Nuôi tôm thẻ chân trắng ở Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế): Cần tăng cường kiểm soát

Chưa có đánh giá về bài viết

Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 24/11/2014 ra đời tháo gỡ cho Chỉ thị số 16/2007/CT-UBND trước đấy, giúp nhiều hộ nuôi đủ điều kiện nuôi tôm chân trắng trên đầm phá phát triển kinh tế gia đình. Để việc nuôi tôm chân trắng mang lại hiệu quả cao, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần quản lý chặt về các điều kiện nuôi.

Không đủ điều kiện vẫn thả nuôi

Trong chuyến công tác tại các xã đầm phá huyện Phú Lộc, chúng tôi quan sát có nhiều hồ nuôi tôm chân trắng trên đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, Lăng Cô. Hầu như chưa đủ điều kiện về bờ ao, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải… nhưng nhiều hộ vẫn “vô tư” thả tôm chân trắng.

Ở thị trấn Lăng Cô, có khoảng chục hộ nuôi tôm chân trắng ở thôn Loan Lý và An Cư Đông trên diện tích 25 ha. Người dân thả tôm nuôi đến nay được khoảng 20 đến 30 ngày, tôm phát triển tốt.

Trả lời câu hỏi liệu địa phương có phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc để hướng dẫn người dân đầu tư cơ sở hạ tầng, hồ nuôi đảm bảo điều kiện theo Quyết định 72, ông Trần Văn Giảng, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết: “Vừa qua, địa phương đã triển khai để các hộ nuôi làm hồ lắng, hệ thống thoát thải ra môi trường”.

Trong khi đó, quy trình cấp phép hồ nuôi đó đủ điều kiện, trước hết các hộ nuôi phải có đơn đăng ký, sau đó Chi cục Nuôi và Phòng Nông nghiệp huyện mới đến tận hồ kiểm tra đã đủ điều kiện hay chưa. Nếu đủ điều kiện, Chi cục Nuôi trồng thủy sản mới có biên bản đánh giá hiện trạng và biên bản đủ điều kiện nuôi.

Ao hồ chưa đủ điều kiện nhưng người dân vẫn thả nuôi tôm thẻ chân trắng (Ảnh chụp tại xã Lộc Bình – Phú Lộc)

Tương tự, ở xã Lộc Điền, thị trấn Phú Lộc… hiện vẫn có nhiều hộ thả nuôi tôm thẻ chân trắng, trong khi hồ nuôi không đủ điều kiện. Đơn cử như ông Nguyễn Thân, ở xã Lộc Bình có 8 ao nuôi, mặc dù chưa hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, chưa có hệ thống xử lý nước thải; chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi nhưng ông Thân đã thả tôm ở 2 hồ.  

Theo ông Nguyễn Thân, “tuy chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi, nhưng để thả nuôi tôm đúng thời vụ thì phải vừa tiếp tục đầu tư hệ thống xử lý nước thải, vừa nuôi tôm. Tôm nuôi sau gần 1 tháng mới thay nước, nên giờ tôi xây dựng hệ thống xử lý nước thải vẫn còn kịp”.

 

Đẩy mạnh tuyên truyền

Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh cho biết: “Nhằm giúp các hộ nuôi hiểu rõ về Quyết định 72, đơn vị thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp tập huấn, thuyết trình; đồng thời, chỉ đạo anh em cán bộ trực tiếp đến tận những hộ có hồ nuôi đủ điều kiện nuôi tôm chân trắng hướng dẫn, đôn đốc hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải… đảm bảo theo quy định chung, sau đó chi cục mới cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi”.

Ông Mai Văn Xỹ, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc cho biết: Nếu nuôi không có lãi, bấp bênh, các hộ nuôi không có tiền để xử lý nước thải, nửa đêm xả nước thẳng ra đầm phá. Đó là nguy cơ dẫn đến nguồn nước ô nhiễm, tôm nuôi chết, ảnh hưởng đến nhiều hộ nuôi trong vùng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc thường xuyên phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản kiểm tra, tuy nhiên do lực lượng mỏng, địa bàn rộng, hộ nuôi thả tôm vào ban đêm… nên khó kiểm soát hết.

Việc cho phép người dân nuôi tôm chân trắng trên đầm phá là hướng mở trong phát triển kinh tế ở địa phương ở các xã đầm phá. Tuy nhiên, để nuôi tôm chân trắng phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao, các hộ nuôi cần nâng cao ý thức, chấp hành tốt các quy định chung, ao hồ đảm bảo, nước thải phải xử lý trước khi thải ra môi trường….; tránh “vết xe cũ” như nuôi tôm sú trước đây. 

Thanh Thuận

Báo Thừa Thiên - Huế

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!