T2, 06/07/2020 12:23

Nôn nóng đóng tàu lớn

Chưa có đánh giá về bài viết

Do quá nôn nóng được đóng mới tàu cá theo Nghị định 89 của Chính phủ về một số chính sách thủy sản, nhiều ngư dân đã vội vàng khởi công đóng tàu mà chưa được ngân hàng thương mại ký hợp đồng vay vốn nên xảy ra nhiều sự cố đáng tiếc.

Thiệt hại

Những ngày này, ngư dân Lê Đức Rý (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình) như ngồi trên lửa bởi con tàu vỏ thép đã được khởi công, đang dần hoàn thiện phần sườn thì phải dở dang. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 89, ông Rý háo hức làm hồ sơ vay vốn gửi đến Vietinbank Quảng Nam. Qua quá trình thương thảo, trao đổi, ông Rý tin tưởng ngân hàng sẽ ký hợp đồng vay vốn nên đã gửi 900 triệu đồng để làm vốn đối ứng. Sau đó, ông ký hợp đồng đóng mới tàu vỏ thép với một cơ sở ở Hải Phòng. Nhưng khi con tàu đang trong quá trình hoàn thiện phần vỏ thì ông hoảng hốt khi nghe Vietinbank thông báo không thể ký hợp đồng vay vốn đóng tàu vì cho rằng cơ sở này không đảm bảo năng lực đóng tàu vỏ thép. “Tôi đã bàng hoàng vì không được ngân hàng ký kết hợp đồng trong khi con tàu đã được khởi công và đang trong quá trình hoàn thành phần vỏ. Tất cả vốn liếng của tôi huy động được 900 triệu đồng, chỉ đủ làm vốn đối ứng chiếm 5% giá trị con tàu. Chừ thì phải dở dang con tàu thôi chứ lực bất tòng tâm” – ông Rý nói. Theo ông Rý, sự việc đáng tiếc xảy ra đã khiến ông mất trắng hơn 300 triệu đồng.

Ngư dân cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi ký hợp đồng đóng tàu. TRONG ẢNH: Một chiếc tàu vỏ thép đang được đóng mới. Ảnh: N.Q.V

Ngư dân cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi ký hợp đồng đóng tàu (Trong ảnh: Một chiếc tàu vỏ thép đang được đóng mới) –  Ảnh: N.Q.V  

Tương tự, ngư dân Nguyễn Văn Em (thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) cũng đã khởi công đóng mới tàu vỏ gỗ khi chưa được ngân hàng thương mại ký kết hợp đồng vay vốn ưu đãi. Ông Em cũng đã phải đành đoạn nhìn con tàu dở dang, bị thiệt hại cả trăm triệu đồng vì không thể xoay xở được nguồn vốn để hoàn thiện. Trao đổi với chúng tôi, ngư dân Lê Đức Rý và nhiều chủ tàu khác đều cho rằng, trong quá trình thương thảo, trao đổi, thỏa thuận, do quá tin tưởng vào phía ngân hàng nên ngư dân đã “mạnh dạn” khởi công đóng tàu. “Phía ngân hàng có hỏi tôi rằng, nếu đóng mới thì trong năm này có thể hoàn thành, hạ thủy và đi vào sản xuất được không? Tôi trả lời là có thể được nếu khẩn trương khởi công và chủ động trong mọi công đoạn đóng tàu, việc đó phụ thuộc vào giải ngân vốn của ngân hàng. Quá nôn nóng đóng tàu và quá nôn nóng trở lại sản xuất cho kịp vụ chính vào năm sau nên tôi đã sai lầm” – ông Rý nói.


Cần thận trọng

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, các trường hợp ngư dân bị thiệt hại về kinh tế do khởi công đóng tàu mà chưa được ngân hàng thương mại ký hợp đồng là rất đáng tiếc. Nguyên nhân là người dân quá chủ quan, nóng vội. Lẽ ra họ phải chờ đến khi ngân hàng thương mại ký hợp đồng vay vốn rồi mới khởi công đóng tàu thì sẽ không xảy ra chuyện dang dở. Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho rằng, sau khi chuyện không hay xảy đến với ngư dân Lê Đức Rý, Ban Chỉ đạo triển khai Nghị định 89 của tỉnh đã tiến hành làm việc, trong đó có Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, Sở NN&PTNT, Vietinbank Quảng Nam và ngư dân Lê Đức Rý. Các bên đều cho rằng ông Rý phải tìm hiểu lại, xem cơ sở đóng tàu vỏ thép nào đảm bảo năng lực, từ đó đề xuất với Vietinbank Quảng Nam đến làm việc, kiểm tra. Nếu phía ngân hàng thương mại đánh giá cơ sở đó đảm bảo chất lượng đóng tàu vỏ thép thì mới có thể có điều kiện ký kết hợp đồng và giải ngân vốn đóng tàu. Về phần vỏ của con tàu vỏ thép mà ngư dân Rý đang đóng mới ở TP.Hải Phòng thì ngư dân phải tự lo liệu.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, với bất cứ khoản đầu tư tín dụng nào, ngân hàng thương mại cũng bắt buộc phải thực hiện đúng quy trình. Họ phải tiến hành bài bản mọi khâu, từ tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ, thẩm định dự án, đánh giá năng lực tài chính… rồi sau đó mới quyết định chấp nhận hoặc từ chối vay vốn của khách hàng. Với trình tự như vậy rất cần nhiều thời gian. Trong khi đó, vay vốn để đóng tàu theo Nghị định 89 lại có giá trị đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu dài nên ngân hàng thương mại càng đòi hỏi phải có nhiều thời gian thẩm định. Rõ ràng, khi vay vốn, ngư dân cần phải bình tĩnh, chờ đến khi ngân hàng có quyết định cho vay rồi mới nên khởi công đóng tàu, tránh sự cố đáng tiếc gây thiệt hại tài sản. Ông Ngô Tấn cho rằng, vay vốn đóng tàu theo Nghị định 89 là một quá trình, trong đó phải tuân thủ theo các nguyên tắc nhất định, rõ ràng. “Ngư dân tuyệt đối không nên tự ý khởi công đóng tàu khi chưa có quyết định của ngân hàng thương mại nơi ngư dân làm hồ sơ vay vốn. Ngư dân cũng nên cân nhắc, không nên bán tàu đang sản xuất để làm vốn đối ứng đóng tàu theo Nghị định 89 nếu chưa được phía ngân hàng đồng ý cho vay vốn. Các địa phương ven biển cần góp sức với Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 89 tuyên truyền rộng rãi, hiệu quả để chủ trương đóng tàu bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ được thông suốt, tránh thiệt hại không đáng có” – ông Ngô Tấn nói.

Nguyễn Quang Việt

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!