(TSVN) – Là một trong những thị trường trọng điểm của nông sản Việt, nhưng những năm gần đây, thị trường Trung Quốc liên tục gia tăng các biện pháp về quản lý ATTP. Và theo dự báo của các chuyên gia, từ năm 2022, khi Trung Quốc áp dụng một số chính sách mới khắt khe hơn, nông sản Việt vào thị trường này sẽ khó chồng thêm khó.
Ngày 14/4/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành “Biện pháp quản lý ATTP xuất nhập khẩu” (Lệnh 249) và “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” (Lệnh 248). Những lệnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 tới đây. Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, Trung Quốc có xu hướng mở rộng áp dụng hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhất là trong bối cảnh đại dịch bùng phát nhiều tháng qua, nước này tăng cường kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt khu vực cửa khẩu biên giới đất liền để phòng, chống COVID-19, khiến tiến độ thông quan hàng hóa của nước ta sang thị trường này bị gián đoạn, đình trệ. Theo Bộ NN&PTNT, trong thời gian qua, Việt Nam đã nhiều lần đàm phán để cắt giảm thuế nhập khẩu theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc. Song đến nay, vẫn còn nhiều loại nông sản chủ lực chưa được Trung Quốc cấp phép chính ngạch như: sầu riêng, khoai lang, chanh leo, na, bưởi, tổ yến, sứa ướp muối, tôm sú, TTCT ướp đá… để tận dụng các ưu đãi theo hiệp định này.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), cho biết, trước thực tế này, SPS Việt Nam đã hoàn thành bản dự thảo liên quan đến năm nhóm thay đổi lớn theo lệnh trên. Trong đó bao gồm kiểm soát các doanh nghiệp nhập khẩu, kiểm soát các thủ tục về hồ sơ nhập khẩu, các quy định về đánh giá rủi ro khi tham gia nhập khẩu của các nước cũng như nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Dự kiến cuối năm 2021, Bộ NN&PTNT sẽ trình Thủ tướng ban hành đề án này. Qua đó để các doanh nghiệp thích ứng được với sự thay đổi các biện pháp SPS của các thị trường, góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, giải pháp hóa giải các thách thức, khó khăn trong các chính sách, quy định mới của Trung Quốc, thì điều quan trọng nhất là cần nâng cao năng lực thực thi các cam kết về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch, động thực vật (SPS). Bởi, chỉ khi hàng hóa đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, an toàn thì doanh nghiệp mới tránh được rủi ro và xuất khẩu bền vững, không chỉ tại thị trường Trung Quốc mà còn cả các thị trường mà nước ta đang có FTA.
Được biết, để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc, Bộ Công thương đã có đề nghị Bộ NN&PTNT khẩn trương phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc triển khai hoạt động đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, theo quy định tại Lệnh số 248 và Lệnh số 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Trong đó, cơ quan quản lý sẽ đặc biệt chú ý ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, các hợp tác xã xuất khẩu. Do đó, các tổ chức, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu và thực hiện chuyển đổi kịp thời phương thức xuất khẩu, tránh chậm trễ gây ra rủi ro đáng tiếc. Đồng thời, Bộ Công thương sẽ phối hợp với bộ, ngành chức năng tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về thương mại và phổ biến hướng dẫn cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn mới của Trung Quốc; kết nối, mời các doanh nghiệp nước ngoài ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ hướng dẫn, giám sát quá trình thu mua, đóng gói nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường này.