Từ ngày 20/3, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu sẽ bắt đầu chuyến công tác sang EU để làm việc và tháo gỡ các vấn đề liên quan tới việc EU rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam do vi phạm các nguyên tắc IUU.
Tình hình tàu cá vi phạm của Việt Nam đã và đang có những chuyển biến rất tích cực
Trước chuyến đi quan trọng này, ngày 19/3, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với ngài Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam.
Theo đó, Đại sứ Bruno Angelet đã ghi nhận và đánh giá cao các giải pháp, hành động cũng như sự chuyển biến tích cực mà Việt Nam đã và đang triển khai trong việc thực thi các khuyến nghị của EU về IUU (nguyên tắc chống hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý). Đặc biệt là số vụ vi phạm của ngư dân tại vùng biển nước ngoài đã giảm mạnh, công tác giám sát tàu cá được triển khai rất chặt chẽ… Đây là những cơ sở quan trọng để EU có thể xem xét rút “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.
Chuyển biến mau chóng, tích cực!
Tại buổi làm việc với Đại sứ Bruno Angelet, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, sau khi EU rút “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam (từ ngày 23/10/2017), Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ NN-PTNT cùng 29 tỉnh thành ven biển của Việt Nam đã quyết liệt triển khai hàng loạt các giải pháp để thực thi 9 nhóm khuyến nghị của EU liên quan đến IUU. Đến nay, các giải pháp ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp mà phía Việt Nam triển khai đã và đang tạo nên sự chuyển biến hết sức tích cực.
Theo đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã trực tiếp cùng tổ công tác liên Bộ của Chính phủ tiến hành đi kiểm tra, làm việc với 10 tỉnh trọng điểm có tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển các nước. Đồng thời, phái đoàn của Bộ NN-PTNT thời gian qua đã làm việc với gần hết các quốc đảo trong khu vực có liên quan đến tình trạng ngư dân Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp để chia sẻ và tăng cường mối hợp tác trong quản lý nghề cá, qua đó đã được các quốc đảo trong khu vực đánh giá cao.
Đến thời điểm này, chỉ còn 2 quốc đảo có liên quan đến vấn đề tàu cá của ngư dân Việt Nam vi phạm trong đánh bắt chưa được làm việc. Ngay trong tháng 3/2018, Bộ NN-PTNT sẽ có các đoàn công tác tới 2 quốc đảo này để làm việc, giải quyết 100% các vấn đề xử lí tàu cá Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp với tất cả các quốc gia và quốc đảo liên quan. Nhờ đó đến thời điểm này, về cơ bản đã không còn ngư dân vi phạm trong đánh bắt tại các quốc đảo lân cận.
Đối với khu vực Biển Đông và khu vực vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam – Thái Lan và Indonesia, hiện các bên vẫn đang tích cực đàm phán trao đổi để phân định và giải quyết triệt để. Tuy nhiên về tình hình chung, từ tháng 2/2018 đến nay, những địa phương trọng điểm về đánh bắt ở các vùng chồng lấn (như tỉnh Quảng Ngãi) đã không còn tàu cá bị nước ngoài bắt giữ xử lí.
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đánh giá: Tình hình vi phạm của ngư dân đến nay đã được cải thiện rất nhanh chóng một cách bất ngờ, trong đó quan trọng nhất là bản thân ngư dân đã tự nhận thức được việc vi phạm và không tái diễn. Hơn 4 tháng qua (kể từ sau khi EU bị EU rút “thẻ vàng”), duy nhất chỉ có 1 tàu vi phạm tại một quốc đảo, cùng 11 tàu vi phạm vùng biển các nước trong khu vực như Thái Lan, Campuchia, Indonesia. Tuy nhiên trong 11 vụ vi phạm này, có 8 vụ là bị các lực lượng chấp pháp của các nước bắt ngay trên vùng biển chồng lấn giữa 3 nước Việt Nam – Thái Lan – Campuchia và Việt Nam – Indonesia.
Sẵn sàng về cơ sở pháp lý
Sự chuyển biến trong thực thi IUU là cơ sở quan trọng để EU rút “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam
Cùng với việc quản lí, ngăn chặn việc ngư dân vi phạm vùng biển các nước, công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển đã và đang được Bộ NN-PTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy sản rốt ráo triển khai theo khuyến nghị của EU. Hiện công tác quản lí đối với toàn bộ tàu cá có chiều dài trên 15m theo quy định quốc tế đang được Tổng cục Thủy sản khẩn trương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Đối với hơn 3.000 thiết bị giám sát tàu cá thuộc dự án Movimar do Pháp tài trợ, hiện đang được gấp rút khắc phục phần mềm, sửa chữa các thiết bị truyền tải. Theo đó đã có hàng nghìn tàu cá được giám sát hoạt động.
Ngay đầu tháng 3/2018, Bộ NN-PTNT đã ký tờ trình với Chính phủ cho phép nâng cấp 29 trạm bờ để giám sát hoạt động tàu cá tại 28 tỉnh, đồng thời đề xuất xây dựng thêm mới 21 trạm bờ khác để đảm bảo giám sát hoạt động đối với trên 21 nghìn tàu cá của cả nước có chiều dài trên 15m có thể tự động tự động báo thông tin về Tổng cục Thủy sản. Khi đi vào hoạt động, Tổng cục Thủy sản có thể giám sát được toàn bộ tàu cá hoạt động xa bờ kịp thời ngăn chặn các hành vi đánh bắt bất hợp pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài.
Về triển khai Luật Thủy sản, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các Bộ ngành đang khẩn trương xây dựng 2 nghị định, một quy định và 9 thông tư hướng dẫn Luật Thủy sản. Theo đó, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản sẽ hoàn thành trước 30/8/2018.
Trong thời gian qua, Tổng cục Thủy sản cũng đã trình Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 50/2015/TT-BNNPTNT về thủ tục chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác. Theo đó, việc cấp xác nhận cho sản phẩm thủy sản đánh bắt đã được giao cho BQL các cảng cá để đảm bảo tính chính xác và có thể truy xuất được nguồn gốc (thay vì giao cho Chi cục Thủy sản như trước đây). Điều này đã tạo thuận lợi cho các DN trong việc truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt cũng như kê khai sản phẩm khi XK đảm bảo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Về cấp giấy phép khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản đang triển khai theo Luật Thủy sản là cấp giấy phép theo hạn ngạch khai thác, dựa trên tổng trữ lượng nguồn lợi thủy hải sản của từng vùng biển…
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, mặc dù tới năm 2019, Luật Thủy sản mới có hiệu lực, tuy nhiên tất cả các giải pháp chỉ đạo cũng như các văn bản pháp luật trong việc thực thi IUU mà Việt Nam đã và đang triển khai thời gian qua đã có đầy đủ cơ sở pháp lý nhằm kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ theo các khuyến nghị của EU về IUU. Bản thân Chỉ thị 45/CT-TTg 2017 (Chỉ thị 45) của Chính phủ về khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp (IUU) cũng đã có những yêu cầu hết sức chặt chẽ như: Cấm khai thác, đánh bắt các loại hải sản mà chỉ có đánh bắt bất hợp pháp mới có. Theo đó sẽ phạt nặng, thậm chí rút giấy phép hoạt động đối với các tàu cá vi phạm. Chỉ thị 45 cũng đã yêu cầu tàu cá 15 m trở lên phải bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình.