Năm 2008, Ủy ban châu Âu (EC) ban hành Quy định 1005/2008 về chống khai thác IUU có hiệu lực từ tháng 1/2010; mặc dù Việt Nam đã có nhiều giải pháp triển khai thực hiện quy định của EC, tuy nhiên, do chưa đáp ứng được yêu cầu nên ngày 23/10/2017, EC đã có thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu; đồng thời đưa ra 9 khuyến nghị để Việt Nam phải thực hiện.
Với việc cảnh báo “thẻ vàng” của EC, các sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ quản lý chặt sản phẩm của Việt Nam. Mặt khác, việc này còn ảnh hưởng tới xuất khẩu của thủy sản Việt Nam vào các thị trường khác và làm giảm sút uy tín của ngành thủy sản Việt Nam với các nước trên thế giới.
I. Nỗ lực khắc phục các khuyến nghị EC của Việt Nam
Hai năm qua, Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng và Ủy ban nhân dân 28 tỉnh/ thành ven biển, Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã nỗ lực triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” về chống khai thác IUU:
1. Sửa đổi khung pháp lý để đảm bảo tuân thủ các quy tắc quốc tế và khu vực: Để hoàn thiện khung pháp lý theo yêu cầu của EC, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua sửa đổi Luật Thủy sản; vào ngày 21/11/2017, Luật Thủy sản 2017 được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2019; tiếp đó, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và số 42/2019/NĐ-CP; Bộ NN&PTNT ban hành 8 thông tư và Bộ Tài chính ban hành 1 thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản 2017. Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã vận dụng các quy định của luật pháp quốc tế và khu vực, phù hợp với tình hình thực tiễn về kinh tế – xã hội và đặc điểm của nghề cá Việt Nam và tham khảo góp ý của EC, trong đó, nổi bật là việc chuyển đổi phương thức quản lý từ nghề cá nhân dân sang nghề cá hiện đại và có trách nhiệm, từ quản lý tàu theo công suất (CV) sang quản lý theo chiều dài (mét). Trước đây, phát triển đánh bắt tự do, nay thực hiện cấp quota giấy phép khai thác, bắt buộc tàu cá từ 15 mét trở lên phải lắp thiết bị định vị vệ tinh để giám sát hoạt động của tàu cá trên biển và thực hiện giám sát tại cảng cá…
2. Đảm bảo thực hiện và thực thi có hiệu quả của pháp luật quốc gia sửa đổi: Đã tăng cường sự chỉ đạo điều hành từ trung ương đến địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực thi chống khai thác IUU và biện pháp khắc phục “thẻ vàng” của EC; Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo Trung ương do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT làm phó trưởng ban thường trực, lãnh đạo một số bộ, ngành chức năng ở trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố ven biển là thành viên của ban chỉ đạo nhằm triển khai có hiệu quả các giải pháp chống khai thác IUU.
Các Bộ, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã xây dựng và ban hành kế hoạch, giải pháp tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủy sản, các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định, Công điện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU. Bộ NN&PTNT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về các nội dung: Yêu cầu ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; xử lý nghiêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản; tăng cường kiểm soát tàu cá khai thác IUU; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hoạt động truyền thông về IUU; hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ và giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC về IUU.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển đã xây dựng các Kế hoạch, Quyết định, Chỉ thị hướng dẫn thực hiện các biện pháp khẩn cấp để thực hiện khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU; Kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát và thanh tra hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển; tổ chức tập huấn, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động nghề cá, các vấn đề liên quan đến khai thác IUU và hướng dẫn ngư dân ghi nhật ký khai thác thủy sản theo quy định.
Các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn hội viên, doanh nghiệp, ngư dân triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn Luật, tổ chức cho ngư dân và doanh nghiệp hội viên ký cam kết “nói không với khai thác bất hợp pháp”.
Tăng cường thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU
3. Tăng cường thực hiện có hiệu quả các quy tắc quốc tế và các biện pháp quản lý thông qua một chế độ xử phạt nghiêm minh: Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản quy định tăng mức xử phạt tối đa đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng và đối với tổ chức lên đến 2 tỷ đồng với hành vi hoạt động IUU, đồng thời xử phạt bổ sung bằng hình thức thu hồi giấy phép khai thác từ 3 – 6 tháng tùy theo mức độ vi phạm. Cập nhập và công bố danh sách tàu cá vi phạm trên các phương tiên thông tin đại chúng.
Một số tỉnh ven biển đã ban hành văn bản áp dụng chế tài mạnh đối với các tàu cá của tỉnh vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài như tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản, không cấp bằng thuyền trưởng, không cấp giấy phép khai thác thủy sản. Nhờ vậy, đến nay số tàu cá vi phạm vùng biển các nước đã giảm nhiều so với trước đây, đặc biệt không còn tàu cá nào vi phạm vùng biển các nước quốc đảo.
