(TSVN) – Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2022 của Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã đặt ra nhiều yêu cầu quan trọng cho ngành thủy sản. Trong đó, có cả vấn đề “nóng” là IUU và đề xuất chính sách hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân.
Trong Thông báo ý kiến kết luận của Bộ trưởng tại cuộc họp sơ kết ngành nông nghiệp mới đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, mặc dù, 6 tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn nhưng các đơn vị thuộc Bộ đã chủ động, tích cực, sáng tạo trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn để đạt “mục tiêu kép” như tăng trưởng GDP cao trên tất cả các lĩnh vực; Đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trong mọi tình huống; Giá trị xuất khẩu đạt ở mức cao, nhất là thặng dư thương mại tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ; Sản phẩm đạt chuẩn OCOP tăng mạnh gần 2.000 sản phẩm so với cuối năm 2021…
Cụ thể, theo số liệu của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2022, ngành nông nghiệp cho thấy sự tăng trưởng toàn diện. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 2,8%; trong đó, nông nghiệp tăng 2,31%, chăn nuôi tăng 5,7%, lâm nghiệp tăng 4,97%, thủy sản tăng 4,15%. Tốc độ tăng GDP ngành dự kiến đạt khoảng 2,7 – 2,8%.
Tiếp đà tăng trưởng này, trong tháng 7 vừa qua, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả tốt. Do đó, tính đến hết tháng 7, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt con số gần 32,3 tỷ USD, tăng 12,2% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt 13,3 tỷ USD, tăng 8,4%; lâm sản chính đạt trên 10,4 tỷ USD, tăng 1,3%; thủy sản ước đạt gần 6,7 tỷ USD, tăng 34,2%; chăn nuôi ước đạt 225,6 triệu USD, giảm 11,6%; xuất khẩu đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 66,7%. Trong 7 tháng đầu năm, đã có 4 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD gồm: cà phê, gạo, tôm, sản phẩm gỗ.
Hy vọng sớm có cơ chế hỗ trợ chi phí xăng dầu cho ngư dân khai thác hải sản. Ảnh: ST
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua ngành vẫn còn một số tồn tại như việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở một số địa phương còn chậm, sản lượng và quy mô còn hạn chế; Nguyên liệu vật tư đầu vào, giá thức ăn chăn, phân bón… tăng cao; Khai thác thủy sản gặp khó khăn do giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế, đời sống của người sản xuất; Hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường của ngành nông nghiệp chưa thực sự đáp ứng yêu cầu khi phải thực hiện theo hình thức trực tuyến; Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp hơn nhiều so với cùng kỳ…
Điều này cho thấy, lợi thế có nhiều nhưng khó khăn của ngành nông nghiệp thời gian qua cũng không ít, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nhiệm vụ còn lại của ngành đến hết năm 2022 là rất lớn trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu được dự báo sẽ tiếp tục gây nên những hiện tượng thời tiết cực đoan, khó lường.
Để hoàn thành tốt mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết ngành nông nghiệp cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận đối với các vấn đề đang tồn đọng trong từng lĩnh vực mình phụ trách để tham mưu những giải pháp phù hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Cùng đó, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền để người dân thay đổi các mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình sản xuất tiết kiệm vật tư, nguyên liệu đầu vào trong điều kiện khó khăn về vật tư, nguyên liệu sản xuất; tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất tiêu biểu trên diện rộng, theo từng vùng.
Trong đó, về thủy sản, Bộ trưởng đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể, Bộ trưởng đề nghị ngành thủy sản tiếp tục chỉ đạo phát triển nuôi trồng các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra), đẩy mạnh phát triển nuôi trồng trên biển và các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thiệt hại cho người nuôi.
Về khai thác, tiếp tục chỉ đạo nhân rộng các mô hình tổ, đội ngư dân sản xuất trên biển, xây dựng chuỗi liên kết; theo dõi sát thời tiết, dự báo ngư trường để hỗ trợ ngư dân sản xuất an toàn, hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả các giải pháp, kế hoạch về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định IUU; chuẩn bị kế hoạch, kịch bản làm việc với đoàn thanh tra của EC kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam.
Ngoài ra, một vấn đề “nóng” được Bộ trưởng yêu cầu là ngành thủy sản cần sớm đề xuất chính sách phù hợp hỗ trợ chi phí xăng dầu để ngư dân vươn khơi, bám biển, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, nhằm đảm bảo xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh mở cửa thị trường các mặt hàng nông lâm thủy sản; đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn, có giá trị như thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại khu vực cửa khẩu như giai đoạn hiện nay.
Và một nhiệm vụ quan trọng nữa của ngành là đẩy mạnh tiêu thụ nông lâm thủy sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu; bảo đảm nguồn cung lương thực thực phẩm và an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống; dự báo và phối hợp với các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ kịp thời nông sản chính vụ; phối hợp tổ chức kết nối thu mua nông sản, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn.
Cùng đó, Bộ trưởng cũng chỉ đạo việc tăng cường quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm. Hướng dẫn áp dụng các loại nguyên liệu thay thế, phụ phẩm trong nông nghiệp nhằm đa dạng nguồn nguyên liệu và hạn chế phụ thuộc nhập khẩu, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, cần triển khai chủ động, có hiệu quả các FTAs với các nước, khu vực trên thế giới; Hiệp định CPTPP, EVFTA và các Hiệp định song phương với các nước tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng, hội, doanh nghiệp, hợp tác xã…
Phạm Thu