Để sản xuất nông, ngư nghiệp hiệu quả, bền vững, năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp Trung tâm các tỉnh, địa phương triển khai nhiều dự án đạt kết quả cao.
Phát triển nghề khai thác hải sản xa bờ
Dự án được thực hiện trong 3 năm (2011 – 2013) với tổng kinh phí 3.072 triệu đồng. Năm 2011, Dự án đã được triển khai tại một số tỉnh, thành phố ven biển: Thái Bình, Bình Định, Cà Mau, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Quảng Bình…; mỗi tỉnh 2 – 3 tàu, sử dụng các thiết bị như lưới rê 3 lớp cải tiến, lồng bẫy ghẹ, lưới rê cá dưa, lưới rê hỗn hợp trên tàu cá của ngư dân. Dự án có hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, giúp người dân sản xuất có hiệu quả, bám biển dài ngày, gắn sản xuất với bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc; Lợi nhuận gấp 2 lần khi chưa lắp máy dò ngang Sonar, thời gian chuyến biển được rút ngắn khoảng 5 ngày (tiết kiệm 10% tiền dầu), thu nhập của ngư dân tăng lên 1,6 lần. Các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên trong 3 năm 2011 – 2013 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) chỉ xây dựng mỗi tỉnh 3 mô hình nhưng sau 3 năm số hộ tự trang bị máy dò ngang đã tăng lên 10 lần.
Nuôi tôm sú theo quy trình GAP
Trung tâm KNQG đã phối hợp với nhiều địa phương, xây dựng các mô hình nuôi tôm sú theo quy trình GAP. So với nuôi tôm thông thường thì nuôi tôm theo GAP khắt khe hơn và đầu tư kinh phí cao hơn gấp đôi. Tuy nhiên, bù lại, tôm nuôi rất an toàn và phát triển tốt, giảm dịch bệnh và tạo sản phẩm an toàn. Như tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, mô hình nuôi tôm sú theo quy trình GAP được triển khai ở xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) và Phú Xuân (huyện Phú Vang) với diện tích 2 ha, cho hiệu quả cao.
Xây dựng mô hình nuôi cá lồng hồ chứa
Dự án được triển khai từ năm 2013 đến 2015 tại các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lào Cai.
Năm 2013, Trung tâm KNQG đã xây dựng 2 mô hình nuôi cá tầm tại tỉnh Lào Cai và Vĩnh Phúc; 2 mô hình nuôi cá điêu hồng tại tỉnh Vĩnh Phúc và Sơn La; 3 mô hình nuôi cá lăng tại tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang và Hòa Bình. Mô hình đã tận dụng được diện tích mặt nước hồ chứa; Tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích; Đa dạng cơ cấu thành phần giống loài thủy sản của địa phương; Giúp nông dân tiếp cận các hình thức nuôi mới và khoa học công nghệ tiên tiến; Tạo việc làm cho nông, ngư dân; Tăng hiệu quả kinh tế, hạn chế các hình thức khai thác thủy sản mang tính hủy diệt…
Phát triển mô hình nuôi cá – lúa
Dự án được Bộ NN&PTNT phê duyệt năm 2012. Theo đó, Trung tâm KNQG đã mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá – lúa tại nhiều tỉnh (Hà Nam, Bắc Giang, Ninh Bình…). Theo tính toán, với 1 ha, tổng số tiền mua vật tư, con giống khoảng 6,2 triệu đồng. Sau 9 tháng, hoàn thành dự án, người nuôi trồng có thể thu về 53 triệu đồng, lợi nhuận cao hơn nhiều so với canh tác lúa, hoa màu. Riêng tại Hà Nội, mô hình cá – lúa đã được thực hiện trên quy mô 60 ha với 30 hộ tham gia tại 3 huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên. Các hộ tham gia được cung cấp 100% giống (cá chép, rô phi), hỗ trợ 20% vật tư (thức ăn công nghiệp, thuốc, chế phẩm sinh học). Kết quả qua 9 tháng, năng suất cá đạt hơn 4 tấn/ha; trong đó cá chép 600 kg, rô phi 2.900 kg, mè 468 kg, trắm cỏ 240 kg; năng suất lúa đạt 5 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế trên 70 triệu đồng/ha.
>> Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Năm 2013, công tác khuyến ngư gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề kinh phí, dịch bệnh, thị trường… Tuy nhiên, 24 dự án khuyến ngư do Trung tâm triển khai đều đạt và vượt mục tiêu của dự án đề ra. |