạt động, số còn hoạt động chỉ đảm bảo 5 – 10% công suất.
Báo cáo của ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế ở Trường Chính sách công và Quản lý (ĐH Fulbright Việt Nam) cho hay, GDP cả nước quý III giảm 6,17% so cùng kỳ năm 2020. Các ngành quan trọng đều giảm trong quý III (công nghiệp chế biến, xây dựng, thương mại, vận tải).
Xuất khẩu trong tháng 9 giảm mạnh so cùng kỳ ở nhiều mặt hàng: Giày dép giảm 44,2%; nội thất gỗ giảm 35,3%; phụ tùng ô tô giảm 34,3%; cà phê giảm 30,1%; may mặc giảm 18,6%. Kim ngạch xuất khẩu ở nhiều địa phương cũng giảm mạnh so với tháng 8: TP Hồ Chí Minh giảm 36,2%; Hà Nội giảm 36,7%; Bình Dương giảm 26,1%; Đồng Nai giảm 20,4%; vùng ĐBSCL giảm đến 41,9%.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho rằng: “Vẫn kỳ vọng hoạt động kinh tế hồi phục một phần trong quý IV/2021 theo hướng thích ứng an toàn và “bình thường mới” để phục hồi kinh tế mạnh trong năm 2022. Để có tăng trưởng trong năm 2021, cần phục hồi trong quý IV: Mở cửa kinh tế từ đầu tháng 10”.
Theo chuyên gia Thành, dù kinh tế giảm sút mạnh trong tháng 9 nhưng nền tảng ổn định vĩ mô chưa bị xói mòn bởi COVID. Lần đầu tiên trước một cuộc khủng hoảng toàn cầu có tác động tới Việt Nam, nhưng ổn định kinh tế vĩ mô trong nước vẫn được giữ vững. Cùng với kiểm soát COVID, ổn định vĩ mô là điều Nhà nước phải làm và có năng lực thực thi hiện nay.
Nguồn: TCTK
Chỉ số sử dụng lao động ở ĐBSCL đang thấp nhất nước. Thống kê của Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành đầu tháng 9/2021 so cùng kỳ năm 2020: Dưới mức trung bình cả nước (86,1%) có tỉnh Vĩnh Long chỉ 16,9%, Trà Vinh 22,1%, Hậu Giang 32,4%, Đồng Tháp 40,5%, Bến Tre 47,9%, Cần Thơ 60,8%, Kiên Giang 71,9%, Tiền Giang 72,3%, Cà Mau 74,2%.
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc thống nhất quan điểm cần mở cửa kinh tế ngay và hơn thế nữa, cần nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chuyển sang thúc đẩy phát triển. Có hai vấn đề lớn trong hoạt động kinh tế hiện nay là môi trường kinh doanh và năng lực kinh doanh, hệ thống pháp luật phải thống nhất để không gây khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Kinh tế không thể phục hồi, phát triển nếu tỉnh này “mở” tỉnh kia “đóng”, thậm chí đột ngột “mở – đóng”.
“Trước đây đặt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả để đất nước có nguồn lực phát triển. Vì dịch bệnh, số doanh nghiệp không tăng mà lại giảm cho nên bây giờ mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp ở năm 2025 tức là gấp đôi hiện nay càng trở nên xa xôi. Cần khẩn trương mở cửa, hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển thì mới hy vọng kinh tế phục hồi sau đại dịch”, ông Lộc nói.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tán thành ý kiến mở cửa phải nhanh chóng, rõ ràng, thống nhất và phân tích thêm ở vùng nông nghiệp, thủy sản quốc gia là ĐBSCL. Theo vị tư lệnh ngành nông nghiệp, ĐBSCL muốn trở thành một vùng kinh tế phát triển thì phải có không gian kinh tế, không gian phát triển. Con cá trong ao, hạt lúa trên ruộng mới là sản lượng; khi được thu hoạch, chế biến và vận chuyển đến tay người tiêu dùng để sinh ra giá trị gia tăng thì mới thành kinh tế. Nên không thể cắt khúc từng địa phương trong vùng mà có kinh tế phát triển. Dịch bệnh vừa qua chỉ làm trầm trọng thêm những yếu kém của vùng nông nghiệp và thủy sản quốc gia; bây giờ muốn phục hồi, phát triển cần thay đổi cả tư duy lẫn tổ chức. Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phối hợp kiến tạo không gian phục hồi, cả hai cùng là chủ thể phát triển, không còn một bên quản lý và một bên bị quản lý. Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân và xã hội cùng hoạt động hài hòa trong vùng ĐBSCL và với các vùng khác.
“Muốn được như vậy, cách hành xử của các địa phương phải linh hoạt hơn, bám sát thực tế hơn. Các địa phương cần ngồi lại bàn bạc, kiến tạo không gian phát triển cho vùng ĐBSCL với tư duy tích hợp đa ngành, đa giá trị để phục hồi, phát triển mạnh mẽ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kết luận.
>> Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: “Người lao động đã tiêm vaccine được tự do đi lại từ địa phương này sang địa phương khác không bị cách ly. Doanh nghiệp không cần phải xin thêm giấy phép để hoạt động sản xuất kinh doanh, vì đó chỉ là hình thức, gây thêm khó khăn mà ít có tác dụng phòng, chống dịch bệnh, ít giá trị bảo đảm an toàn”. |
Sáu Nghệ