Hoàn toàn lạ lẫm và độc đáo, hàng loạt cái ao nổi ngang lưng chừng làng được nông dân huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) sáng tạo ra để nuôi cá.
Nó vừa tốn ít chi phí, vừa cho năng suất cao lại không phá vỡ hiện trạng ruộng đồng khi giữ được nguyên mặt đáy…
Tứ Kỳ (Hải Dương) có 1.200 ha đất lúa thuộc dạng triều trũng với cốt đất chỉ 0,8 – 1,2 m, thường xuyên bị úng ngập, cấy lúa rất bấp bênh.
Ở nông thôn giờ đây nhân lực trẻ, khỏe bị thu hút hết vào những nhà máy, công ty khổng lồ mọc lên mỗi ngày một san sát. Lao động thiếu, canh tác khó khăn, sâu bệnh nhiều, giá trị hạt thóc rẻ mạt là những lý do để người dân chán ruộng rồi bỏ ruộng hoang.
Theo một thống kê chưa đầy đủ toàn huyện hiện có 60,5 ha ruộng hoang nằm rải rác trên địa bàn 14 xã như Văn Tố, Minh Đức, Phượng Kỳ, Tây Kỳ, Quang Phục…
Ao nổi lưng chừng làng là sáng kiến của người nông dân khi chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi cá.
Dù có được hỗ trợ lúa giống, dù các tổ chức đoàn thể ngày đêm ra rả vận động không bỏ ruộng nhưng vẫn không thể làm chậm lại diện tích đất hoang. Ở những nơi bỏ ruộng thường điều kiện đi lại khó khăn, đất trũng sâu nên dù có mời gọi công nghiệp về cũng không nhà đầu tư nào dám mạo hiểm.
Câu chuyện về trí sáng tạo của nông dân với cái ao nổi khởi đầu từ hai xã Hưng Đạo và Tân Kỳ năm 2013. Cách làm như sau: Nông dân giữ nguyên hiện trạng mặt ruộng hoặc chỉ xúc đi một chút ít đất xung quanh để đắp bờ rồi dẫn nước vào.
Ao nổi có khá nhiều lợi thế so với ao chìm. Nếu một sào ruộng đào ao chìm phải mất 30 – 35 triệu tiền công thì ao nổi chỉ mất 10 triệu. Vì nó “nổi” bên trên cánh đồng, không bị cây cối, công trình xây dựng che khuất bóng nên đón nhiều ánh sáng, đón nhiều gió hạn chế dịch bệnh gây hại, kích thích các sinh vật có lợi phát triển.
Ao nổi lưng chừng làng là sáng kiến của người nông dân khi chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi cá
Ao nổi không cần đào bới ở tầng canh tác nên không chạm đến lớp phèn chua bên dưới, có thể thả cá được ngay mà không mất 2 – 3 năm cải tạo như ao chìm (kể cả khi đã cải tạo tốt rồi nhưng khi quật đất chua phèn lên đắp bờ, gặp trời mưa to nước bẩn vẫn chảy xuống ao gây ô nhiễm, rất hại cá – PV). Bởi thế mà mật độ nuôi cá trong ao nổi cao hơn, tốc độ cá lớn nhanh hơn hẳn ao chìm.
Có một điều lưu ý là ao nổi nên sóng lớn dễ công phá bờ, cần phải gia cố thêm bằng bạt hoặc tráng xi măng xung quanh chống thất thoát nước. Nước chảy chỗ trũng chứ không chảy chỗ cao nên ao nổi cần bố trí gần nguồn nước để tiện cho việc lấy nước vào ra.
Ở Tứ Kỳ những diện tích nằm trong quy hoạch phê duyệt chuyển đổi thủy sản tập trung có thể chuyển sang dạng ao nổi hoàn toàn còn những diện tích nằm trong quy hoạch lúa thì làm theo mô hình cá lúa hoặc cá với một loại cây trồng hàng năm khác. Linh hoạt là thế nên hiện diện tích ao nổi của huyện đã phát triển lên đến hàng trăm ha.
