(TSVN) – Trong bối cảnh hầu như các yếu tố về độ mặn, thời tiết, dịch bệnh đều bất lợi cho nghề nuôi tôm thì việc có những khuyến cáo về sự “thận trọng” trong sản xuất là hết sức cần thiết. Bởi, nuôi tôm ngày càng đòi hỏi sự chuyên sâu, đầu tư bài bản về cả vốn và công nghệ để có thể mang về nhiều vụ mùa bội thu.
Năm nay, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu làm băng tan và mưa nhiều ở thượng nguồn sông Mê Kông khiến mực nước trên sông Cửu Long dâng cao bất thường ngay trong mùa khô hạn. Mặt khác, những cơn mưa trái mùa trên diện rộng và kéo dài gần 2 tuần vào tháng 3 đã khiến cho độ mặn trên hầu hết các sông rạch tiếp giáp với biển nhanh chóng bị ngọt hóa. Tại Sóc Trăng, ngay cả con sông Mỹ Thanh, nơi cung cấp nguồn nước mặn chính cho các chi lưu ở vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh, như: Vĩnh Châu, Trần Đề, Mỹ Xuyên theo kết quả quan trắc, ngay từ tháng 5 độ mặn có nơi cao nhất cũng chỉ 2‰, còn lại phần lớn đều đã 0‰. Không chỉ có độ mặn thấp, bệnh EHP và phân trắng còn xuất hiện tại hầu hết các vùng nuôi càng khiến cho người nuôi tôm thêm phần e dè trước quyết định có nên thả nuôi hay tạm ngưng.
Trò chuyện với phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam bên lề hội nghị khách hàng nuôi tôm do Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam tổ chức tại Sóc Trăng mới đây, anh Công một hộ nuôi tôm ở huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, cho biết, năm nay, bệnh phân trắng xuất hiện khá nhiều làm cho tôm bị chậm lớn, người nuôi phải thu hoạch non để chốt lỗ vì không thể trị dứt điểm căn bệnh này. Anh Công chia sẻ: “Tôi nuôi theo mô hình ao tròn nổi của C.P, với hệ thống xử lý nước rất nghiêm ngặt vậy mà tôm nuôi cũng bị bệnh phân trắng rất nhiều, buộc phải chấp nhận lỗ. Vừa rồi, nhờ sử dụng chung nguồn nước với Công ty Trung Sơn tôi mới có đủ nước để thả lại vụ mới, chứ xung quanh hầu như hết mặn rồi”. Như để chứng minh thêm về tác hại của bệnh phân trắng, anh Công kéo anh bạn đi cùng lại và nói: “Như hộ này, thả tới 2 triệu post TTCT mà thu hoạch chỉ có 8 tấn tôm cỡ 46 – 50 con/kg vì dính bệnh phân trắng. Vậy cũng coi là may rồi đó, vì nhiều người tôm chưa kịp lớn đành phải hủy bỏ toàn bộ để tránh lây lan dịch bệnh”.
Mô hình nuôi tôm “3 tốt” của Công ty TNHH Uni-President Việt Nam đang triển khai rất hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu và gia tăng lợi nhuận Ảnh: Phan Thanh
Tại xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, hôm chúng tôi đến chỉ mới đầu tháng 6 nhưng độ mặn trên hệ thống kênh rạch ở đây đều đã không còn. Ngay cả con sông Cổ Chiên đoạn tiếp giáp với biển muốn tìm nơi có độ mặn dù chỉ 3‰ để lấy nước vào nuôi tôm cũng là vấn đề nan giải. Ông Phan Đức Hùy, chủ một trại nuôi tôm công nghệ cao theo mô hình C.P rộng trên 8 ha, than: “Từ tháng 5, ở đây đã không còn mặn nữa, nên tôi buộc phải dành ra một số ao để trữ nước mặn, chứ nếu không giờ không biết lấy nước mặn đâu để nuôi”. Còn theo ông Trần Quốc Quang, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, ngay từ đầu vụ, tình hình đã bất lợi khi độ mặn trên kênh Chàng Ré chỉ dao động mức 2‰ và không lâu sau đã bằng 0.
Ngay từ khi phát hiện sự sụt giảm bất thường của độ mặn trên hệ thống kênh rạch phục vụ nuôi tôm, ngành chức năng và chính quyền các địa phương liên tục có những cảnh báo và khuyến cáo phù hợp đến người nuôi tôm.
Tại Sóc Trăng, các bản tin thông báo kết quả quan trắc môi trường hàng tuần bao giờ cũng đính kèm những khuyến cáo về giải pháp xử lý phù hợp. Theo đó, để đảm bảo nguồn nước đủ độ mặn cho tôm nước lợ ở vụ nuôi này, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng khuyến cáo người nuôi tôm nên nuôi theo quy trình có tuần hoàn nước và tái xử lý, sử dụng lại nguồn nước từ vụ nuôi trước có độ mặn còn đảm bảo từ 5‰ trở lên; đồng thời, điều chỉnh các yếu tố môi trường khác về ngưỡng thích hợp trước khi thả tôm và chỉ nên thả nuôi với mật độ vừa phải để đảm bảo tốc độ tăng trưởng của tôm nuôi.
