(TSVN) – Năm nay độ mặn về sớm tại hầu hết các vùng nuôi và giá tôm luôn ở mức cao, nên người nuôi trong khu vực ĐBSCL đều hối hả chuẩn bị ao nuôi để sẵn sàng bước vào vụ nuôi mới với kỳ vọng sẽ trúng mùa, trúng giá.
Tại Sóc Trăng, ngay từ đầu năm 2021, độ mặn đã bắt đầu tăng tại một số vùng nuôi. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, hầu hết người nuôi chỉ tập trung cho việc cải tạo ao, chỉ một số ít mô hình nuôi ao nổi, ao lót bạt đáy là thả nuôi. Vì vậy, đến thời điểm trung tuần tháng 3, toàn tỉnh chỉ mới thả giống gần 4.000 ha và đã có một số diện tích được thu hoạch với hiệu quả rất cao. Theo dự báo, việc thả giống rộ đợt đầu sẽ bắt đầu từ cuối tháng 3 và rải đều trong suốt khung lịch thời vụ do ngành nông nghiệp tỉnh ban hành. Đây cũng chính là biện pháp rải vụ trong khung lịch thời vụ đã giúp nghề nuôi tôm Sóc Trăng gặt hái được thành công liên tiếp 4 năm gần đây.
Chia sẻ về tình hình vụ tôm nước lợ năm nay, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết: “Người nuôi tôm đang rất phấn khởi với giá tôm từ đầu năm đến nay và cùng với đó là các yếu tố thời tiết, môi trường cũng khá thuận lợi, nên người nuôi đang rất tự tin bước vào vụ nuôi mới này. Đối với Sóc Trăng, thường người nuôi không thả nuôi tập trung, mà chỉ thả thăm dò, khi thấy điều kiện thật sự thuận lợi mới bắt đầu thả nuôi hết diện tích. Năm nay, kế hoạch của tỉnh đề ra chỉ 51.000 ha và sản lượng 170.000 tấn, nhưng nhiều khả năng sản lượng sẽ vượt chỉ tiêu này vì hiện có nhiều hộ nuôi bắt đầu chuyển đổi sang nuôi mô hình ao nổi có tỷ lệ thành công và năng suất rất cao”.
Kiểm tra tôm giống trước khi thả nuôi. Ảnh: PTC
Không khí vụ nuôi tôm mới ở các tỉnh trong khu vực ĐBSCL như: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh… cũng diễn ra khá sôi động ngay từ những tháng đầu năm nay. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Cà Mau, đối với diện tích nuôi quảng canh gần như được nuôi quanh năm, còn gần 154.000 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến theo kế hoạch tỉnh Cà Mau đã cơ bản thả giống xong. Riêng diện tích nuôi thâm canh và siêu thâm canh khoảng 11.000 ha cũng đã thả giống khoảng 60%. Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết, môi trường khá thuận lợi cho nghề nuôi tôm. Cùng với đó là giá tôm tăng cao nên cũng kích thích người nuôi vào vụ sớm hơn. Nếu tình hình tiếp tục thuận lợi, nhiều khả năng tiến độ thả giống sẽ hoàn thành đúng kế hoạch”.
Chia sẻ với chúng tôi về tiến độ thả nuôi vụ tôm năm nay, anh Huỳnh Xuân Diện, Chủ tịch HĐQT HTX nuôi tôm năng suất cao Tân Hưng (huyện Cái Nước, Cà Mau) cho biết: “Nhìn chung, độ mặn năm nay không tăng nhanh và cao như đầu năm ngoái nên việc thả nuôi có phần thuận lợi hơn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt triều cường đầu năm nên một số diện tích nuôi quảng canh của HTX bị thiệt hại, còn lại diện tích nuôi thâm canh đều rất ổn”.
Tỉnh Kiên Giang cũng đã thả giống xong 136.000 ha tôm – lúa, tôm quảng canh và quảng canh cải tiến. Đối với mô hình tôm – lúa tập trung chủ yếu tại 4 huyện vùng U Minh Thượng, gồm: An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng. Riêng 4.000 ha diện tích nuôi thâm canh theo kế hoạch cũng đã được thả giống khoảng 1.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Kiên Lương, Giang Thành và TP Hà Tiên. Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang thông tin, bên cạnh việc xây dựng khung thời vụ thả nuôi cho từng vùng sinh thái, hình thức thả nuôi, đơn vị cũng đã có những khuyến cáo về lịch thời vụ, quan trắc môi trường và các biện pháp kỹ thuật canh tác.
Đối với tỉnh Bạc Liêu, nơi được mệnh danh là thủ phủ tôm cả nước, tiến độ thả giống tôm nước lợ năm nay nhìn chung cũng khá nhanh. Chỉ mới trung tuần tháng 2, toàn tỉnh đã thả giống trên diện tích 92.706 ha; trong đó, có 3.008 ha nuôi thâm canh, bán thâm canh, tôm sú 1.235 ha, TTCT 1.773 ha và nuôi quảng canh cải tiến 89.698 ha. Năm 2020, diện tích thả giống tôm nuôi siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh của tỉnh là 24.050 ha; trong đó, TTCT siêu thâm canh 2.250 ha; TTCT thâm canh, bán thâm canh 11.247 ha; tôm sú thâm canh, bán thâm canh 10.553 ha. Với mức lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/ha đối với mô hình nuôi TTCT siêu thâm canh và trên 800 triệu đồng/ha đối với nuôi thâm canh, dự báo mô hình này sẽ phát triển mạnh trong vụ nuôi năm 2021 này.
Giá tôm gần đây tuy có giảm nhẹ đôi chút nhưng vẫn còn ở mức đảm bảo cho người nuôi có được lợi nhuận cao, cùng với diễn biến thời tiết, môi trường thuận lợi đã và đang đẩy tiến độ thả tôm ở các tỉnh ĐBSCL nhanh hơn. Tuy chưa thể nói trước được điều gì nhưng với sự phát triển khá thuận lợi của những diện tích đã thả tôm, người nuôi đang rất kỳ vọng sẽ có một mùa tôm bội thu về năng suất và giá cao.
An Xuyên