(TSVN) – Ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sáng 17/2/2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì buổi họp báo thông tin về các chương trình, kế hoạch trọng tâm trong thời gian tới, nêu rõ 9 định hướng, nhiệm vụ và 10 nhóm giải pháp chính.
Chiến lược được phê duyệt trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thế giới chuyển sang sản phẩm truy xuất nguồn gốc, hướng đến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, trách nhiệm xã hội. Biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh và tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống, gây ra nhiều thiên tai, dịch bệnh.
Chiến lược nhấn mạnh nông nghiệp có trách nhiệm, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm.
Đặc biệt, phát triển thị trường đất đai như thị trường quyền tài sản, mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp; tạo điều kiện để các hợp tác xã và tổ chức của nông dân tham gia cung cấp các dịch vụ công cho thành viên.
Chiến lược nêu một số mục tiêu chính đến năm 2030: Bình quân hàng năm tăng GDP nông lâm thủy sản 2,5 -3%; năng suất lao động 5,5 – 6%; giá trị xuất khẩu 5 – 6%; thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 – 3 lần năm 2020; lao động nông nghiệp chiếm dưới 20% tổng lao động xã hội; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo trên 70%.
Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; định hướng theo nhóm sản phẩm chủ lực.
Tập trung nghiên cứu, chọn tạo và chuyển giao giống năng suất chất lượng cao, có khả năng chống chịu tốt; bảo tồn phát triển giống bản địa. Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cho phát triển nông nghiệp (thủy lợi, cảng cá…); nâng cao trình độ cơ giới hóa.
Xây dựng các vùng chuyên canh, hình thành một số khu cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến.
Ảnh minh họa. Ảnh: Hoàng Diệu
Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng, thu hút doanh nghiệp đầu tàu vào dẫn dắt chuỗi giá trị. Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp giảm phát thải, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp du lịch trải nghiệm.
Phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Đầu tư phát triển khu, cụm dịch vụ ở nông thôn; hình thành lực lượng nông dân chuyên nghiệp và lao động phi chính thức ở nông thôn.
Xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống.
Phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn, lấy người dân nông thôn là chủ thể, trọng tâm phát triển, đảm bảo tiếp cận bình đằng các nguồn lực, dịch vụ xã hội.
Phát huy nguồn lực và tinh thần tự chủ, tự hào, đoàn kết, cùng phát triển. Phát huy vai trò các tổ chức cộng đồng tại địa phương.
Bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi biến đổi khí hậu.
Tuyên truyền, giáo dục giáo dục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động cho các nhóm đối tượng về vai trò nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn mới, những định hướng phát triển nông nghiệp nông thôn trên thế giới (nông nghiệp có trách nhiệm, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn…), những thay đổi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới.
Đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh. Xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường, nguồn vốn, máy móc, công nghệ tiên tiến. Đổi mới chính sách thúc đẩy phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã trở thành tác nhân quan trọng trong sản xuất tiêu thụ, hỗ trợ dịch vụ.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề thông qua đổi mới hình thức tổ chức và chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động trẻ nông thôn.
Tăng nguồn đầu tư công trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Đầu tư đồng bộ cho một số viện, trường đầu ngành. Xây dựng cơ chế thúc đẩy liên kết công tư, xã hội hóa trong nghiên cứu. Hoàn thiện môi trường pháp lý cho thị trường khoa học công nghệ đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.
Phát triển thị trường trong và ngoài nước đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản. Trong nước, đổi mới hệ thống phân phối, cơ sở hạ tầng, kết nối vùng sản xuất chuyên canh với hệ thống tiêu thụ, hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi sản xuất logistics. Thị trường xuất khẩu, chủ động phát huy cơ hội các hiệp định thương mại tự do; phân cấp trao quyền, nâng cao năng lực cho hiệp hội ngành hàng.
Phát triển thủy lợi đa mục tiêu; xây dựng nâng cấp sửa chữa hệ thống phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Ứng dụng công nghệ quản lý và sử dụng nước hiệu quả. Phát triển hệ thống cảng cá, khu neo đậu, đầu tư cơ sở hạ tầng trên bờ, nuôi biển. Phát triển hạ tầng phục vụ chuỗi lạnh, bảo quản, chế biến.
Đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, được đầu tư theo đóng góp. Xã hội hóa, phân cấp cho các tổ chức nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Phát triển mô hình nông nghiệp thông minh, số hóa. Tăng đầu tư xây dựng chính phủ điện tử. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro.
Tăng cường hợp tác với các quốc gia thu hút nguồn vốn, phát triển thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ. Triển khai các chương trình phát triển thị trường, xây dựng hệ thống phòng vệ thương mại
Đặc biệt, xây dựng, hoàn thiện và triển khai một số cơ chế, chính sách đột phá về đất đai, tài chính tín dụng, đầu tư công cho nông nghiệp, thuế, nhân lực.
Sáu Nghệ