Ninh Bình: Hiệu quả mô hình nuôi bán thâm canh cá chép trong ao

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá chép là đối tượng có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ… nên được nuôi khá phổ biến trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Tuy nhiên, qua theo dõi nuôi cá chép trên địa bàn tỉnh, người nuôi chủ yếu thả tận dụng, cơ cấu mật độ thả thấp, chỉ chiếm khoảng 10 – 20% so với tổng đàn cá thả, dẫn đến sản lượng thu hoạch cá chép không cao, lợi nhuận của người nuôi còn thấp. Chưa có nhiều mô hình nuôi bán thâm canh và thâm canh cá chép để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích.

Xuất phát từ thực tế đó, năm 2014 Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt tỉnh Ninh Bình đã tiến hành khảo sát và chọn được 4 hộ tại xã Ninh Giang (huyện Hoa Lư) tham gia mô hình nuôi bán thâm canh cá chép trong ao với tổng diện tích là 2 ha. Trung tâm đã tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá chép bán thâm canh trong ao cho các hộ tham gia mô hình và các hộ nuôi thủy sản địa phương với 62 lượt người tham dự; hỗ trợ con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh cho các hộ tham gia mô hình (số lượng 12.000 con cá chép giống; thức ăn công nghiệp 7,2 tấn; 3 kg Vitamin C); hướng dẫn các hộ cải tạo vệ sinh ao nuôi đảm bảo trước khi thả giống. Cuối tháng 4-2014 tiến hành thả giống với mật độ 1 con/m2 (cỡ giống 50 – 100 g/con). Thực hiện nuôi thả ghép với tỷ lệ: 60% cá chép, 29% cá trắm cỏ, 6% cá trôi, 5% cá mè với số lượng 12.000 con cá chép, 5.800 con cá trắm cỏ, 1.200 con cá trôi, 1.000 con cá mè.

Gia đình ông Đinh Văn Quang ở xã Ninh Giang (Hoa Lư) là một trong 4 hộ tham gia mô hình. Ảnh: CTV 

Gia đình ông Đinh Văn Quang ở xã Ninh Giang (Hoa Lư) là một trong 4 hộ tham gia mô hình – Ảnh: CTV

Ông Đoàn Văn Thực, 1 trong 4 hộ tham gia mô hình cho biết: Được sự giúp đỡ của Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Ninh Bình, trong diện tích 0,6 ha ao của gia đình đã thả gần 6.000 con cá chép với cá mè, trắm cỏ, trôi. Sau gần 8 tháng nuôi thả theo hình thức bán thâm canh; chỉ tính riêng ở giống cá chép bình quân đạt trên 1 kg/con và cho thu gần 5 tấn, doanh thu gần 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 50 triệu đồng. Quá trình nuôi thả cần tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật và sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của Trung tâm

Đồng chí Nguyễn Quang Đạt, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt tỉnh Ninh Bình cho biết: Sau gần 8 tháng nuôi, các yếu tố môi trường ao nuôi được duy trì ổn định, không có dịch bệnh xảy ra cho đàn cá nuôi. Đàn cá phát triển đạt bình quân: cá chép 0,8 – 1,2 kg/con; cá trắm cỏ 1,6 – 1,8 kg/con; cá trôi 0,6 – 0,8 kg/con; cá mè 0,6 – 0,8 kg/con. Tỷ lệ sống 74 – 75% với năng suất ước đạt từ 8.024 kg/ha. Về hiệu quả kinh tế của mô hình: Theo đánh giá sơ bộ, sản lượng đạt 16,048 tấn; doanh thu ước đạt 775,7 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư 558,7 triệu đồng, lãi 196,9 triệu đồng (98,45 triệu đồng/ha). Từ kết quả này cho thấy, cá chép là loài dễ nuôi, ít dịch bệnh, khi nuôi ghép với các đối tượng nuôi khác tận dụng được tầng nước, tận dụng được thức ăn giữa các loài và cho hiệu quả kinh tế cao. Hình thức nuôi này có triển vọng nhân rộng ở nhiều loại hình mặt nước. Mô hình là điểm tham quan, học hỏi của nhân dân trong việc chuyển đổi cơ cấu con nuôi thủy sản cũng như thay đổi tư duy, cách làm của nông hộ trong phát triển nghề nuôi thủy sản, tăng thu nhập, góp phần vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để mở rộng quy mô sản xuất, đề nghị các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các nông hộ có nhu cầu áp dụng thực hiện mô hình trên. Các huyện, thị xã, các xã quan tâm công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nuôi thủy sản và phối hợp với Trung tâm trong việc tuyên truyền, nhân rộng mô hình nuôi, có chính sách khuyến khích hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hộ nông dân đầu tư nuôi bán thâm canh hoặc thâm canh cá chép.

Cũng theo đồng chí Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt, nhu cầu về giống cá chép trong toàn tỉnh hàng năm khoảng 12 – 15 triệu con giống. Tuy nhiên, do nguồn giống sản xuất tại chỗ chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người nuôi trong tỉnh, phần lớn là giống cá chép trôi nổi, nguồn gốc không rõ ràng, vì vậy cỡ cá thương phẩm thường nhỏ, giá bán thấp, hiệu quả kinh tế không cao, ảnh hưởng đến tâm lý của nuôi. Để khắc phục tình trạng này, Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt mong muốn UBND tỉnh, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, Sở tài chính, Sở NN&PTNT tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí trong năm 2015 để đơn vị triển khai thực hiện ương nuôi cá bột lên cá giống phục vụ nhân dân.

Đinh Chúc

Báo Ninh Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!