Đối với những tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ, máy thủy chính là “trái tim” của con tàu, nó quyết định “sức khỏe” và năng lực đánh bắt của con tàu. Do vậy, máy tàu cá luôn được các ngư dân chủ tàu quan tâm chăm sóc.
Anh Trần Quang Hiền (ngoài cùng bên trái) đang hướng dẫn các thợ máy sửa chữa máy tàu cá cho khách
Người trước truyền nghề người sau
Bình Định là địa phương dẫn đầu cả nước về lực lượng tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ với gần 3.000 chiếc tàu có công suất từ 90CV đến 1.000CV. Có thể nói, hiện nay những chiếc tàu cá của ngư dân Bình Định làm việc không hề ngơi nghỉ, cập bờ chuyến biển này bán sản phẩm xong là lấy chi phí mở ngay chuyến biển khác. Máy tàu hoạt động liên tục. Do vậy, nếu tàu nào mà máy “mắc bệnh” thì chắc hẳn làm ăn thất bát. Thậm chí, nếu đang đánh bắt trên biển Đông mà tàu bị hỏng máy, thả trôi tự do giữa biển thì sinh mạng của các thuyền viên trên tàu còn bị đe dọa.
Do đó, sau mỗi chuyến biển, khi tàu cập cảng bán sản phẩm là các chủ tàu phải trông cậy vào đội ngũ thợ máy tàu cá trên bờ chăm sóc cho “trái tim” của con tàu. Có cầu ắt có cung, vậy là các địa phương miền biển ở Bình Định nhanh chóng hình thành đội ngũ thợ máy chuyên sửa chữa máy thủy cho các tàu cá.
Xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) có lẽ là nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở sửa chữa máy tàu, bởi lượng tàu cá cập cảng Tam Quan sau mỗi con trăng khá nhiều. Mỗi xưởng sửa chữa ở đây có từ 3 đến 10 thợ. Suốt ngày họ cặm cụi làm việc bên những cỗ máy cồng kềnh, nặng nề, ám mùi dầu nhớt, với đủ loại linh kiện máy móc.
Ở đây, cơ sở của anh Trần Quang Hiền (45 tuổi) được xem là cơ sở máy thủy nức tiếng cả huyện. Khi đến tham quan xưởng của anh Hiền, chúng tôi thấy 5 người thợ đang tất bật bảo dưỡng 5 máy tàu cá công suất từ 500 – 800 CV, còn 5 thợ khác thì đang làm việc tại các tàu cá neo ở cảng.
“Tôi gắn bó với nghề này đã gần 30 năm. Con nhà nghèo nên mới học hết lớp 9 tôi đã phải rời ghế nhà trường.
Nhà ở vùng quê biển, nắm bắt được nhu cầu sửa chữa máy của các tàu cá, ba mẹ cho tôi đi học nghề sửa máy tàu ở xã Hoài Hương.
Cái nghề này coi vậy chứ muốn học cho thành nghề phải mất đến 5 năm, thời gian bằng người ta học đại học, thậm chí có người còn học lâu hơn”, Hiền tâm sự.
Ra nghề, không thể cạnh tranh với những người thợ có thâm niên tại quê, Hiền khăn gói ra tận Quảng Ninh, Quảng Bình, vào đến Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang để hành nghề. Sau nhiều năm tha hương tôi luyện, tích lũy kinh nghiệm, tay nghề của Hiền ngày càng “cứng”, được nhiều chủ tàu cá trên khắp cả nước biết đến. Khi đã dành dụm được một số vốn kha khá, cách đây hơn 5 năm, Hiền khăn gói về quê thành lập Cty TNHH Máy thủy Hà Thành.
“Tôi mua đất xây dựng nhà xưởng, đầu tư mua thêm xe cẩu và một ô tô bán tải để phục vụ nhu cầu sửa chữa di động máy tàu cá từ công suất nhỏ đến máy có công suất trên 1.000 CV”, anh Hiền chia sẻ.
Thợ máy của cơ sở Vĩnh Lợi xuống tận tàu có để sửa chữa máy cho chủ tàu
Cơ sở sửa chữa máy tàu của anh Trịnh Văn Long (51 tuổi) ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cũng đã hoạt động gần 30 năm nay. Anh Long bộc bạch: “Hầu hết thợ máy tàu cá đều không có bằng cấp, chỉ là người trước dạy nghề cho người sau. Làm nghề này điều cần nhất là chất lượng, uy tín. Cơ sở nào có được 2 điều ấy thì khách hành kêu làm không xuể”.
