T2, 06/07/2020 11:37

Ninh Thuận: Vốn vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP: Đã sẵn sàng giải ngân cho ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Ninh Thuận, thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, từ tháng 5 sẽ giải ngân cho 13 dự án đóng tàu được phê duyệt đợt 1.

Tuy vẫn còn những khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ, nhưng các ngư dân tham gia dự án đều rất phấn khởi và đang trong tư thế chuẩn bị khởi công đóng tàu theo dự án được phê duyệt.

Ngư dân Ninh Hải chọn nghề lưới vây rút chì trang bị cho các tàu được vay vốn đóng mới – Ảnh: B.T

Nhìn vào các dự án (bao gồm 7 dự án ở huyện Ninh Hải và 6 dự án ở TP. Phan Rang – Tháp Chàm), có thể nói đây là bước ngoặt trong nghề cá tỉnh. Dù làm dịch vụ hậu cần nghề cá hay khai thác đánh bắt, tàu đóng mới đều là tàu có công suất lớn (3 chiếc loại công suất 500 CV, 1 chiếc loại công suất 580 CV, 2 chiếc loại công suất 700 CV, 6 chiếc loại công suất 800 CV và 1 chiếc loại công suất 1.000 CV). Tại huyện Ninh Hải, chúng tôi ghi nhận trong số tàu được vay vốn đóng mới có đến 4 tàu vỏ vật liệu composite, 2 tàu vỏ gỗ bọc composite và chỉ có duy nhất 1 tàu vỏ gỗ. Ở Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, trong tổng số dự án vay vốn đóng mới có 5 tàu vỏ gỗ bọc composite và đặc biệt có 1 tàu vỏ sắt, nếu hoàn thành sẽ là tàu vỏ sắt đầu tiên của ngư dân tỉnh nhà. Xét theo nghề đang hoạt động trên biển, trừ 3 tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá, dự án đóng mới có 5 tàu hành nghề lưới vây rút chì, 1 tàu hành nghề câu tập trung ở các xã Tri Hải, Thanh Hải, Khánh Hải (Ninh Hải) và 3 tàu hành nghề lưới rê, 1 tàu hành nghề lưới quét thuộc các phường Đông Hải, Mỹ Đông (TP. Phan Rang – Tháp Chàm). Đây là những nghề phù hợp để vươn ra khơi xa đánh bắt dài ngày trên biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Vào vụ cá của ngư dân Ninh Hải – Ảnh: Văn Miên

Theo quy định, để được xét chọn vay vốn, các ngư dân tham gia dự án phải đáp ứng các điều kiện về công suất tàu, nghề hoạt động, vùng đăng ký hoạt động, đã khai thác hải sản hiệu quả, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi và có năng lực tài chính. Vì vậy, nhiều ngư dân đăng ký trước đây mà chúng tôi có dịp trao đổi đã không có tên trong danh sách vay vốn đợt 1, mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu năng lực tài chính. Đối với những ngư dân được duyệt vay vốn đợt đầu, điều là ngư dân trẻ, nhiều người ở độ tuổi trên dưới 30. Anh Trần Công Thắng một ngư dân tại phường Đông Hải đang sở hữu 2 tàu cá (gồm 1 chiếc công suất 310 CV và 1 chiếc công suất 326 CV) hành nghề lưới rê đáy cho biết: Con trai tôi là Trần Công Bình, 27 tuổi đã đăng ký đóng tàu vỏ gỗ bọc composite công suất 800 CV. Trước sự mạnh dạn của tuổi trẻ, tôi ủng hộ và rất tin tưởng vào tay nghề cũng như khả năng hoàn vốn vay của cháu. Để vay được vốn, cháu đã chuẩn bị vốn đối ứng 3 tỷ đồng.

Tuy chi phí đóng tàu tại thời điểm hiện tại tăng so với dự toán sơ bộ ban đầu làm ngư dân bị động về vốn, nhưng với chí hướng vươn khơi xa (cụ thể là Trường Sa), các ngư dân đều cố gắng bổ sung thêm vốn đối ứng. Ngư dân Trần Văn Năm (phường Đông Hải), chủ tàu 380 CV đang hành nghề lưới rê phấn khởi nói: Việc vay vốn đóng mới tàu vỏ gỗ bọc composite công suất 700 CV do con trai tôi là Trần Công Danh đảm nhận. Hiện nay, chúng tôi chỉ còn chờ ngân hàng giải ngân là tiến hành đóng ngay. Sự năng động, dám nghĩ, dám làm của lớp ngư dân trẻ trong đợt 1 vay vốn theo Nghị định số 67 đã thể hiện khá rõ nét. Nhưng làm chúng tôi ấn tượng nhất có lẽ là ngư dân Dương Văn Thắng, 28 tuổi, ở phường Mỹ Đông, người duy nhất tham gia dự án đóng tàu sắt 800 CV làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Ông Dương Ngọc Em, cha của Thắng bày tỏ: Ban đầu gia đình tôi dự định vay vốn đóng tàu composite, nhưng Thắng đã phân tích mặt lợi ích của tàu sắt và tự đứng tên đăng ký. Tuy còn trẻ nhưng cháu rất chín chắn và đã có phương án sản xuất, kinh doanh thuyết phục được ngân hàng. Dự kiến vốn đóng tàu này vào khoảng 17, 18 tỷ đồng nhưng nhờ là tàu sắt nên vốn đối ứng chỉ chiếm 5%.

Theo anh Nguyễn Duy Hưng, Trưởng Phòng Tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh, ngoài một số trục trặc sẽ được tháo gỡ về mẫu tàu, so sánh dự toán chi phí đóng tàu, còn lại việc giải ngân cho 13 dự án đóng tàu được phê duyệt đã sẵn sàng. Ngay việc thực hiện Quyết định số 502/QĐ-UBND, ngày 5/3/2015 của UBND tỉnh, qua kiến nghị của Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng đã cho ý kiến giải quyết linh hoạt, cụ thể nếu tổng chi phí thực hiện dự án đóng tàu tăng, vốn vay dự án được duyệt cũng sẽ tăng tương ứng.

Vân Tuyền

Báo Ninh Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!