4. Khắc phục những thiếu sót trong thanh tra, kiểm soát và giám sát (MSC) liên quan đến các yêu cầu đặt ra của các quy định quốc tế và khu vực: Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Chính phủ củng cố lại tổ chức lực lượng Kiểm ngư và chuyển giao việc giám sát sản lượng khai thác và cấp giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác cho Ban quản lý các cảng cá thực hiện, tổ chức rà soát và công bố các cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, quy định các tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát tàu cá, đầu tư nâng cấp các trạm bờ để thu thập và xử lý thông tin tàu cá; đẩy mạnh việc trang bị các thiết bị định vị vệ tinh để giám sát hoạt động của tàu cá trên biển. Đầu tư nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá phục vụ hoạt động đánh bắt, thu mua, bảo quản sản phẩm hải sản.
5. Tăng cường quản lý và cải tiến hệ thống đăng ký và cấp phép khai thác thủy sản: Đã tăng cường quản lý và cải tiến hệ thống đăng ký và cấp phép khai thác, thực hiện việc cấp giấy phép khai thác theo hạn ngạch (quota) cho các tàu khai thác hải sản; xã hội hóa công tác đăng kiểm tàu cá, cấm đóng mới các tàu làm nghề lưới kéo. Xây dựng cơ sở dữ liệu toàn quốc về đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản và chia sẻ dữ liệu giữa các địa phương. Phần mềm VNFISHBASE đã kết nối và vận hành tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Cà Mau phục vụ cho công tác quản lý nghề cá và đang triển khai mở rộng đến 28 tỉnh, thành phố ven biển.
6. Cân bằng năng lực khai thác và chính sách phát triển tàu cá: Để quản lý hoạt động khai thác tiến đến cân bằng năng lực khai thác hải sản từ quy định của Luật Thủy sản 2017, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 1481/QĐ-BNN-TCTS phân bổ hạn ngạch quota số tàu khai thác xa bờ từ 15 mét trở lên cho các tỉnh, thành phố ven biển. Chính phủ giao NN&PTNT tổ chức xây dựng quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản ở vùng biển xa bờ cả nước theo hướng dựa vào khả năng nguồn lợi thủy sản; quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá; Các tỉnh, thành phố ven biển xây dựng quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng của địa phương mình.
7. Tăng cường truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản và thực hiện tất cả các bước cần thiết, phù hợp với luật pháp quốc tế: Luật Thủy sản 2017 quy định giao cho tổ chức quản lý cảng cá thực hiện xác nhận nguồn gốc nguyên liệu khai thác thủy sản; Chi cục Thủy sản địa phương chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác; đối với thủy sản nhập khẩu phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; tàu cá khi cập cảng phải khai báo sản lượng thủy sản khai thác, nộp sổ nhật ký khai thác.
Các tỉnh, thành phố ven biển đã chấn chỉnh công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác; thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác; các tàu cá phải cập cảng để xác nhận nguyên liệu hải sản đánh bắt. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã công bố 63 cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác cho tàu cá. Đồng thời, đề xuất danh sách các cảng chỉ định cho tàu nước ngoài vận chuyển hàng thủy sản vào Việt Nam. Nhiều tỉnh đã thành lập và ban hành quy chế làm việc của Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá. Tổ chức tập huấn về công tác chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác cho cán bộ quản lý của Chi cục Thủy sản, cán bộ quản lý cảng cá…
8. Tăng cường và cải tiến hợp tác với các quốc gia khác phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế: Bộ NN&PTNT đã cử nhiều đoàn công tác làm việc với các nước và quốc đảo Thái Bình Dương để trao đổi thông tin, thúc đẩy hợp tác thủy sản, ký kết biên bản hợp tác để đưa tàu cá của Việt Nam sang khai thác hợp pháp tại vùng biển của các quốc đảo; đàm phán với Papua New Guinea về hợp tác đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam sang liên doanh khai thác hải sản tại vùng biển của bạn. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổ chức khai thác viễn dương nhằm đưa tàu cá Việt Nam đi hợp tác khai thác hải sản với các nước và với tổ chức nghề cá khu vực.
Đối với các nước trong khu vực, Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác song phương trong lĩnh vực thủy sản và duy trì các cuộc họp thường niên với Philippines, Brunei, Campuchia, Thái Lan. Việt Nam đã ký kết lập đường dây nóng với Úc, Trung Quốc, Philippines và đang đàm phán ký kết với Thái Lan, Campuchia, Brunei, Malaysia, Indonesia, Papua New Guinea, Palau.
9. Đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ thu thập và báo cáo số liệu cho các tổ chức nghề cá khu vực: Từ năm 2010, WCPFC hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án quản lý nghề cá đại dương khu vực Tây Thái Bình Dương – Đông Á phục vụ cho công tác thu thập và báo cáo số liệu theo quy định của WCPFC. Hằng năm, Việt Nam thu thập số liệu thống kê nghề cá và báo cáo theo yêu cầu của WCPFC phục vụ cho công tác đánh giá và quản lý nguồn lợi cá ngừ khu vực.