Hành nghề giữa trùng khơi
Đặc thù trong hoạt động của tàu cá là nay đây mai đó, có chuyến biển thì cập về cảng Tam Quan (Bình Định), có chuyến cập ở Cam Ranh (Khánh Hòa) hoặc Bà Rịa – Vũng Tàu để bán sản phẩm.
Trong khi đó, thợ máy tàu cá được xem như “bác sĩ riêng” của mỗi con tàu. Mỗi khi máy tàu bị hỏng hóc, cần phải có “bác sĩ” riêng đã từng thông thuộc những chứng bệnh của máy thì sửa chữa mới nhanh và hiệu quả được. Do đó, ngoài lực lượng thợ cố định tại chỗ, xưởng sửa chữa máy tàu cá nào ở Bình Định cũng có riêng đội thợ chuyên đảm nhiệm việc sửa chữa di động, thậm chí nhiều trường hợp phải ra tận ngoài khơi sửa chữa cho những con tàu bị hỏng máy khi đang hoạt động trên biển.
Theo anh Trần Quang Hiền, Giám đốc Cty TNHH Máy thủy Hà Thành (huyện Hoài Nhơn), những chiếc tàu cá do cơ sở của anh lắp đặt máy, bảo hành, mỗi khi máy tàu gặp sự cố, nếu tàu cập bờ ở tận trong Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang hay ở ngoài Quảng Ninh cơ sở của anh cũng phải điều ngay kíp thợ đi sửa để tàu vươn khơi kịp chuyến biển.
Nhiều khi, tàu cá của bạn hàng đang đánh bắt ở các ngư trường Hoàng Sa hoặc Trường Sa bị hỏng hóc, ngư dân gọi điện vào bờ cầu cứu, anh Hiền phải “chữa bệnh” từ xa bằng cách hướng dẫn tỉ mỉ để họ khắc phục sự cố. Nếu tàu bị hỏng một phụ tùng nào đó, anh Hiền phải tìm cách gửi theo tàu cá món phụ tùng ấy ra biển cho họ thay thế.
Thợ máy Nguyễn Văn Quy (35 tuổi) ở xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ, Bình Định) còn có cách hành nghề năng động hơn. Quy vốn là ngư dân, đi bạn cho các tàu cá ở địa phương. Thời ấy, mỗi khi tàu cá của anh Quy đi bạn bị hỏng máy phải chờ đợi thợ từ Quảng Ngãi vào hoặc từ Quy Nhơn ra sửa chữa. Bất tiện lắm! Nhận thấy nhu cầu sửa chữa máy tàu của tàu cá ở địa phương là rất lớn, năm 1999, Quy bỏ biển lên bờ, vào Quy Nhơn học nghề sửa chữa máy thủy sau đó ra hành nghề lưu động. Có những chuyến Quy phải ra tận ngoài khơi để sửa những chiếc tàu bị hỏng máy trên biển.
Thợ máy Nguyễn Văn Quy đang bảo dưỡng máy tàu có công suất 700CV để giao cho chủ tàu cá ở Phú Yên
“Năm 2004, tôi theo tàu thu mua hải sản ra tận đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) để sửa chữa máy cho một tàu cá của ngư dân Bình Định, làm gần 10 ngày mới vào bờ. Năm sau, tôi lại ra tận đảo Thổ Chu (Kiên Giang) sửa máy cho tàu cá của ngư dân địa phương, hành nghề trên sóng biển gần 2 tháng mới xong việc”, anh Quy kể.
Tiếng lành đồn xa, bây giờ không chỉ có tàu cá, mà đến tàu hàng hải cập cảng Quy Nhơn bị hỏng máy cũng tìm đến Quy. “Có lần, tôi được gọi xuống cảng Quy Nhơn sửa máy cho một tàu hàng. Máy trưởng hỏi tôi có bằng cấp gì không, tôi cười, lắc đầu, rồi bảo tôi sửa được mới lấy tiền”. Máy trưởng tàu hàng đồng ý cho Quy sửa máy trong tâm thế không phục.
“Máy tàu thủy lớn tiền, lại giao cho thợ không có bằng cấp như tôi thì họ ngại cũng phải thôi! Sau đó, máy trưởng nói triệu chứng, tôi “bắt bệnh” và chữa xong luôn. Sau khi sửa được máy chiếc tàu hàng ấy, uy tín tay nghề của tôi tăng lên, bây giờ tôi có nhiều bạn hàng là máy trưởng các tàu hàng hải lắm, mỗi khi máy tàu của họ gặp sự cố là họ alô cho tôi ngay”, Quy vui vẻ kể.
Máy tàu cá sau khi được các thợ máy bảo dưỡng được đưa lên tàu cá lắp đặt cho khách