(TSVN) – Khai thác và phát triển kinh tế biển là một trong 6 trụ cột tại quy hoạch tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, đưa Ninh Thuận trở thành một trong những địa phương mạnh về biển, cơ bản đạt tiêu chí về phát triển bền vững.
Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản Ninh Thuận cho biết, các tàu đánh bắt hải sản của Ninh Thuận chủ yếu làm nghề xúc vó, câu, chộp với các loại hải sản chính như mực, cá mù, cá bè, cá bớp… Do vậy, để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả khai thác trong bối cảnh giá xăng tăng cao thì phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài. Theo đó việc đầu tiên là phải nâng cao chất lượng hải sản, tránh bị hao hụt khi tàu vào bờ bán cá. Hiện nay, việc bảo quản cá bằng công nghệ làm lạnh nước biển hiệu quả rất cao, tuy nhiên, nếu đầu tư công nghệ này ngư dân phải bỏ ra vài trăm triệu đồng, đây là số rất lớn đối với ngư dân.
Để hóa giải thách thức này, những năm qua ngư dân Ninh Thuận đã làm hầm bảo quản cá bằng vỏ composite (cách nhiệt tốt) thay cho vỏ gỗ ướp lạnh cá. Mặc dù, bảo quản cá bằng vỏ composite không bằng công nghệ làm lạnh nước biển nhưng hiệu quả hơn nhiều so với vỏ gỗ. Thống kê cho thấy, hiện lượng hao hụt sau đánh bắt của địa phương đã giảm xuống còn 10% (trước đây bảo quản cá bằng vỏ gỗ tỷ lệ hao hụt 30%). Ngoài nâng cao chất lượng bảo quản hải sản thì việc xây dựng đội tàu hậu cần nghề cá cũng vô cùng quan trọng, giúp ngư dân bám biển dài ngày.
Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có trên 40 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá; chuyên cung cấp nước ngọt, thực phẩm, nhiên liệu và thu mua hải sản trực tiếp trên biển giúp ngư dân không phải quay vào bờ bán cá và tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm mà có thể đánh bắt dài ngày trên biển đã giảm chi phí đáng kể cho ngư dân. Theo ông Tín, hiện nhiều tàu cá của địa phương đang khai thác vùng lộng ở các vùng biển phía Nam như Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang…; bởi những khu vực này biển êm hơn khu vực Nam Trung bộ và các tàu hậu cần đã tham gia tích cực vào việc thu mua cá và tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm mang lại hiệu quả rõ rệt.
Theo Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, sản lượng khai thác thủy sản 2 tháng đầu năm ước đạt 13.000 tấn, bằng 16% kế hoạch năm; Ảnh: Duy Nhân
Việc duy trì các tổ, đội đoàn kết đánh bắt trên biển cũng đem lại nhiều lợi ích, ngoài việc cứu hộ, cứu nạn khi không may có một tàu cá nào đó gặp hoạn nạn trên biển cũng như việc chia sẻ thông tin ngư trường khai thác. Thời gian qua, ngư dân Ninh Thuận đã thành lập được 170 tổ, đội đoàn kết với 1.018 tàu cá. Các thành viên trong tổ, đội đoàn kết thường là người thân, họ hàng, trước khi ra khơi, anh em trong tổ thông tin cho nhau về ngư trường khai thác, tình hình thời tiết và thường xuyên giữ liên lạc khi hoạt động trên biển, nhất là thông tin ngư trường có nhiều tôm, cá để cùng đánh bắt, nhờ đó khai thác đạt hiệu quả hơn. Ngư dân Trần Văn Minh, thuyền trưởng tàu cá NT 90959 TS (xã Cà Ná, huyện Thuận Nam) cho biết, trước điều kiện đánh bắt gặp nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, anh đã bàn với 5 chủ tàu trong Tổ đoàn kết khai thác hải sản để hỗ trợ nhau trên biển. Khi các tàu đánh bắt, có sản phẩm thì sẽ bố trí 1 tàu chở hải sản của 4 tàu khác về bờ xuất bán, sau đó sẽ hỗ trợ chi phí tiền dầu cho nhau để vừa cung cấp hải sản kịp thời tươi ngon, vừa tiết kiệm được nhiên liệu cho những tàu còn lại.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế biển, tỉnh Ninh Thuận cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền chống khai thác IUU. Đây là một trong những tiêu chí giúp cho nghề cá nói riêng và triển kinh tế biển tại Ninh Thuận phát triển bền vững.
Ngày 17/1/2022, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển kinh tế biển đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu phát triển kinh tế biển là động lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đảm bảo hài hòa giữa các hệ sinh thái biển theo khu vực.
Đến nay, Ninh Thuận đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 779 tàu cá có chiều dài 15 m trở lên; tuy nhiên, đây vẫn chỉ là một trong những giải pháp quản lý bề nổi nghề cá. Sở NN&PTNT tỉnh vẫn tiếp tục tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi từng trường hợp, xử lý theo đúng quy trình; thông báo đến lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương để làm việc với chủ tàu, lập biên bản, xác định rõ nguyên nhân, lý do khi xảy ra tình trạng mất kết nối, đứt liên lạc, đặc biệt là với nhóm tàu cá có chiều dài 24 m trở lên. Ngoài ra, để thực hiện sát các giải pháp chống khai thác IUU tại khu vực biển Ninh Thuận, tỉnh còn thực hiện các hoạt động truy xuất nguồn gốc cá ra vào cảng, các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng cá được bốc dỡ qua cảng. Từ năm 2018, tỉnh Ninh Thuận đã lập 2 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng Cà Ná và Ninh Chữ, để kiểm tra, kiểm soát tàu cá rời bến và cập bến. Ban quản lý các cảng trực tiếp giám sát bốc dỡ để thực hiện xác nhận nguồn gốc hải sản vào cảng.
Vân Anh