Nguyễn Hữu Doan ở xã Tân Kỳ trước chỉ là một anh hàng xáo có nuôi thêm vài chục con lợn. Nhìn thấy ruộng bị bỏ hoang rộng bao la mà phát thèm nên cuối năm 2012 anh gom tiền tích tụ 9 ha đất ở khu đồng Triều Bùi trong đó 1/3 là mua còn 2/3 là thuê dài hạn với mức trả sản 90 kg thóc/sào/năm.
Câu chuyện ao nổi đến với anh hoàn toàn là một sự ngẫu nhiên. Khi nắm trong tay một diện tích quá lớn, anh Doan bố trí thành những cái ao rộng khoảng 1 ha ở đó chỉ lấy đất đắp đủ bờ rồi dâng nước lên nuôi cá chứ không tính được trước tác dụng tuyệt vời của ao nổi.
Tháo nước ra là nó khô tiện cho việc phơi đáy diệt trừ sạch mầm bệnh. Vì bờ thấp, đón nhiều gió nên chi phí quạt sục khí ở ao nổi thấp hơn ao chìm.
Anh Doan khuyên: “Nhiều nông dân khi đào ao phải đào thật sâu bởi quan niệm ao sâu cá lớn, bởi tham tí tiền bán đất thừa đi. Cách làm như vậy lợi bất cập hại vì ao nổi bờ chỉ cần cao khoảng 3 mét thì ao chìm bờ cao 5 mét rất tốn tiền láng bê tông hơn thế bờ cao đi xuống khó khăn cho ăn, kiểm tra hay thu hoạch.
Nhà tôi có cả ao nổi lẫn ao chìm nên thấy để tăng trọng 1 kg cá trong ao nổi chỉ mất 1,4 kg cám còn trong ao chìm phải mất 1,5 kg. Bởi có nhiều lợi thế nên hiện nay ngay cả những ao cá thả cá giống có kích thước chỉ 1.000 m2 tôi cũng thiết kế thành dạng nổi hết”.
Nước dẫn vào hệ thống ao nhà anh Doan bắt nguồn từ sông Đáy He nên khá sạch, giúp cá nhanh lớn, ít bệnh. Chỉ riêng trong năm 2014 anh thu được 86 tấn cá thịt, xuất bán được 200.000 cá giống, thực lãi trên 1 tỉ đồng.
Gần đó có hệ thống ao nổi của anh Nguyễn Hữu Tùng nhưng quy mô nhỏ hơn, chỉ khoảng 3 ha. Anh Tùng bổ sung thêm một tiện ích của ao nổi là sóng nhiều, thoát khí tốt nên lượng mùn bã phân hủy nhanh, lượng lắng đáy rất ít. Nhờ hệ thống ao nổi mà năm ngoái anh thu hoạch 40 tấn cá, thực lãi trên 300 triệu.
Xã Tân Kỳ có 125 ha thủy sản thì đa số là ao nổi, tất cả đều nằm trong quy hoạch vùng chăn nuôi thủy sản. Khác với Tân Kỳ, xã Văn Tố không được quy hoạch làm vùng chăn nuôi thủy sản.
Trước tình trạng dân bỏ ruộng hàng loạt, hai người đàn ông là Nguyễn Hữu Phương – Chủ nhiệm HTX Văn Tố và Phạm Đức Trung – Chủ nhiệm HTX Phượng Kỳ đã hợp sức với nhau tích tụ được 12 mẫu đất để hình thành nên những cái ao nổi kết hợp với cấy lúa hoặc trồng cây hàng năm. Tất cả đều không bị đào khoét mà chỉ đắp bờ, trên trồng chuối, dưới thả rô phi, chép, trắm, giữa cấy lúa hoặc trồng cỏ phao – một loại cỏ nước lên đến đâu thân ngoi lên như phao đến đấy.
Thảm thực vật ở giữa ao vừa tạo bóng mát vừa là môi trường thuận lợi cho cá tận dụng các thức ăn phù du, sâu bọ trên cây rơi xuống. Tất cả mới đang ở vụ sản xuất đầu tiên nhưng cách làm của hai ông Chủ nhiệm tràn đầy hứa hẹn cho một hướng giải quyết đất hoang rất bền vững.
>> Nếu làm ao nhỏ, vét đất lên đắp bờ kiểu gì cũng hình thành nên kiểu ao chìm. Phải diện tích hàng mẫu, hàng héc ta mới tiện cho việc thiết kế nên ao nổi. |