(TSVN) – NTTS bền vững được xem là giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu và quan trọng hơn, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Lĩnh vực này đã nhận được sự quan tâm đầu tư phát triển từ Trung ương đến các địa phương.
Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đang xây dựng Đề án Phát triển NTTS bền vững trên địa bàn thị xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của đề án này là phát triển tổng thể lĩnh vực NTTS trên toàn thị xã phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thị xã; nhằm khai thác, sử dụng tiềm năng, lợi thế diện tích đất có mặt nước, khu vực biển gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và khai thác tiềm năng du lịch theo hướng hiệu quả, bền vững. Ngoài ra, Đề án này cũng sẽ phát triển chuỗi giá trị sản xuất trong lĩnh vực NTTS, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh trong và ngoài nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu trong nội ngành nông nghiệp, phát triển hài hòa NTTS với các ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch. Nhiệm vụ của đề án là tạo sinh kế mới, việc làm, tăng thu nhập bền vững cho người dân, đồng thời phát triển ngành NTTS bền vững.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Long An Nguyễn Thanh Toàn thông tin, ngành thủy sản tỉnh đã và đang tập trung phát triển NTTS với các đối tượng chủ lực: TTCT, thủy sản nước ngọt…; đồng thời, ưu tiên phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao, siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh kết hợp, hướng đến xây dựng các vùng nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao, thâm canh, phát triển bền vững. Bên cạnh đó, ngành tập trung phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, sạch bệnh, tăng trưởng nhanh và có khả năng kháng bệnh; ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi chủ lực, giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng phát triển bền vững, cũng như phát triển nuôi thêm các loài thủy sản phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng, nhằm chủ động nguồn cung thực phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng NTTS đạt 7 triệu tấn/năm, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Ảnh: Trần Út
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT Long An cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ trình UBND tỉnh xét duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả và thủy sản nước ngọt khu vực Đồng Tháp Mười. Thông qua Đề án này, tỉnh sẽ có những khuyến cáo cụ thể về vùng nuôi, đối tượng thủy sản được nuôi và kế hoạch phát triển cụ thể cho từng loài thủy sản tại khu vực Đồng Tháp Mười. Riêng đối với con tôm nước lợ tại khu vực Đồng Tháp Mười, ngành đã phối hợp các địa phương khuyến cáo và cho người dân ký cam kết giữ nguyên hiện trạng, không mở rộng thêm diện tích; đồng thời, phân công đơn vị chuyên môn thường xuyên theo dõi, lấy mẫu phân tích, đánh giá về những tác động của việc nuôi TTCT đối với môi trường xung quanh nhằm tránh những hệ lụy trước mắt cũng như lâu dài.
Mới đây, tỉnh Kiên Giang vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phát triển thủy sản bền vững trên địa bàn huyện Hòn Đất, tổng diện tích vùng dự án khoảng 5.500 ha, thực hiện trong 3 năm (từ 2023 – 2026) với tổng mức đầu tư dự án lên tới 624 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn ngân sách tỉnh đối ứng. Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh nhấn mạnh, Dự án sẽ xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực quản lý và tổ chức sản xuất, nhằm phát triển ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án khuyến khích và thu hút các thành phần kinh tế tham gia đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững ngành thủy sản của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Cụ thể, phát triển hạ tầng các vùng sản xuất tôm giống, vùng nuôi tôm nước lợ để nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi, bảo vệ môi trường…
Tỉnh Cà Mau cũng đang đẩy mạnh NTTS giá trị cao với mô hình tôm – rừng kết hợp. Đây là mô hình nuôi tự nhiên sinh thái không sử dụng thuốc, hóa chất, giảm được giá thành và góp phần tích cực vào việc bảo vệ, phát triển rừng. Hiện, Cà Mau đang có trên 27.500 ha tôm nuôi dưới tán rừng ngập mặn, trong đó hơn 19.000 ha được các tổ chức chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế (Naturland, EU Organic, Canada Organic, Selva Shrimp, ASC, BAP…). Hiện nay, sản phẩm được nhiều thị trường ưa chuộng và đánh giá cao.
Hướng đến phát triển bền vững ngành thủy sản ÐBSCL trong tương lai, nhiều địa phương cũng bày tỏ nhu cầu liên kết hợp tác với các nhà khoa học, viện, trường để tìm ra giải pháp, công nghệ mới ứng dụng trong NTTS. Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết, thành phố đã có Kế hoạch số 134/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình hợp tác giữa TP Cần Thơ và Trường ÐH Cần Thơ giai đoạn 2020 – 2025; Kế hoạch số 198/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp TP Cần Thơ giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, 2 bên có thể hợp tác, hỗ trợ nhau cùng thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu như: dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cá tra; NTTS tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ số trong quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh; sản xuất chế phẩm sinh học, chất dinh dưỡng bổ sung vào thức ăn nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản hạn chế dịch bệnh…
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 985/QĐ-TTg ban hành Chương trình quốc gia phát triển NTTS giai đoạn 2021 – 2030. Mục tiêu chung là phát triển NTTS hiệu quả bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm NTTS; đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2030, sản lượng NTTS đạt 7 triệu tấn/năm, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Chương trình nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng, phát triển các vùng nuôi thủy sản đảm bảo ATTP; theo đó, đối với tôm nước lợ, áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất để tiết kiệm nước, nhiên liệu, thân thiện môi trường, hướng tới không sử dụng kháng sinh trong sản xuất, tạo sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, đáp ứng các yêu cầu của thị trường; nuôi có chứng nhận; nuôi theo hướng giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, giảm sử dụng vật liệu nhựa gây tác hại đến môi trường sinh thái và giảm ô nhiễm môi trường.
Đối với cá tra, tiếp tục phát triển nuôi tại vùng ĐBSCL và các vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp, đảm bảo theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ điều kiện cơ sở nuôi theo các quy định hiện hành, khuyến khích mở rộng diện tích nuôi theo các tiêu chuẩn để tạo sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo ATTP, phù hợp với nhu cầu, yêu cầu thị trường tiêu thụ; khuyến khích áp dụng công nghệ nuôi mới, tiết kiệm nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và công nghệ xử lý nước thải, bùn thải để bảo vệ môi trường.
Về kiểm soát chất lượng, ATTP và truy xuất nguồn gốc trong NTTS, xây dựng, phát triển các vùng nuôi đảm bảo ATTP, thực hiện giám sát dư lượng hóa chất, thuốc, kháng sinh; xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định của pháp luật và yêu cầu thị trường. Thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định và xử lý vi phạm trong lĩnh vực chất lượng, ATTP, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản.
Đại diện VASEP cho biết, năm 2030 nhu cầu tiêu thụ thủy sản làm thực phẩm sẽ tăng 18% so năm 2018, thủy sản nuôi sẽ chiếm khoảng 59% tiêu thụ và khoảng 36% sản lượng sẽ được xuất khẩu vào năm 2030. Với nhu cầu tăng lên, cơ hội cho ngành thủy sản của Việt Nam cũng mở rộng hơn. Tuy nhiên, điều đó cũng đi kèm với những rủi ro về sản xuất không bền vững, gây ra những hệ lụy về ô nhiễm môi trường và mất đi sự đa dạng sinh học. Do đó, những hoạt động thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp hướng đến sản xuất bền vững, thân thiện môi trường là rất cần thiết.
Diệu An