Nghề nuôi sò huyết dưới kênh xuất hiện ở Bạc Liêu cách đây hơn 20 năm. Nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ cách nuôi này. Triệu phú, tỷ phú sò huyết xuất hiện ngày càng nhiều ở các xã ven biển thuộc huyện Hòa Bình, TP. Bạc Liêu và huyện Đông Hải.
Điển hình trong phong trào nuôi sò huyết dưới kênh đầu tiên trong tỉnh phải kể đến nông dân xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình). Toàn xã có 24 hộ dân nuôi sò huyết dưới kênh với chiều dài hơn 11km. Hộ anh Nguyễn Văn Dũng, (ấp 12, xã Vĩnh Hậu) đã đầu tư gần 300 triệu đồng nuôi sò huyết dưới kênh với chiều dài 850m. Sau hơn 3 tháng nuôi, gia đình anh Dũng đã thu hoạch và bán sò giống (giá 50.000 đồng/kg) thu lãi 200 triệu đồng. Anh Dũng cho biết: “Năm nào tôi cũng nuôi sò huyết để bán giống. Số còn lại tiếp tục nuôi để bán thương phẩm”.
Theo kinh nghiệm của anh Dũng, với đoạn kênh dài 100m thì thả khoảng 800 ngàn con giống. Giá sò huyết giống hiện nay loại 10.000 con/kg giá 250.000 đồng/kg, lúc khan hiếm lên đến 350.000 đồng/kg; sò huyết loại 1.000 con/kg giá 50.000 đồng/kg. Tỷ lệ hao hụt khoảng 40% đối với sò huyết loại 10.000 con/kg. Sò giống càng lớn tỷ lệ hao hụt càng thấp. Thời gian nuôi sò huyết từ 10 – 12 tháng mới thu hoạch và phải thả nuôi dứt điểm trước tháng 7 âm lịch. Vì cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 âm lịch thường có “nước ép” (nước ngọt về), nếu thả sò giống lúc này tỷ lệ hao hụt rất lớn. Giá sò huyết thịt hiện nay dao động từ 25.000 – 40.000 đồng/kg. Chi phí đầu tư nuôi sò huyết dưới kênh với chiều dài 100m khoảng 40 triệu đồng. Sau khi thu hoạch từ 2,5 – 3 tấn sò huyết, lãi từ 35 – 50 triệu đồng.
Nhiều hộ dân nuôi sò huyết trên tuyến kênh 12 – Ảnh: M.Đ
Không chỉ nuôi sò huyết dưới kênh, gần đây, nhiều hộ dân nuôi tôm thất bại ở xã Vĩnh Hậu A và huyện Đông Hải chuyển sang nuôi sò huyết trong ao nuôi tôm. Nhiều người nuôi sò huyết cho rằng, tỷ lệ rủi ro khi nuôi sò huyết không cao so với nuôi tôm. Mặt khác, vốn đầu tư chỉ một lần và chi phí đầu tư cũng ít hơn so với nuôi tôm. Đơn cử như hộ bà Châu Thị Sáng (ấp 12, xã Vĩnh Hậu A) với hơn 10 ha đất trước đây nuôi tôm, nay đã chuyển sang nuôi sò huyết. Bà Sáng đã đầu tư 60 triệu đồng vào nuôi sò huyết, hiện sò huyết nuôi được gần 3 tháng, lớn rất nhanh. Theo bà Sáng: “Sò huyết nuôi trong ao nuôi tôm và tỷ lệ hao hụt thấp hơn so với nuôi trong kênh”.
Cái khó lớn nhất của nghề nuôi sò huyết hiện nay là phụ thuộc gần như hoàn toàn vào con giống tự nhiên. Hiện Viện Nuôi trồng thủy sản II (thuộc Bộ NN&PTNT) chỉ mới cho sinh sản sò huyết thành công trên thí nghiệm, chưa thể sản xuất đại trà. Sò huyết giống được người nuôi ưa chuộng nhất là giống ở địa phương. Một số hộ nuôi sò huyết lâu năm cho biết, trước đây vùng biển Bạc Liêu có rất nhiều bãi sò huyết giống, nhưng gần đây, con giống rất khan hiếm. Song, năm nay, số lượng sò huyết giống nhiều hơn mọi năm. Từ đó, nhiều người dân ở xã Vĩnh Hậu A đã đưa sò huyết vào nuôi trong ao tôm.
Vấn đề bồi lắng kênh thủy lợi vùng Nam Quốc lộ 1A luôn là bài toán nan giải của tỉnh. Nhưng theo những người nuôi sò huyết trên kênh 12 (ấp 12, xã Vĩnh Hậu A), con kênh này được bà con sử dụng nuôi sò huyết rất lâu (hơn 10 năm nay). Đến nay, con kênh này không cần sên vét nhưng không bị bồi lắng, lòng kênh ngày càng sâu.
Anh Trần Minh Trung, Phó Chủ tịch xã Vĩnh Hậu A, nhận định: “Lòng các con kênh trong xã có nuôi sò huyết rất sâu, nhiều năm không cần sên vét. Phải chăng, nuôi sò huyết trong kênh là một giải pháp tốt để tháo gỡ vấn đề bồi lắng kênh thủy lợi vùng Nam Quốc lộ 1A?”. Vấn đề này xin đặt ra để ngành chức năng và các chuyên gia nghiên cứu.