Hiện đang trong giai đoạn mùa mưa, các yếu tố môi trường dễ biến động, đồng thời diễn biến dịch bệnh trên tôm nước lợ cũng đang diễn ra rất khó lường nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng EHP, đốm trắng, phân trắng trong mùa mưa này, nên Chi cục Thủy sản, phòng NN&PTNT các tỉnh đều khuyến cáo người nuôi cần lưu ý một số vấn đề kỹ thuật trong cải tạo ao và quản lý môi trường, dịch bệnh trong giai đoạn mùa mưa. Nếu điều kiện nguồn nước quá khó khăn, người nuôi nên tạm ngưng thả giống, tìm đối tượng nuôi khác phù hợp hơn.
Dự báo, diễn biến thời tiết, môi trường, dịch bệnh từ nay đến cuối năm vẫn là những bất lợi cho người nuôi tôm và giải pháp thích ứng hiệu quả nhất hiện nay được đa số người nuôi áp dụng là nuôi theo quy trình tuần hoàn nước và thả nuôi với mật độ thưa. Anh Công ở Kiên Lương chia sẻ: “Dù là mô hình ao tròn nổi của C.P, nhưng đợt thả lại này tôi chỉ dám nuôi với mật độ 150 con/m2 bằng tôm giống thích nghi với độ mặn thấp của C.P để đảm bảo đủ khoáng cho tôm sinh trưởng và phát triển. Mặt khác, cũng để thu tôm cỡ lớn bán có giá cao, lợi nhuận nhiều hơn”. Cùng áp dụng giải pháp thả thưa như anh Công, ông Phan Đức Hùy, cho biết: “Ngoài việc trữ nước mặn, tôi còn nuôi tuần hoàn nước và chỉ thả với mật độ 150 con/m2, dù công ty đang khuyến mãi con giống rất lớn”.
Chi cục Thủy sản Bến Tre cũng đưa ra các khuyến cáo nuôi tôm trong tình hình môi trường ao nuôi tôm đang có nhiều thay đổi như hiện nay. Theo đó, các khu vực không xuất hiện các bệnh nguy hiểm nên thả với mật độ thưa và thả cuốn chiếu nếu có nhiều ao nuôi. Mật độ TTCT thả nuôi theo hình thức thâm canh từ 60 – 80 con/m2 (thả nuôi theo hình thức công nghệ cao từ 150 – 200 con/m2); tôm sú từ 20 – 25 con/m2 và giống trước khi thả phải được xét nghiệm không nhiễm các bệnh nguy hiểm (bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô). Trong quá trình nuôi nên bổ sung vi sinh hữu ích để xử lý môi trường nước ao nuôi, trộn vi sinh hữu ích vào thức ăn cho tôm ăn để khống chế và ngăn ngừa bệnh; cần bổ sung Vitamin C, acid hữu cơ, khoáng chất, men tiêu hóa nâng cao sức đề kháng cho tôm. Định kỳ trộn các sản phẩm thảo dược cho tôm ăn để phòng bệnh theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật hoặc nhà sản xuất. Nếu ao tôm nước lợ đang nuôi chưa đạt cỡ thương phẩm (<100 con/kg) do các loại vi khuẩn gây bệnh nên sử dụng các sản phẩm diệt khuẩn định kỳ và trộn thảo dược cho tôm ăn. Nếu đạt kích cỡ thương phẩm thì thu hoạch ngay tránh thiệt hại.
Ngoài ra, sau mưa, bão, cần xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; duy trì mở quạt nước trước, trong và sau khi mưa, bão nhằm hạn chế phân tầng nước và cung cấp đủ ôxy cho tôm nuôi. Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao nuôi duy trì trong khoảng thích hợp nhất để tôm sinh trưởng tốt. Sử dụng các sản phẩm chống sốc như: Yuca, các loại khoáng nhằm tránh gây sốc cho tôm nuôi.
Theo nhận định của Sở NN&PTNT Nghệ An, thời gian 6 tháng cuối năm, người nuôi tôm vẫn còn phải đối mặt những khó khăn, thách thức, vì thì thời tiết bất thường, tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ phát sinh dịch bệnh; giá cả vật tư đầu vào vẫn có khả năng gia tăng ảnh hưởng đến mọi mặt trong quá trình sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm. Do đó, người nuôi tôm cần tu sửa, gia cố lại bờ để đảm bảo cho các ao được chắc chắn, không bị rò rỉ, tránh sự lây lan mầm bệnh khi trong vùng có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cần bố trí lại quy mô hệ thống nuôi: 30% diện tích ao nuôi và 50% ao chứa lắng nước và 20% diện tích xử lý nước thải và chất thải; mật độ thả nuôi ≤ 80 con/m2.
Xuân Trường