Nuôi tôm theo hướng thâm canh, nhất là nuôi thâm canh tại vùng trung triều, đang trở thành lựa chọn của nhiều người nuôi ở tỉnh Hà Tĩnh. Đây là xu hướng tất yếu nhằm hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả kinh tế.
Tận dụng tiềm năng
Huyện Thạch Hà có diện tích mặt nước thuận lợi để phát triển nghề nuôi tôm mặn lợ. Tuy nhiên, tại các vùng trung triều, những năm qua chưa phát huy được hiệu quả, do người nuôi chưa mạnh dạn đầu tư và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dẫn đến năng suất thấp, rủi ro nhiều.
Từ những chủ trương chính sách của UBND tỉnh và các chương trình khuyến nông, UBND huyện Thạch Hà đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích người dân chuyển dần từ hình thức nuôi truyền thống sang nuôi thâm canh hiệu quả hơn. Năm 2013, toàn huyện có 300 ha nuôi mặn lợ; trong đó, nuôi tôm 200 ha, sản lượng 500 tấn. Riêng nuôi tôm thâm canh, có 10 ha, năng suất 8 – 10 tấn/ha/vụ, tăng số vụ nuôi trong năm lên 2 vụ, lợi nhuận đạt 300 – 500 triệu đồng/vụ. Chính vì vậy, đầu năm 2014, phần lớn diện tích nuôi tôm tại các vùng trung triều đã được chuyển sang nuôi tôm thâm canh; tính đến nay có trên 55 ha nuôi tôm thâm canh (tăng 45 ha so năm 2013). Với kế hoạch giống thả hơn 50 triệu con trong vụ xuân – hè, năng suất ước đạt hơn 450 tấn.
Điển hình mới
Một trong những đơn vị đã tiên phong và thực hiện có hiệu quả cách làm này là HTX Nuôi trồng thủy sản Diêm Hải. Tại vùng nuôi tôm trước đây thuộc Dự án Suma xã Thạch Bàn với 35 ha, gồm 105 ao nuôi, nhưng do người dân địa phương không có điều kiện đầu tư nên chưa phát huy được hiệu quả; năm 2013, HTX nhận thuê lại 18 ha và chủ yếu nuôi cua cá, trong đó 1 ha ao nuôi tôm. Hiệu quả khá cao, trong vụ nuôi tôm xuân – hè, sau gần 3 tháng thả nuôi, tôm đạt năng suất 8 tấn, lợi nhuận 400 triệu đồng; trong vụ đông, thả nuôi 36 vạn con giống, sau gần 5 tháng cho thu hoạch, năng suất đạt 5 tấn, lợi nhuận gần 300 triệu đồng.
Được mùa tôm tại HTX nuôi trồng thủy sản Diêm Hải – Thạch Hà
Anh Nguyễn Phi Thắng, Chủ nhiệm HTX Diêm Hải cho biết: Thời gian đầu, để đầu tư nuôi tôm cũng rất lo, vì trước đây tại vùng này nuôi tôm hầu như chỉ bại; nhưng khi tìm hiểu và kiểm tra thấy chất đất, chất nước đảm bảo, có thể đầu tư nuôi tôm, nên đã bàn với gia đình mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng ao nuôi tôm thâm canh, và đã thành công trong hai vụ nuôi vừa qua. Nuôi tôm không chỉ tạo thêm việc làm thường xuyên mà còn mang lại thu nhập cao và ổn định cho các thành viên trong HTX. Tại thời điểm này, HTX đã đầu tư xây dựng thêm 15 ha để nuôi tôm thâm canh; trong đó 2,5 ha đã thả giống gần 1 tháng. Tuy nhiên, để thành công, rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan nhà nước, về cơ sở hạ tầng (nhất là hệ thống điện lưới), khoa học kỹ thuật, vốn vay ưu đãi…
Sẽ được nhân rộng
Từ thành công của HTX Diêm Hải, hiện nay tại vùng nuôi tôm thuộc Dự án Suma đã có nhiều bà con trong và ngoài vùng thuê đất đầu tư xây dựng ao nuôi tôm thâm canh; hiện có hơn 95% diện tích đã được đưa vào xây dựng để nuôi theo hình thức này.
Như tại xóm Long Tường, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà với diện tích 12 ha, nhưng chủ yếu nuôi quảng canh nên không phát huy được hiệu quả. Năm 2013, có 2 ha chuyển sang nuôi thâm canh, đạt năng suất 7 tấn/ha/vụ, cho lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/ha. Ông Trương Xuân Tường, một hộ nuôi tôm thâm canh tại đây cho biết: Trước đây ở vùng này, do người dân không có điều kiện kinh tế nên không ai dám mạo hiểm đầu tư nuôi tôm thâm canh, mà chủ yếu nuôi theo hình thức truyền thống. Nhưng qua tìm hiểu tại các địa phương trong tỉnh, thấy nuôi tôm thâm canh có hiệu quả nên một số người đã mạnh dạn chung vốn đầu tư và thực tế đã thành công. Từ đây, người dân đã nhận thức được nuôi tôm thâm canh là hướng đi đúng, do đó toàn bộ diện tích nuôi tôm ở đây đã được đầu tư bài bản.
Chia sẻ về những giải pháp được áp dụng để tạo hiệu quả trong quá trình nuôi tôm, ông Trần Xuân Hòa, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho biết: Từ thực tế phát triển nuôi tôm tại các vùng trung triều, năm 2014, Huyện đã đưa ra các giải pháp đồng bộ: tổ chức họp các hộ có nhu cầu, có điều kiện về nuôi thâm canh để phổ biến các quy định về nuôi tôm; hỗ trợ về hệ thống đường điện để các hộ có điều kiện sản xuất. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân các xã, các vùng có nhu cầu; tiếp tục tạo điều kiện cho người nuôi được hỗ trợ về xây dựng cơ sở hạ tầng, vay vốn ưu đãi theo Quyết định 24, 26 của UBND tỉnh, xây dựng quy chế, quản lý cộng đồng các vùng nuôi đảm bảo an toàn, tránh rủi ro. Với những giải pháp trên, hy vọng năm 2014 và những năm tiếp theo, hình thức nuôi tôm thâm canh tại các vùng trung triều của huyện Thạch Hà sẽ mang lại kết quả khả quan.
>> Theo nhiều chuyên gia, để nuôi tôm thâm canh đạt hiệu quả, trước hết ao đầm cần được xây dựng bài bản; phải có các máy sục ôxy, quạt nước, bơm… Cùng đó, việc xử lý nước ao trước khi nuôi và con giống đảm bảo chất lượng là hết sức quan trọng. Trong quá trình nuôi, định kỳ sử dụng men vi sinh và khoáng chất; không sử dụng hóa chất, kháng sinh… |