Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM cùng Đại học Arizona (Mỹ) vừa tổ chức Hội thảo công bố nguyên nhân gây Hội chứng tôm chết sớm (EMS) hay còn gọi là Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPNS). Vấn đề mới đáng chú ý hàng đầu ở đây là thông tin phương pháp nuôi tôm kết hợp với cá rô phi có thể giảm tỷ lệ tôm chết sớm.
Đề xuất mô hình nuôi kết hợp
Tại Hội thảo, nguyên nhân gây ra EMS được các nhà khoa học khẳng định là do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus bị nhiễm virus được gọi là thể thực khuẩn (phage) lây lan qua đường miệng vào đường tiêu hóa, sau đó sinh ra độc tố gây tổn thương gan tụy của tôm.
Theo ông Trần Hữu Lộc, Trưởng nhóm nghiên cứu bệnh EMS, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Arizona, nhóm của ông bước đầu cũng đã tìm ra được phương pháp để giảm tỷ lệ tôm chết sớm đó là nuôi kết hợp tôm với cá rô phi. Tuy nhiên, trên thực tế phương pháp nuôi này chưa mang lại hiệu quả cao do tôm bị cá rô phi ăn thịt làm hao hụt một phần, cộng với việc cá rô phi cạnh tranh thức ăn với con tôm. Ông Lộc cho biết, đang tìm cách khắc phục những hạn chế và phương pháp này sẽ được công bố sau khi hoàn thành giai đoạn thử nghiệm.
Về vấn đề này, ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Minh Phú cho biết, hiện doanh nghiệp này đang thả nuôi khoảng 100 ha tôm theo phương pháp nuôi tôm kết hợp với cá rô phi. Bước đầu cho thấy tỷ lệ tôm chết ít hơn so với trước đây và doanh nghiệp đã khắc phục được một phần hiện tượng cá rô phi ăn tôm cũng như cạnh tranh thức ăn với tôm nuôi chung ao.
Trước đó, tại Hội thảo kỹ thuật nuôi tôm được tổ chức tại Sóc Trăng khi Hội chứng EMS đang hoành hành dữ dội tại ĐBSCL và các nhà khoa học chưa tìm ra được nguyên nhân, GS Kevin Michael Fitzsimmon, Giám đốc cơ quan hợp tác nông nghiệp quốc tế, ĐH Arizona (Mỹ) cũng đã khuyến cáo nông dân nuôi tôm vùng dịch bệnh nên áp dụng mô hình nuôi ghép, nuôi kết hợp tôm với nhiều đối tượng thủy sản khác để khôi phục nghề nuôi tôm.
Nuôi tôm kết hợp với cá rô phi là giải pháp hữu hiệu để cứu nghề nuôi tôm vùng dịch bệnh
Thành công tại nhiều quốc gia
Theo Giáo sư Kevin Michael Fitzsimmon, hiệu quả của giải pháp nuôi ghép, nuôi kết hợp đã được chứng minh ở các vùng nuôi tôm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Đông Nam Á, các nước như Indonesia đã áp dụng mô hình tôm – cá rô phi, Thái Lan đã áp dụng mô hình tôm – cá măng và cua lột, Philippines đã áp dụng mô hình nuôi tôm kết hợp cá rô phi giúp giảm thiểu mầm bệnh và nhờ đó mà khôi phục lại nghề nuôi tôm.
Tuy nhiên, một số cán bộ địa phương còn lo ngại về hiệu quả của mô hình nuôi kết hợp vì cho rằng năng suất nuôi không cao và chi phí đầu tư thức ăn sẽ tăng, từ đó dẫn đến kém hiệu quả nuôi. Giáo sư Kevin Michael Fitzsimmon cho biết, mô hình này không chỉ giúp giảm mầm bệnh trong môi trường ao nuôi mà năng suất các sản phẩm tạo ra từ mô hình rất ấn tượng. Cụ thể, mô hình thử nghiệm (trong điều kiện hoàn hảo) nuôi tôm thẻ chân trắng từ nguồn nước ao nuôi cá rô phi tại Thái Lan cho năng suất tôm nuôi lên đến 20 tấn/ha và cá rô phi đến 60 tấn/ha.
Trong giải pháp kỹ thuật nuôi ghép hay nuôi kết hợp, người nuôi có thể sử dụng nhiều đối tượng nuôi khác nhau nhưng có tác dụng hỗ trợ nhau như: tôm, cá, cua, tảo biển… để đưa vào mô hình nuôi. Hiện nay, trên thế giới đang áp dụng nhiều cách nuôi ghép, nuôi kết hợp như: nuôi cá trong ao lắng, nuôi cá lồng trong ao tôm, nuôi cá thả chung với tôm trong ao, hoặc mô hình kết hợp dùng nước nuôi cá rô phi để nuôi tôm, rồi lấy nước nuôi tôm để trồng rong biển. Tại Việt Nam, một số bà con nuôi tôm cũng đã dùng cá rô phi để xử lý nước trong ao lắng cung cấp nước cho ao tôm mang lại hiệu quả cao.
Đáng chú ý trong thời gian qua, mô hình nuôi ghép hay nuôi kết hợp cá rô phi với tôm đang trở nên phổ biến vì những hiệu quả thiết thực mà loài cá này mang lại cho tôm nuôi. Cá rô phi có tập tính đảo trộn các tầng nước trong ao, giúp đáy ao và nguồn nước ao nuôi tốt hơn. Cá rô phi cũng ăn mùn bã hữu cơ trong ao, từ đó giúp giảm lượng chất thải trong ao nuôi, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại, kích thích sự phát triển các loại tảo có lợi. Ngoài ra, cá rô phi còn có tác dụng tiêu diệt một số vật chủ trung gian mang mầm bệnh và ăn cả xác tôm chết, từ đó giúp hạn chế sự lây lan mầm bệnh trong ao nuôi.
>> EMS xuất hiện lần đầu vào năm 2009 tại nam Trung Quốc. Đến nay, EMS đã lan đến Malaysia, Thái Lan, Việt Nam…, gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm. Ở Việt Nam, ban đầu EMS chỉ xuất hiện đồng bằng sông Cửu Long nhưng đến năm 2012 đã lây lan ra cả nước, khiến nhiều ao nuôi có tỷ lệ tôm chết lên đến 70%, thậm chí có nơi trên 90% tôm bị chết sau 30 ngày thả nuôi. |