Nông nghiệp vẫn duy trì được tăng trưởng trong đại dịch

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thông tin từ Bộ NN&PTNT, với nỗ lực của toàn ngành, 9 tháng năm 2021, nông nghiệp vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, khẳng định vai trò là trụ đỡ của kinh tế – xã hội cả nước. Giá trị gia tăng (VA) của ngành trong quý III/2021 tăng 1,04% so quý III/2020. Lũy kế 9 tháng qua, tốc độ tăng trưởng VA toàn ngành nông nghiệp đạt 2,74%.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng qua ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản, nhất là nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh, ước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%. Do vậy, xuất siêu 9 tháng qua dù đạt trên 3,3 tỷ USD nhưng giảm 55,3% so tháng 9/2020.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê từng đánh giá rất cao vai trò của ngành nông nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 căng thẳng, ngành hàng này vẫn tăng trưởng dương và thể hiện vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế, khi nhiều nhóm ngành đã tăng trưởng âm trong quý III/2021. 

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng (2,74%). Dù vậy, những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản nói riêng và các hoạt động kinh tế – xã hội của cả nước vừa qua đòi hỏi ngành nông nghiệp phải tập trung cao độ triển khai những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để phấn đấu đạt mức tăng trưởng toàn ngành năm 2021 từ 2,5 – 2,8%, Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động theo 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nhiệm vụ tiên quyết là tiếp tục tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch COVID-19 tại từng tỉnh, thành. Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic… không để ứ đọng hàng hóa tại vùng sản xuất, nhà máy, trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và những thị trường xuất khẩu trọng điểm. Bộ cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, phối hợp chặt chẽ với các tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản… Ngoài ra, để duy trì sản xuất tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, việc tăng cường các giải pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho kinh tế, sản xuất, đời sống người dân cũng là nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đối với ngành nông nghiệp. Theo đó, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổng cục, cục vụ viện theo dõi chặt chẽ và kiểm soát tình hình thiên tai; đồng thời, có phương án tích nước, vận hành công trình phòng chống hạn hán phục vụ sản xuất…

 Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang chia sẻ, thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh cũng đã làm việc với các huyện, thị nhằm xem xét, đánh giá để tổ chức sản xuất. Cùng đó, xác định nông nghiệp là trụ đỡ thì cần tăng cường các chính sách hỗ trợ người dân và sớm triển khai các chính sách này. Hiện các chính sách hỗ trợ chưa nhiều; mong muốn Bộ NN&PTNT tiếp tục kiến nghị chính sách hỗ trợ cho người dân phục hồi sản xuất

Hiện, Bộ NN&PTNT cũng đang chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, như tạo thêm việc làm từ sơ chế nông, lâm, thủy sản, phát triển sản phẩm Chương trình OCOP… để phát triển kinh tế. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan mong muốn, thời gian tới phát triển được hệ thống hạ tầng logistics cho nông thôn. Bởi, trong đại dịch vừa qua đã cho thấy lỗ hổng lớn, đó là thiếu các xưởng sơ chế nhỏ, bảo quản nhỏ… để người dân có thể tiêu thụ nội địa, dự trữ hàng hóa. Có như vậy, nông dân sẽ không phải sống nhờ vào số lượng sản xuất ra mà là thu nhập từ chuỗi ngành hàng.

>> Trên cơ sở dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh của ngành năm 2021, dự báo về tình hình kinh tế trong nước và thế giới trong bối cảnh dịch COVID-19, ngành nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện quyết liệt kế hoạch cơ cấu lại ngành gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2022 đạt từ 2,8 – 3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 45,5 tỷ USD.

An An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!