Ninh Bình: Đến năm 2030, phấn đấu sản lượng nuôi biển đạt 30.000 tấn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhằm tận dụng tiềm năng, lợi thế của tỉnh ven biển, mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát huy thế mạnh

Khu vực bãi ngang ven biển thuộc huyện Kim Sơn (Ninh Bình) có dải bãi bồi rộng lớn rất thuận lợi cho nuôi trồng hải sản. Tuy nhiên, ngành kinh tế biển ở Kim Sơn mới chỉ có hình thức nuôi tôm sú quảng canh; nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp, bán công nghiệp, nuôi cua xanh, sản xuất hàu giống ở các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải. 

Năm 2007, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng ven biển của Ninh Bình mới đạt 2.450 tấn (tôm sú 1.050 tấn, cua biển 1.000 tấn, tôm rảo 280 tấn và ngao 120 tấn). Đến năm 2011, với diện tích 1.937 ha nuôi trồng tại các bãi ngang, 800 ha tại cồn nổi, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh đã đạt tới 10.094 tấn, riêng ngao đạt khoảng 8.000 tấn. 

Năm 2015, tỉnh Ninh Bình đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển Kim Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp chế biến nông – thủy hải sản; mở rộng khu chuyên canh nuôi trồng thủy, hải sản, đến năm 2030 đạt 4.100 ha.

Mô hình sản xuất hàu giống tại tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Dân Việt

Nhờ tận dụng tốt lợi thế, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển khá nhanh. Riêng đối với vùng nuôi thủy sản nước mặn lợ vùng ven biển đã phát triển các đối tượng nuôi có lợi thế như tôm thẻ, tôm sú, ngao, cua xanh, đặc biệt có 38,5 ha tôm siêu thâm canh 3 vụ/năm trong nhà lưới, doanh thu đạt từ 8 – 10 tỷ đồng/ha. Đã sản xuất được các con giống, đặc biệt sản xuất giống ngao, hàu cửa sông do lợi thế về địa hình với số lượng gần 300 trại nuôi. Trung bình hàng năm cung cấp 70 tỷ con ngao giống và 12 tỷ con hàu giống ra thị trường…

Xác định cụ thể

Nhằm phát huy tối đa tiềm năng của biển mang lại, mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Mục tiêu của Đề án là phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy nghề nuôi trồng  thủy sản trên biển theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng yêu cầu của thị trường; thúc đẩy kinh tế biển phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh phấn đấu diện tích nuôi biển đạt 1.750 ha, sản lượng đạt 29.700 tấn. Trong đó, diện tích nuôi nhuyễn thể 1.365 ha với sản lượng đạt 28.600 tấn. Cùng đó, sản xuất cua xanh giống đạt 4,5 triệu con, ngao giống 90 tỷ con, hàu giống 15 tỷ con.

Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 1.820 ha, sản lượng đạt 31.400 tấn. Trong đó, diện tích nuôi nhuyễn thể 1.415 ha với sản lượng đạt 30.000 tấn. Về sản xuất giống, đến năm 2030, sản lượng cua xanh giống đạt 5 triệu con, ngao giống 100 tỷ con, hàu giống 20 tỷ con.

Tầm nhìn đến năm 2045, nuôi trồng thủy sản trên biển đạt ở trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại, trở thành một bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh dinh dưỡng, thực phẩm; đảm bảo an sinh xã hội.

Giải pháp trọng tâm

Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, Đề án đã tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm, đó là phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ nuôi biển; phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất giống phục vụ nuôi biển; phát triển chế biến và thương mại sản phẩm nuôi biển; phát triển nuôi biển… Trong đó, ưu tiên phát triển các đối tượng có thị trường tiêu thụ và lợi thế của vùng, trong đó đối tượng nuôi chủ lực là ngao và sò huyết, theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường. Đồng thời, nghiên cứu, thử nghiệm phát triển nuôi biển xa bờ (nhuyễn thể, cá biển) bằng hệ thống lồng hiện đại…

Cũng theo Đề án này, giải pháp được triển khai thực hiện là xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Cùng đó, xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản nuôi biển, trong đó doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất.

Cùng đó, tổ chức lại các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng, trong đó chú trọng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tăng cường, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý vùng nuôi, xây dựng cơ sở dữ liệu cho các vùng nuôi để thuận tiện cho việc quản lý, giám sát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Quan trọng nữa là tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa, tìm kiếm phát triển thị trường xuất khẩu để thúc đẩy thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển. Đồng thời, xây dựng thương hiệu sản phẩm đối với ngao và giống nhuyễn thể. Tăng cường công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu thủy sản nuôi biển; Hỗ trợ xây dựng chuỗi sản phẩm trong nuôi trồng thủy sản trên biển từ khâu nuôi, thu hoạch, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…

>> Đề án nuôi trồng thủy sản trên biển của tỉnh Ninh Bình cũng định hướng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh gắn với việc truy xuất nguồn gốc, điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP. Hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường và trách nhiệm xã hội.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!