II. Tồn tại, hạn chế cần tiếp tục được khắc phục, tháo gỡ
Tuy chúng ta đã rất nỗ lực tập trung triển khai nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để đáp ứng các khuyến nghị của EC, tuy nhiên, đến nay vẫn còn có một số vấn đề tồn tại, hạn chế như :
– Kiểm soát tàu cá vi phạm IUU chưa thực sự triệt để. Mặc dù, hiện nay tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển các nước trong khu vực ASEAN đã giảm nhưng chưa hoàn toàn chấm dứt và vẫn còn tình trạng một số tàu cá và ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
– Hoạt động giám sát tàu cá khai thác hải sản trên biển; hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá theo hướng truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác đã được xây dựng, tuy nhiên, chưa được thực hiện một cách đồng bộ, nhiều địa phương triển khai còn chậm, việc này cần có thời gian để tổ chức thực hiện.
– Công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản khai thác đã được pháp luật quy định; tuy nhiên, việc tổ chức triển khai tại các cảng cá còn gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất chưa đảm bảo; Hệ thống cảng cá và dịch vụ hậu cần nghề cá còn yếu, luồng lạch ra vào cạn và hẹp gây khó khăn cho tàu cá ra vào cập cảng; bộ máy quản lý và nguồn lực tại cảng cá còn yếu và thiếu kinh nghiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu.
– Cơ chế chỉ đạo điều hành từ trung ương đến địa phương chưa đồng bộ, kịp thời, thông suốt; Chưa bố trí đủ nguồn lực cả về tổ chức, nhân lực và vật lực, bộ máy quản lý nghề cá ở các địa phương còn yếu; nhiều tỉnh, thành ven biển chưa có quy hoạch khai thác hải sản, cơ cấu tàu thuyền, nghề nghiệp đánh bắt còn bất hợp lý.
– Việc xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác IUU chưa nghiêm, chưa triệt để, nhiều địa phương còn có tư tưởng nương nhẹ, chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, hoặc thiếu điều kiện, phương tiện để thực hiện.
III. Giải pháp cần tiếp tục triển khai để sớm tháo gỡ “thẻ vàng”
Để sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, thực hiện mục tiêu phát triển nghề cá hiện đại, bền vững và có trách nhiệm, phòng, chống các hoạt động khai thác hải IUU cần tập trung triển khai các giải pháp cụ thể sau:
– Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mỗi người dân miền biển và toàn xã hội ý thức tuân thủ pháp luật, chấp hành và thực hiện nghiêm Luật Thủy sản 2017 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật, các quy định về IUU
– Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển các nước để đánh bắt hải sản, thực hiện nghiêm các quy định về chống khai thác IUU.
– Triển khai có hiệu quả hệ thống theo dõi, giám sát hoạt động của tàu cá trên biển, khẩn trương lắp đặt và trang bị đồng bộ các thiết bị định vị vệ tinh và các trạm quan sát, theo dõi giám sát đồng bộ, thông suốt từ trung ương đến địa phương; Tăng cường đầu tư để hoàn thiện hệ thống các cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc nguyên liệu đánh bắt, hướng dẫn cho các thuyền trưởng tàu cá xa bờ thành thạo và thực hiện tốt việc ghi nhật ký khai thác, báo cáo sản lượng khai thác theo quy định.
– Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của các Bộ, ngành và của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra của các lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU ở cơ sở.
Cùng với việc quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ thể hiện sự quyết tâm của chúng ta trong việc thực hiện chủ trương và chính sách phát triển nghề cá hiện đại, bền vững, có trách nhiệm, chống khai thác IUU; cần tiếp tục trao đổi, kiến nghị, giải thích cho EC hiểu rõ và chia sẻ những khó khăn, sự khác biệt về các điều kiện và đặc thù nghề cá đa loài của Việt Nam so với các nước EU trong việc thực thi pháp luật, năng lực quản lý nghề cá, đề xuất lộ trình tổ chức thực hiện các vấn đề còn có khó khăn chưa thể khắc phục ngay được, nhằm tạo sự ủng hộ và chấp thuận của EC trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.
>> Phát biểu tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sau chuyến kiểm tra từ ngày 5 đến 14 tháng 11 năm 2019, trưởng đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) bà Veronika Veits Giám đốc cơ quan quản trị đại dương quốc tế và nghề cá bền vững, Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của EC đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU; với rất nhiều nỗ lực, hiện nay Việt Nam đã xây dựng được khung pháp lý hoàn thiện, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về chống đánh bắt IUU, trong đó có Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thực hiện;đồng thời đoàn kiểm tra cũng đề nghị Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực để triển khai nghiêm túc các quy định của pháp luật đã có, trong đó cấp tỉnh và TW cần tăng cường giám sát, kiểm tra việc triển khai thực hiện ở cơ sở;Việt Nam cần kiên quyết hơn nữa trong việc triển khai các giải pháp hiệu quả để chống tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển của các quốc gia khác, bởi đây là mấu chốt cho việc tháo gỡ “thẻ vàng’ đối với thủy sản Việt Nam. |