Nông nghiệp ĐBSCL – Thay đổi tư duy, hướng tầm phát triển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản; nông nghiệp vùng ĐBSCL liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế. Tuy nhiên, để tạo đà phát triển, khu vực này cần những thay đổi căn cơ để có thể thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt với tình hình hiện nay.

Phát triển chưa xứng tiềm năng

ĐBSCL với 13 tỉnh, thành phố có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh với diện tích tự nhiên gần 4 triệu km2 (khoảng 13% diện tích cả nước), dân số khoảng 18 triệu người (19% cả nước). ĐBSCL đã đạt kết quả đáng mừng như đóng góp tỷ lệ lớn vào GDP nông nghiệp cả nước: Chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp, đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng NTTS và 70% về trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu.

Chia sẻ tại Hội nghị Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL được tổ chức tại Kiên Giang ngày 6/3; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết 13 tỉnh, thành ĐBSCL với gần 10 triệu hộ nông dân đang đứng trước lựa chọn chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Theo Bộ trưởng Hoan, ĐBSCL đang vướng nhiều nút thắt cho sự phát triển, đó là hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học bị suy kiệt sau thời gian dài lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặt ra thách thức lớn với định hướng tiến đến một nền nông nghiệp xanh. Đó là tư duy theo mùa vụ của người nông dân và tầm nhìn theo thương vụ của doanh nghiệp vô tình gây trở ngại cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ. Đó là vùng nguyên liệu cây ăn trái, thủy sản, lúa gạo tương đồng, phân tán khiến công tác quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại nông sản gặp nhiều khó khăn.

Sản xuất cá tra khu vực ĐBSCL đang dần lấy lại vị thế là một trong những sản phẩm chủ lực của kinh tế vùng. Ảnh: Gia Bảo

Thay đổi tư duy

Theo Bộ NN&PTNT, cùng với sự thay đổi tư duy “an ninh lương thực dựa vào cây lúa”, ĐBSCL đã xoay trục chiến lược sang thủy sản – trái cây – lúa gạo theo lợi thế của vùng và các tiểu vùng dựa trên nguyên lý phát huy tối đa tính thích ứng tự nhiên các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới và theo nhu cầu thị trường. Đồng thời, phát triển từ nền nông nghiệp thuần túy sản xuất dựa trên tăng diện tích, sản lượng sang nền nông nghiệp hàng hóa theo nhu cầu thị trường, gắn với điều chỉnh dần hệ thống tổ chức sản xuất, phát triển chuỗi giá trị. Để làm được điều đó, cần có quy hoạch tích hợp, đa ngành, có điều phối liên kết vùng, liên kết ngành thay vì phát triển cục bộ. Cùng với tăng trưởng nông nghiệp phải tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn; hỗ trợ một bộ phận nông dân chuyển đổi sang làm nghề phi nông nghiệp một cách bền vững.

>> Theo mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2025, tốc độ tăng GDP nông nghiệp đạt trên 3%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2018. Lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 30% tổng số lao động. Tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp trên 30%. Tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được cấp chứng nhận sản xuất bền vững trên 20%.

Để đạt mục tiêu trên, ĐBSCL phải tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp ĐBSCL; các Nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và hệ thống cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Trong đó tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và các đề án lớn cho phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hợp tác xã. Phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công cho phát triển nông nghiệp và nông thôn vùng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, điều phối các hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn mang tính liên vùng. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển nông nghiệp, nông thôn của vùng...

Ông Lê Hồng Quang, Bí thư Tỉnh ủy An Giang kiến nghị, giá lúa và cá tra đầu ra bấp bênh, trong khi giá vật tư nông nghiệp đầu vào luôn bất ổn. Do đó, kiến nghị Thủ tướng và Bộ NN&PTNT sớm ban hành quỹ bình ổn giá đối với lúa gạo, cá tra, đồng thời bình ổn giá vật tư đầu vào…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu quan điểm phát triển của ĐBSCL: “Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công tư, đời sống chất lượng”. Tư duy không được chậm trễ, phải thật nhanh, xác định các yếu tố chiến lược, cấp bách để tập trung hoàn thiện. Cơ chế, chính sách chưa phù hợp thì điều chỉnh. Tầm nhìn phải đủ dài để đảm bảo tính ổn định về giá trị, thương hiệu và chất lượng. Thích ứng phải chủ động để nâng cao hiệu quả. Nguồn lực phải công tư, dựa vào nội lực là chính; xem nội lực là trung tâm, cốt lõi và bền vững.

Theo đó, Thủ tướng đưa ra 9 nhóm giải pháp cho vùng ĐBSCL: Một là, thể chế, cơ chế chính sách phải nhanh chóng hoàn thiện. Hai là, quy hoạch phải 4 tốt (quy hoạch tốt, dự án tốt, nhà đầu tư tốt, sản phẩm tốt). Ba là, xây dựng sản phẩm, thương hiệu du lịch, thương hiệu nông sản. Bốn là, hạ tầng dứt khoát không đầu tư dàn trải, mà tập trung vào hạ tầng chiến lược. Năm là, đa dạng hóa nguồn tài chính, đẩy mạnh hợp tác công – tư. Sáu là, nhân lực phải đào tạo nghề, phát triển tri thức vùng ĐBSCL, xây dựng các cơ sở đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, xây các trường cao đẳng, đại học. Bảy là, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tám là, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Chín là, quản trị hiện đại; phát triển, mở rộng thị trường; các bộ, ngành phải đồng hành, gắn bó với các địa phương.

>> Năm 2021, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL tăng 1,6%, chiếm 32,2% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm 31,3% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp cả nước. ĐBSCL đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây.

Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!