(TSVN) – Các cuộc đàm phán đầu tiên về Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Thái Lan và EU dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 18/9 – 22/9, với mục tiêu đạt được thỏa thuận trong khung thời gian 2 năm về lợi ích kinh tế giữa các quốc gia và thông qua đó các rào cản về thuế quan sẽ được giảm hoặc xóa bỏ.
Trong phiên thảo luận tại Hội nghị Cá ngừ Thế giới lần thứ XI, Ông Tony Lazazzara, Giám đốc thu mua cá toàn cầu của Thai Union Group đánh giá đây là một cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu cá ngừ. Sau gần một thập kỷ bị đình trệ, Thái Lan và Liên minh châu Âu (EU) nhất trí sẽ khởi động lại các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên. Ông cho biết, nếu hoàn thành vào năm 2025, thỏa thuận này có tiềm năng rất lớn cho ngành thủy sản nước này.
Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu sẵn có, biến đổi khí hậu, nguồn lực lao động và thị trường vẫn là những thách thức mà ngành đang phải đối mặt và cần tìm ra hướng giải quyết chung. Ông Tony Lazazzara cũng nhấn mạnh rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của các cuộc đàm phán FTA về các vấn đề liên quan đến thỏa thuận thương mại, điều chỉnh quy định và các giai đoạn thực hiện.
Ông Tony Lazazzara, Giám đốc thu mua cá toàn cầu của Thai Union Group phát biểu tại Hội nghị Cá ngừ Thế giới lần thứ XI. Ảnh: Undercurrent
Sau khi EU điều chỉnh các mức ưu đãi thuế quan GSP mới vào năm 2015, tính đến thời điểm hiện tại, Thái Lan đang áp mức thuế 24% đối với cá ngừ đóng hộp – một trong những mức thuế nhập khẩu đắt nhất thế giới. Thỏa thuận này có thể dẫn đến việc miễn thuế vào thị trường EU đối với các mặt hàng thủy sản Thái Lan nói chung và đặc biệt là các sản phẩm cá ngừ.
Năm 2012, thị trường EU chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Thái Lan. Tuy nhiên, đến năm 2022, con số này chỉ còn 3%. Các FTA được kỳ vọng sẽ mang lại tiềm năng cho ngành thủy sản Thái Lan, giúp lấy lại chỗ đứng tại thị trường then chốt này với ngành hàng cá ngừ đóng hộp.
Cũng trong khuôn khổ phiên thảo luận, Hiệp hội Công nghiệp Cá ngừ Thái Lan (TTIA) đưa ra giải pháp thay vì chuyển đổi đột ngột các dòng thuế nhập khẩu giảm về 0% và các lợi ích FTA khác, các nước có thể tiếp cận theo từng giai đoạn, cho phép các ngành và bên liên quan thích ứng với bối cảnh thương mại mới với tốc độ được kiểm soát.
Xuất khẩu cá ngừ sang EU dự kiến sẽ tăng trở lại nhờ các trợ lực từ FTA. Ảnh: ST
Ngành cá ngừ Thái Lan cam kết giải quyết các vấn đề lao động, cải thiện các hoạt động bền vững để đảm bảo vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Thái Lan bày tỏ mong muốn tăng cường mối quan hệ với EU và đảm bảo một tương lai bền vững cho ngành thủy sản nước này.
Ông Tony Lazazzara cho biết ngành cá ngừ Thái Lan hiện đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến tính bền vững của nguồn nguyên liệu thô, vốn rất quan trọng cho ngành xuất khẩu cá ngừ. Ông cũng nhấn mạnh những thách thức đặt ra bởi các thị trường lớn như EU đang gặp khó khăn bởi sự thay đổi nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Thái Lan đã và đang tìm kiếm các thị trường và chiến lược thay thế nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của ngành thủy sản. Ngoài ra, nước này cũng thực hiện cam kết về tính minh bạch và tuân thủ các nguyên tắc quốc tế, bao gồm cả những nguyên tắc được nêu trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và các hoạt động nghề cá có trách nhiệm khác.
EU và Thái Lan tổ chức đàm phán FTA từ năm 2013 nhưng quá trình này đã bị đình chỉ nhiều năm sau đó do những bất ổn chính trị tại Thái Lan. Ngày 15/3, sau cuộc họp giữa Cao ủy Thương mại EU Valdis Dombrovskis và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit, EU và Thái Lan thông báo chính thức nối lại đàm phán nhằm tăng cường quan hệ giữa hai bên. Hiện, Thái Lan hiện có 14 FTA với 18 quốc gia, bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), có hiệu lực vào đầu năm ngoái.
Anh Thư
(Theo Undercurrentnews)