Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau khi Nhà máy thủy điện Bá Thước 2 đi vào vận hành, hơn 400 hộ dân huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) đã tận dụng mặt nước phát triển nghề nuôi cá lồng.

Sau khi Nhà máy thủy điện Bá Thước 2 đi vào vận hành, hơn 400 hộ dân huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) đã tận dụng mặt nước phát triển nghề nuôi cá lồng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo

Từ vài chục lồng, bè nuôi cá nhỏ lẻ, sau gần 2 năm phát triển đến nay 5 xã ven lòng hồ thủy điện gồm Tân Lập, Lương Ngoại, Ái Thượng và Lâm Sa, Ban Công đã nhân rộng mô hình nuôi cá lồng (chủ yếu cá trắm) lên gần 500 lồng nuôi. Xã có số hộ nuôi nhiều nhất là Ái Thượng (trên 200 lồng).

Nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện 

Nuôi cá lồng mang lại thu nhập cao cho nông dân miền núi Bá Thước

Nếu như trước đây bà con đóng lồng nuôi theo cách truyền thống bằng tre, luồng, thì nay nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá bằng lưới quây đã giảm được chi phí đầu tư và đem lại hiệu quả cao hơn. Từ đó nhiều hộ đã áp dụng phương pháp nuôi mới này, có hộ nuôi đến 4 – 5 lồng.

Ông Trương Công Suất, làng Côn, xã Ái Thượng cho biết, gia đình ông đầu tư đóng 5 lồng bè, thả từ 300 – 400 con cá. Mỗi năm ông nuôi 1 lứa, sau khi thu hoạch bán với giá cá 90.000 đ/kg, tổng lợi nhuận bình quân đạt 6 triệu đồng/lồng.

“Tôi thấy nuôi cá lồng được nhiều tiền hơn nuôi các vật nuôi khác nên đã hướng dẫn cho các hộ khác trong làng cùng nuôi theo. Đến nay bình quân mỗi hộ ít nhất có một lồng cá rồi”, ông Suất nói.

Nghề nuôi cá lồng ở Bá Thước đã có từ lâu, tuy nhiên, việc nuôi còn nhỏ lẻ mang tính truyền thống, chưa áp dụng kỹ thuật chăn nuôi nên hiệu quả chưa cao. Xác định đây là một lợi thế, huyện Bá Thước đã ban hành một số cơ chế chính sách hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo các xã ven khu vực lòng hồ thủy điện khôi phục nghề nuôi cá lồng, tạo thêm việc làm cho người dân, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Ông Lê Trung Lương, Phó trưởng phòng NN&PTNT Bá Thước nói: “Sau khi nhà máy thủy điện Bá Thước 2 đi vào hoạt động, mặt nước dâng đến cao trình 41m, rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản ven lòng hồ. Chúng tôi đã có chủ trương xin quản lý mặt nước lòng hồ để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi cá lồng.

Trước mắt, tiếp tục quy hoạch vùng nuôi, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ một số chính sách thực hiện mô hình trình diễn cho bà con. Sau khi mô hình thành công sẽ nhân rộng ra một số xã khu vực lòng hồ thủy điện Bá Thước 1”.

Cũng theo ông Lương, đối với một huyện thuộc chương trình 30a như Bá Thước thì việc hình thành, phát triển một ngành nghề vừa tận dụng được tài nguyên đất đai, nguồn nước, vừa giải quyết bài toán việc làm, thu nhập cho hàng trăm hộ dân là một thành công lớn. Mong rằng mô hình này sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, huyện để nhân rộng trên địa bàn huyện Bá Thước nói riêng, các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Thanh Nga - Văn An

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!