Những điểm sáng nuôi cá nước lạnh tại Lào Cai

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Lào Cai cùng với Lâm Đồng là một trong hai địa phương nuôi cá nước lạnh nhiều nhất cả nước. Hiện người nuôi cá nước lạnh tại địa phương đang tích cực tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết, cùng với đó minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhằm tạo đầu ra vững chắc trên thị trường.

Phát huy lợi thế

Hiện Lào Cai có trên 500 cơ sở nuôi cá nước lạnh với thể tích đạt 100.000 m3. Nghề cá nước lạnh đã thực sự giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu tại địa phương.

Theo các nhà nghiên cứu, dựa vào lượng thức ăn tiêu thụ qua thử nghiệm thả nuôi đan xen giữa các vùng khí hậu, tỉnh Lào Cai có thể phát triển ngành cá nước lạnh gấp nhiều lần hiện nay mà không lo về thị trường tiêu thụ. Vào mùa hè, nông dân có thể nuôi cá thịt và con giống lớn tại các khu vực có độ cao trên 800 m; đến mùa đông cá được đưa về nuôi tại các khu vực có độ cao thấp hơn từ 300 – 800 m. Ngoài ra, những hộ trồng lúa 1 vụ có nguồn nước sạch đầu nguồn hoàn toàn có thể trải bạt trên ruộng lúa đã thu hoạch để nuôi cá hồi cỡ giống to 500 g/con. Sau 5 tháng thả nuôi mùa đông có thể xuất cá từ 1,2 – 1,5 kg/con, mang lại thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa mà không ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Tiềm năng phát triển nuôi cá nước lạnh tại Lào Cai đang dần được “đánh thức”. Ảnh: Hồng Long

Hướng phát triển kinh tế mới

Sau 4 năm gắn bó với mô hình cá nước lạnh, quyết tâm của chàng thanh niên “9x” Lý Láo Tả, ở thôn Dền Sáng, xã Dền Sáng, huyện Bát Xát đã đến ngày hái quả ngọt, từ 4 bể nuôi ban đầu đã mở rộng lên 26 bể. Trang trại duy trì từ 30.000 – 40.000 con cá theo hình thức nuôi gối. Năm vừa qua, anh Tả xuất bán 50 tấn cá nước lạnh, doanh thu hơn 8,5 tỷ đồng. Bạn hàng của anh ở hầu hết các tỉnh khu vực miền Bắc, đặc biệt đã cung cấp hàng ổn định cho thương lái 2 chợ đầu mối lớn ở Hà Nội là Long Biên và Yên Sở. 

Với địa thế nằm dưới chân núi Voi, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên thuận lợi tiếp cận nguồn nước trong trẻo, mát lành từ trên núi chảy xuống. Khoảng năm 2016, trong xã đã có một hộ làm gần chục bể nuôi cá tầm. Bà Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh cho biết, từ 2023 đến nay, trên địa bàn xã đã có 31 hộ nuôi tại 3 thôn với 89 bể (thể tích trung bình khoảng 50 -70 m³/bể nuôi). Tổng thể tích khoảng 6.200 m³, chủ yếu nuôi giống cá tầm nhập từ các trại giống ở Sa Pa, Lai Châu. Cá được tiêu thụ cả trong và ngoài tỉnh với giá bán trung bình 180.000 – 200.000 đồng/kg. Nhiều hộ gia đình nhanh chóng xây nhà đẹp, mua sắm trang thiết bị đắt tiền…, đời sống không ngừng được nâng cao.

Là một trong những người đầu tiên mạnh dạn đầu tư xây dựng bể, hệ thống dẫn nước để nuôi cá tầm, ông Hoàng Văn Xô (thôn Trĩ Trong, xã Phúc Khánh) chia sẻ, ban đầu gia đình ông nuôi thử nghiệm 1 bể với khoảng 100 con. Sau một năm thuận lợi, ông làm thêm 3 bể, thành công cung cấp hơn 5 tấn cá ra thị trường mỗi năm, thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Cùng thôn Trĩ Trong, gia đình ông Lý Văn Bền cũng nuôi cá tầm được 4 năm nay. Ban đầu gia đình ông làm thử 2 bể. Xây bể cùng với hệ thống đường ống dẫn nước từ nguồn trên núi gần nhà, ông Bền đầu tư hết 50 triệu đồng để nuôi 1.000 cá giống. Nuôi từ khi cá chỉ dài trên 10 cm/con cho đến khi cân nặng 1,8 – 3,5 kg/con là khoảng 16 tháng. Với giá bán trung bình 200.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng (gấp nhiều lần cấy lúa). Đến nay, ông Bền đã xây dựng được 5 bể nuôi cá, số lượng khoảng 3.000 con.

Được coi là tỷ phú nuôi cá nước lạnh ở thị xã Sa Pa, ông Chảo Duần Mình, dân tộc Dao, thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn, hiện sở hữu hơn 10 bể cá, chủ yếu nuôi cá hồi, cá tầm, với quy mô hơn 15.000 con. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, gia đình ông Mình đã xuất bán ra thị trường 7 tấn cá tầm, cá hồi, với mức giá dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/kg, thu về hơn 1 tỷ đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Mình cho biết, để có cá cung cấp ra thị trường quanh năm, ông nuôi theo hình thức gối vụ. Bên cạnh đó, để cá sinh trưởng và phát triển tốt gia đình ông còn thường xuyên thăm bể, theo dõi thời gian sinh trưởng của cá để kịp thời phát hiện các loại bệnh trên cá hồi, cá tầm, có biện pháp điều trị. Đặc biệt là, ông Mình còn thuê 2 người kỹ thuật, kinh nghiệm, chuyên môn trong việc nuôi cá ở các tỉnh miền xuôi lên để trực tiếp chăm sóc, nuôi cá tại các trại cá. Đồng thời, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương, với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài nuôi cá hồi, cá tầm thương phẩm để xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, ông Mình còn đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ hiện đại, như bể, bình ôxy…, với tổng số vốn khoảng 1 tỷ đồng vào nuôi ương cá tầm giống.

Hải Lý

Năm 2023, tổng sản lượng cá nước lạnh trên địa bàn Lào Cai đạt khoảng 1.000 tấn, tăng gần 400 tấn so với năm 2019, tập trung chủ yếu tại thị xã Sa Pa và các huyện Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Yên... Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030, thể tích nuôi cá nước lạnh đạt 110.000 m3, sản lượng cá nước lạnh đạt 1.600 tấn. 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!