Nhờ thực hiện Đề án “Kiểm soát dân số vùng biển đảo và ven biển của quốc gia” (Đề án 52), công tác dân số ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có nhiều chuyển biến tích cực.
Thế mạnh khai thác thủy sản
Những năm gần đây, thủy sản huyện Núi Thành đã trở thành ngành kinh tế mạnh, góp phần quan trọng tạo diện mạo mới cho những vùng quê biển. Toàn huyện hiện có 2.379 tàu thuyền, tăng gấp 1,7 lần so năm 2008; trong đó, tàu gắn máy 1.527 chiếc, tăng 1,5 lần; tổng công suất máy 103.151.950 CV, tăng 1,4 lần so năm 2008. Trong tổng số tàu thuyền đó có hơn 20 chiếc công suất máy 500 – 1.000 CV. Các tàu đều được trang bị các thiết bị hiện đại (máy bộ đàm, máy định vị, máy tầm ngư…). Năng lực tàu thuyền tăng, sản lượng khai thác theo đó cũng tăng mạnh. Năm 2013, sản lượng khai thác hải sản toàn huyện đạt 23.718 tấn, tăng 1,2 lần so năm 2008; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 1.696 ha, tăng 1,06 lần so năm 2008.
Với sự phát triển vượt bậc ấy, tổng giá trị sản xuất của ngành thủy sản Núi Thành năm 2013 đạt hơn 265 tỷ đồng, tăng gấp 1,38 lần so năm 2008, chiếm 65% tổng giá trị sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp và 20,7% tổng giá trị các ngành kinh tế của huyện. Với một huyện có giá trị sản xuất ngành công nghiệp chiếm gần 70% tổng giá trị các ngành sản xuất mà thủy sản chiếm tới 20,7% thì đây là con số không nhỏ.
Phát huy hiệu quả Đề án 52
Huyện Núi Thành có 8/17 xã trong vùng thực hiện Đề án 52, gồm: Tam Hải, Tam Quang, Tam Giang, Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Anh Nam, Tam Anh Bắc, Tam Nghĩa. Dân số của 8 xã này 79.322 người, chiếm hơn 50% dân số cả huyện.
Qua 5 năm thực hiện (2009 – 2014), công tác DS – KHHGĐ tại Núi Thành có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao kiến thức, hành vi về chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân, tạo sự chuyển biến trong kiểm soát dân số vùng biển.
Bà Phan Thị Thanh Dung, Giám đốc Trung tâm DS – KHHGĐ huyện cho biết, thành công của Đề án là giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở một số xã; cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại và số người được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, SKSS cao hơn những năm trước. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, duy trì thường xuyên chế độ giao ban, trực báo, hội nghị từng quý để đánh giá tình hình và triển khai nhiệm vụ. Các thành viên Ban chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và tích cực trong các đợt truyền thông tại cơ sở; Trung tâm làm tốt công tác kiểm tra, giám sát từng nội dung, kế hoạch chuyên ngành, cung cấp đủ cơ số thuốc thiết yếu, hậu cần phương tiện tránh thai cho cơ sở…
Một phụ nữ xã Tam Hải chia sẻ: “Trước đây, người dân vùng biển sinh đẻ cứ nghĩ thuận theo tự nhiên nên đói nghèo vẫn cứ bám riết. Sau này, nhờ mấy chị cộng tác viên trong thôn xóm thông tin nên chúng tôi đã có suy nghĩ khác là sinh đẻ có kế hoạch”.
Giải quyết khó khăn
Bên cạnh những hiệu quả tích cực từ Đề án, thời gian qua, công tác DS – KHHGĐ của huyện vẫn còn nhiều tồn tại, như: việc tư vấn trực tiếp chưa thường xuyên, chưa tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành vi thực hiện chính sách dân số; Cộng tác viên chưa tuyên truyền tư vấn đầy đủ các nội dung Đề án, chỉ tập trung tuyên truyền tư vấn về KHHGĐ. Ngoài ra, còn thiếu quan tâm các nội dung chương trình nâng cao chất lượng dân số, chưa phát hiện và can thiệp sớm dị tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Phụ nữ và trẻ em sinh ra được sàng lọc rất ít, trong 5 năm mới có 52 trẻ em được sàng lọc trước và sơ sinh. Thậm chí có địa phương một năm không thực hiện được ca nào, mất cân bằng giới tính khi sinh còn khá cao.
Tiếp tục thực hiện kiểm soát quy mô và chất lượng dân số các vùng biển đảo, ven biển, năm 2014 – 2015, Đề án 52 thêm 3 xã (Tam Xuân 1, Tam Xuân 2, Tam Hiệp), đưa tổng số xã thụ hưởng Đề án 52 của huyện lên 11/17 xã. Theo đó, mục tiêu cụ thể sẽ tăng lên, như tỷ lệ người làm việc và người dân được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, KHHGĐ đạt 80%. Tỷ lệ trẻ em bị dị dạng dị tật và thiểu năng trí tuệ do rối loạn chuyển hóa và do di truyền, giảm bình quân 5%/năm. Cung cấp đủ, kịp thời, chính xác thông tin, số liệu về DS – KHHGĐ; tổ chức khám thai cho các bà mẹ có nguy cơ cao, như: tiền sử gia đình, bản thân sinh con bị dị tật, dị dạng hoặc nhiễm chất độc da cam, các bà mẹ nghiện rượu, thuốc lá, chất gây nghiện, sống trong môi trường ô nhiễm…
>> Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn, vùng biển đảo, ven biển đợt 1 năm 2014 huyện Núi Thành thu hút 2.225 phụ nữ tham gia; vận động được 4.836 ca áp dụng biện pháp tránh thai an toàn, trong đó: dùng viên tránh thai hơn 1.100 ca, bao cao su 2.495 ca. |