(TSVN) – Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá, du lịch xanh, du lịch bền vững sẽ là con đường phát triển xuyên suốt trong nhiều năm nữa trên thế giới. Trong đó, các mô hình, hoạt động du lịch biển cần gắn với bảo tồn thiên nhiên, môi trường sinh thái; phát triển bền vững song song với các ngành kinh tế biển như nuôi trồng thủy sản (NTTS), xây dựng chuỗi giá trị trong nền kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là hướng đi được một số tỉnh, thành ven biển của Việt Nam triển khai rất có hiệu quả, tạo thêm sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
Các chuyên gia kinh tế học, chuyên gia thủy sản trên thế giới đều nhận định, nuôi thủy sản xa bờ (nuôi biển xa bờ) là xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới. Tại Việt Nam, xu hướng nuôi biển tiến xa bờ cũng là giải pháp hiệu quả cho bảo tồn nguồn lợi biển, giảm thiểu các ảnh hưởng xấu cho môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ.
Theo đó, để phát triển bền vững nghề nuôi biển, Tổng cục Thủy sản đề xuất cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển NTTS trên biển. Cùng với đó, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu cho các vùng nuôi tập trung, vùng sản xuất giống nuôi biển tiềm năng. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các quy định hiện hành; tổ chức lại sản xuất theo hướng áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới từ khâu con giống cho đến đầu ra của sản phẩm.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, các nhà khoa học cần nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong sản xuất giống hải sản cho người nuôi biển, đặc biệt là sản xuất giống đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Quảng Nam kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương cần sớm bổ sung, điều chỉnh những quy định liên quan đến nuôi biển để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.
Du khách tham quan du lịch trải nghiệm ở khu nhà bè NTTS tại Quảng Ninh. Ảnh: ST
Là đơn vị nghiên cứu, sản xuất nhiều loại giống hải sản chất lượng để phục vụ nuôi biển, đại diện Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Nam Mỹ cho biết, doanh nghiệp rất muốn đầu tư nuôi hải sản ở các vùng biển Quảng Nam. Theo đó, mong muốn UBND tỉnh quy hoạch các vùng nuôi biển, có cơ chế khuyến khích, chính sách hỗ trợ để tiếp cận, triển khai đầu tư hạ tầng. Bởi, nếu có nhiều doanh nghiệp đầu tư sẽ tạo “làn sóng” mới cho nghề nuôi biển Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung, dần xóa bỏ cách đầu tư manh mún. Đặc biệt, doanh nghiệp liên kết với đối tác chế biến hải sản, chế biến thức ăn công nghiệp nuôi biển, tiến tới chủ động hoàn toàn từ con giống, thức ăn, quy trình kỹ thuật, công nghệ nuôi biển.
Đây là một trong những giải pháp mà tỉnh Quảng Ninh đang triển khai, nhăm giúp phát huy tiềm năng thế mạnh về nuôi biển, cùng đó tạo đà cho ngành du lịch phát triển, vừa tạo công ăn việc làm để tăng thu nhập, đồng thời tạo nguồn thu nhập nguồn chính đáng cho người dân, những người mà đã gắn bó rất lâu đời với biển.
Trang trại nuôi biển và trải nghiệm của HTX Phất Cờ. Ảnh: ST
Ngoài cảnh quan tự nhiên, đảo Phất Cờ nằm trên vịnh Bái Tử Long còn được biết đến là mô hình tiên phong ứng dụng công nghệ tiên tiến trong nuôi biển một số loài thủy, hải sản kết hợp làm du lịch mà điển hình là cách làm của HTX Phất Cờ. Theo đó, HTX Phất Cờ đã kết hợp với Tập đoàn nhựa Super Trường Phát nhằm đầu tư, xây dựng mô hình trang trại nuôi biển kết hợp với du lịch cùng các xã viên. Trang trại nổi được xây dựng trên diện tích 5 ha gồm nhiều phân khu: Nhà điều hành kết hợp đón khách 240 m2 với sức chứa trên 60 người; lồng phục vụ khách tham quan bơi, tắm biển; bè check-in với diện tích 16 m2. Để tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích sản xuất, HTX Phất Cờ đã thử nghiệm thành công việc nuôi xen canh giữa hàu Thái Bình Dương và rong sụn. Một mặt phá thế độc canh của con hàu, giảm sức tải của môi trường do nuôi một đối tượng hàu ở mật độ cao dễ phát sinh dịch bệnh và thiếu thức ăn. Mặt khác, tạo ra một ngành hàng mới có giá trị là rong sụn. Đây là phần diện tích thử nghiệm nuôi các loài thủy sản mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đồng thời cũng là nơi xây dựng mô hình trình diễn các loại vật liệu nổi kết hợp với du lịch trải nghiệm. Đến tham quan, du khách được trao đổi kinh nghiệm thiết kế, vận hành, quản lý mô hình nuôi. Đặc biệt, có thể được trải nghiệm câu cá trên bè và thưởng thức những sản phẩm do tự tay mình khai thác, chế biến…
Được triển khai từ năm 2016, đến nay mô hình NTTS thân thiện môi trường gắn với du lịch trải nghiệm đã có 7/32 nhà bè được lắp đặt hoàn thiện và đi vào hoạt động tại Vung Viêng, Vịnh Hạ Long thu hút hàng trăm lượt khách du lịch tham quan mỗi ngày. Khác với các nhà bè truyền thống của ngư dân làng chài trước đây, tất cả các nhà bè trong dự án đều được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và đảm bảo tính thống nhất, thẩm mỹ cao cho hoạt động du lịch. Ông Tăng Văn Phiến, Chủ tịch HTX dịch vụ du lịch Vạn Chài cho biết: “Việc triển khai mô hình này là giải pháp thiết thực để nâng cao thu nhập cho người dân làng chài, gia tăng sức hút về du lịch, góp phần ổn định và hỗ trợ công ăn việc làm cho người dân làng chài sau tái định cư cũng như hỗ trợ cải thiện quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên vịnh Hạ Long”. Du khách đến tham quan làng chài sẽ được rong thuyền nan vào thăm khu NTTS, được cùng ngư dân chăm cá, thả mồi và thưởng thức không gian thanh bình tuyệt vời của làng chài độc đáo này. Vào tháng cao điểm mùa du lịch từ tháng 8 đến tháng 4 hàng năm, làng Vung Viêng đón khoảng 18.000 lượt khách/tháng. Thậm chí có ngày cao điểm đón trên 1.000 lượt khách/ngày, ông Phiến cho biết thêm.
Diệu An