Nuôi thủy đặc sản tại Tiền Giang

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề nuôi các đối tượng thủy đặc sản như ba ba, cua đinh, cá sấu, lươn, ếch… đang phát triển mạnh và đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ nuôi tại Tiền Giang.

Lãi khá

Ông Nguyễn Văn Hừng, ấp 5, xã Trung An, TP Mỹ Tho cho biết, bắt đầu từ năm 2002, ông đã bắt đầu nuôi thử nghiệm nuôi vài con ba ba trong một cái ao nhỏ sẵn có của gia đình. Sau đó thấy ba ba dễ nuôi, lớn nhanh, cho hiệu quả kinh tế khá cao nên ông tiếp mở rộng và duy trì sản xuất. Hiện tại, ông Hừng có 1 ao nuôi ba ba với diện tích mặt nước khoảng 800 m2 thả 5.000 con ba ba giống mua từ Trại giống Hai Dân (Cần Thơ) với mật độ thả nuôi bình quân khoảng 7 con/m2. Thời gian từ khi thả nuôi đến thu hoạch ba ba khoảng 24 tháng với tỷ lệ sống khoảng 70%, thức ăn chủ yếu là cá biển mua tại cảng cá Mỹ Tho. Vụ nuôi ba ba vừa rồi, ông thu hoạch được 3,5 tấn ba ba thịt, bán với giá 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất còn lãi 80 triệu đồng.

Tại ấp 2, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, ông Phan Văn Có, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ếch xã Đạo Thạnh được coi là nông dân tiên phong và thành công với mô hình sinh sản nhân tạo, ương và nuôi ếch Thái Lan ở địa phương này.

Theo chia sẻ của ông Có, thời điểm này trại ếch của ông có 650 m2 bể dùng để cho sinh sản nhân tạo, ương dưỡng ếch giống và 100 m2 bể nuôi ếch thịt. Hàng năm, ông cho khoảng 300 cặp ếch bố mẹ đẻ 3 vụ (mỗi vụ khoảng 45 ngày) được hơn 120.000 con ếch giống với giá bán từ 1.000 – 1.500 đồng/con, tính ra bình quân lợi nhuận thu được từ ếch giống hơn 70 triệu đồng/năm.

Hiệu quả nhất phải nói đến mô hình nuôi cá sấu của bà Nguyễn Thị Hết, ấp Tân Quới, xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước. Bà Hết cho biết gia đình bà nuôi cá sấu tính đến nay đã hơn 10 năm. Hiện nay gia đình bà có ao nuôi cá sấu gần 300 m2 thả 900 con, thức ăn cho cá hàng ngày chủ yếu là cá biển. Vụ vừa rồi, bà thu hoạch được 13 tấn cá sấu, tỷ lệ sống đạt 87% sau 660 ngày thả nuôi. Với giá bán cá sấu hơi (cân nguyên con) là 180.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất vụ cá sấu này còn lãi trên 500 triệu đồng.

 

Cần hỗ trợ phát triển

Theo Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang, từ chỉ vài hộ đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 210 hộ sản xuất giống và ương nuôi các đối tượng thủy đặc sản như ếch, lươn, cá sấu, ba ba, rắn, trăn, cua đinh, cá lóc… trên diện tích hơn 8,2 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, TP Mỹ Tho và một số hộ ở Chợ Gạo, Gò Công Đông.

Về hiệu quả nuôi, kết quả khảo sát cho thấy, các hộ nuôi lâu năm, có kinh nghiệm và kỹ thuật mới có hiệu quả sản xuất cao. Tuy nhiên, đối các hộ mới, không có kỹ thuật thì hiệu quả mang lại không nhiều, thậm chí thua lỗ. Ngoài ra, những bất cập vốn có đối với sản xuất quy mô nhỏ cũng làm cho nghề nuôi thủy đặc sản gặp khó khăn hơn.

Ông Phan Hữu Hội – Phó Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang cho rằng, giải pháp quan trọng trước mắt là cơ quan chức năng cần tăng cường tập huấn kỹ thuật nuôi, phòng trị bệnh cho người nuôi thủy đặc sản trên địa bàn tỉnh nhằm giúp bà con giảm giá thành sản xuất, tăng tỷ lệ sống trong quá trình nuôi.

Về lâu dài, nhà nước cần có quy hoạch, định hướng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ trong tỉnh, cũng như cả nước; bởi các đối tượng nuôi thủy đặc sản chủ yếu tiêu thụ dưới dạng tươi sống ở thị trường nội địa, một khi nghề nuôi thủy đặc sản phát triển mạnh, sản lượng tăng nhanh vượt qua nhu cầu tiêu thụ của thị trường sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá cả giảm thấp, người nuôi thua lỗ. Đồng thời có chính sách hỗ trợ vay vốn thông thoáng để người dân đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, mở rộng sản xuất…

>> Toàn tỉnh Tiền Giang có 207 hộ sản xuất giống và ương nuôi các đối tượng thủy đặc sản trên diện tích 8,2 ha với sản lượng thịt cung cấp cho thị trường 300 – 400 tấn.

Quang Trí

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!