Ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang), phần lớn bà con sống bằng nghề đi biển, đánh bắt thủy, hải sản.
Vào thời điểm nước lớn, cảng cá Đèn Đỏ trở nên nhộn nhịp hẳn lên bởi hàng trăm người đang tấp nập đợi thuyền ghe cặp bến để phân loại hải sản. Đây được xem là một công việc giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại vùng biển này.
Đến cảng cá Đèn Đỏ vào một ngày cuối tháng 10, khi mặt trời vừa đứng bóng cũng là lúc từng tốp thuyền đánh cá vào bờ để nghỉ ngơi sau một đêm đánh bắt ngoài khơi xa.
Cảng cá Đèn Đỏ nhộn nhịp khi ghe, thuyền về
Trên khuôn mặt mỗi ngư dân vẫn còn hằn sâu nét mệt mỏi, nhưng vẫn không giấu được niềm vui vì một chuyến ra khơi thắng lợi, ghe thuyền chở nặng tôm cá, ra vào nhộn nhịp tại cảng.
Bà Lê Thị Cẩm Hồng, ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành, tay thoăn thoắt lựa cá, miệng cười nói vui vẻ: “Tôi làm nghề này đã lâu rồi, ở đây khó tìm được việc làm nào ngoài việc lựa cá. Công việc không có thời gian cố định, chỉ làm theo con nước, nước lớn ghe, thuyền cặp bến thì mới làm. Bữa nào ít đem về nhà ăn hết, bữa nào nhiều đem ra chợ bán đổi vài kg gạo, chai nước mắm, sống lay lất qua ngày…”.
Ông Phan Hồng Thu, trưởng ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành cho biết: “Hiện ấp Đèn Đỏ có hơn 300 thanh niên tham gia đánh bắt xa bờ có nguồn thu nhập ổn định, hơn 200 phụ nữ tham gia vào công việc phân loại hải sản.
Nếu làm siêng năng thì hàng tháng cũng mang lại hơn 1 triệu đồng/người từ việc bán cá thu gom được. Bên cạnh đó, một số làng nghề truyền thống như nghề vá lưới, nghề làm khô mắm… cũng đã giải quyết một lượng lớn lao động nhàn rỗi, chưa có việc làm, góp phần nâng cao đời sống người dân vùng biển và hạn chế các tệ nạn xã hội”.