Dịch bệnh và môi trường nước bị ô nhiễm khiến người nuôi tôm ở Quảng Ngãi gặp nhiều khó khăn. Một trong những giải pháp giúp người dân khắc phục tình trạng này được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Ngãi áp dụng đó là nuôi tôm kết hợp với cá dìa.
Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Ngãi đang thực hiện hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản xây dựng mô hình nuôi tôm sử dụng nước từ ao chứa có thả nuôi cá rô phi. Mô hình này đã thành công ở những vùng nuôi tôm bị dịch bệnh của ĐBSCL và một số tỉnh thành khác. Đây là mô hình mới chưa được triển khai tại Quảng Ngãi. Tuy nhiên, những mô hình tương tự đã được người nuôi tôm ở Quảng Ngãi áp dụng khá thành công như: Nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình VietGAP; nuôi TTCT hai giai đoạn (ương nuôi tôm giống trong nhà kín lên cỡ 2 – 3 cm rồi mới thả ra ao nuôi thương phẩm)…
Riêng đối với nuôi tôm vùng triều, trong 3 năm qua, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Ngãi đã triển khai khá thành công mô hình nuôi tôm sú kết hợp với nuôi cá dìa. Trong năm 2014, ông Phạm Đức và Phạm Vỹ ở thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa, T.P Quảng Ngãi được Trung tâm hướng dẫn, hỗ trợ nuôi tôm sú kết hợp với cá dìa. Sau 4 tháng thả nuôi, chỉ với diện tích ao nuôi 2.500 m2, ông Vỹ thu về gần 4 tạ tôm, 2 tạ cá dìa. Vì vậy, bước vào vụ tôm năm 2015, ông Vỹ tiếp tục tu sửa và mở rộng hồ để thả nuôi vụ mới. Ông Vỹ cho biết: “Tôm sú năm qua có giá 350 nghìn/kg, còn cá dìa cứ 2 – 3 con là đủ 1 kg và được bán ra với giá 100 nghìn/kg. Cùng một diện tích mà nuôi kết hợp được hai loại, giá trị kinh tế lại cao, nên sẽ tiếp tục nuôi trong năm nay”.
Anh Mai Văn Lộc ở thôn Tân Đức, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho biết, nhờ mô hình nuôi tôm sú kết hợp nuôi cá dìa hiệu quả, cộng với ý thức giữ gìn nguồn nước tránh bị ô nhiễm (không xả trực tiếp hồ tôm bị bệnh ra ngoài môi trường) của người dân ngày càng tốt nên hai năm nay tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi đã giảm, người nuôi tôm đã quay lại với con tôm sau một thời gian treo hồ. Năm vừa rồi, hơn 50 hồ nuôi tôm sú thì chỉ có 7 – 8 hồ tôm bị bệnh. Năm nay bà con đã tăng diện tích thả nuôi lên 100 hồ. Mô hình cũng đang được nhân rộng ở các xã Tịnh Hòa, Tịnh Khê (thành phố Quảng Ngãi). Người dân đang tất bật cải tạo hồ ao, hỏi thăm kinh nghiệm nuôi trồng để làm theo.
Với đặc tính ăn tạp, cá dìa ăn hết các rong tảo cùng thức ăn thừa của tôm giúp môi trường nuôi luôn sạch. Nhờ đó, tình trạng dịch bệnh ở tôm được giảm thiểu. Quan trọng hơn cả là khi nuôi ghép với tôm sú, tôm sống ở tầng mặt, còn cá dìa sống ở tầng đáy nên tôm sú vẫn phát triển tốt. Vừa mang lại hiệu quả kinh tế khi chỉ với một diện tích mà người nuôi tôm có thể nuôi kết hợp hai loại thủy sản, hơn nữa cá dìa lại có thể giúp người nuôi tôm tiết kiệm chi phí vệ sinh hồ. Vì vậy, việc nuôi cá dìa kết hợp tôm sú đang là hướng đi mới cho người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.