T2, 06/07/2020 01:29

Nỗ lực xóa “thẻ vàng” thủy sản: Tăng cường quản lý tàu cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Tỉnh ta đang thực hiện quyết liệt các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn tàu cá của ngư dân tại cảng cá Quy Nhơn.

Trong đó, công tác tăng cường đăng ký, đăng kiểm tàu cá đang được ngành Thủy sản tỉnh triển khai tích cực.

Thời gian qua, ngành Thủy sản tỉnh cùng các cơ quan chức năng đã tăng cường thẩm định hồ sơ thiết kế, giám sát quá trình đóng mới, nâng cấp, sửa chữa đối với tàu cá có công suất 90 CV trở lên; quản lý về kỹ thuật, kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá, gồm thân tàu, máy, các trang thiết bị hàng hải liên quan từ khi thiết kế đến thi công và đưa vào sử dụng… nhằm đảm bảo tàu cá hoạt động an toàn, nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản của EC.

Ông Trần Văn Vinh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho biết: “Công tác đăng kiểm được Chi cục chú trọng, từ kiểm tra an toàn tàu cá đóng mới lẫn tàu cải hoán đến giám sát việc gia hạn hàng năm theo đúng quy chuẩn; đảm bảo 100% tàu cá được trang bị an toàn đầy đủ trước khi xuất bến; trong đó đặc biệt chú trọng việc kiểm định chất lượng máy thủy khi thay, lắp. Nhờ đó, đã hạn chế được tai nạn tàu cá trên biển”.

Bên cạnh đó, công tác đăng ký tàu cá cũng được ngành Thủy sản tăng cường triển khai nhiều giải pháp, như: Không cấp giấy phép cho tàu hành nghề lưới kéo (giã cào); rà soát số lượng tàu cá đã được mua bán, chuyển nhượng để quản lý chặt chẽ, tránh trường hợp tàu cá mang số hiệu Bình Định nhưng không “chính chủ” vi phạm vùng biển các nước khác… Qua đó, giữ ổn định số lượng tàu cá của tỉnh theo quy hoạch tổng thể đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngư dân Phan Văn Điệp, ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 95757-TS, công suất 430 CV, cho biết: “Trước khi tàu cá xuất, nhập cảng đều được ngành chức năng kiểm tra các giấy tờ về đăng ký, đăng kiểm, an toàn thiết bị trên tàu, đồng thời tuyên truyền ngư dân khai thác thủy sản không vi phạm vùng biển nước khác. Vì vậy, tàu đánh bắt xa bờ nào cũng trang bị đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị máy móc, giấy tờ pháp lý theo quy định”.

Ngư dân Nguyễn Văn Quang, ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, thuyền trưởng tàu cá BĐ 97247-TS, công suất 875 CV, bộc bạch: “Việc thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu cá cũng là trách nhiệm của ngư dân theo quy định của Nhà nước. Bởi vậy, phần lớn tàu đánh bắt xa bờ đều thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm vì còn liên quan đến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về hỗ trợ vốn tín dụng, hỗ trợ nhiên liệu, thiết bị thông tin liên lạc… trong quá trình khai thác thủy sản”.

Theo Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh có 6.153 tàu cá đăng ký, trong đó có 4.164 tàu cá có đầy đủ giấy tờ đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản theo quy định, chiếm 67,7% tàu cá đăng ký; còn 1.989 chiếc bị trễ hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác, chiếm 32,3% số lượng tàu cá trong tỉnh.

Mặc dù công tác đăng ký, đăng kiểm đạt nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cấp mới, cấp lại, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản và cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán tàu cá được thực hiện theo Luật Thủy sản 2017, quy định việc cấp giấy phép khai thác thủy sản trên biển theo hạn ngạch được công bố. Tuy nhiên, đến nay Bộ NN&PTNT chưa phân bổ hạn ngạch và chưa có hướng dẫn triển khai thực hiện.

“Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT, UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT hướng dẫn để thực hiện. Chi cục cũng đã trình Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Đề án thành lập Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (trực thuộc Chi cục Thủy sản) nhằm chuyên môn hóa công tác đăng kiểm tàu cá đáp ứng với sự phát triển hiện đại hóa tàu cá trong tỉnh hiện nay”, Phó Chi cục trưởng Trần Văn Vinh cho biết thêm.

Đoàn Ngọc Nhuận

Theo Báo Bình Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!