Nuôi trồng thủy sản nước ngọt: Có tiềm năng, khó phát triển

Chưa có đánh giá về bài viết

Cùng với 121 hồ chứa thủy lợi và thủy điện, Quảng Ngãi còn có hệ thống sông suối dày đặc, rộng khắp nhưng hiệu suất sử dụng số diện tích mặt nước trên để nuôi trồng thủy sản nước ngọt hiện còn quá thấp…

Hình thức nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Đối tượng là những loài cá truyền thống, ít có giá trị kinh tế nên đầu ra bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tiêu thụ nội tỉnh. Những lý do này khiến nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt phát triển ì ạch, sản lượng khai thác vì thế cũng chỉ ở mức 1.000 tấn/năm.


“Nuôi nhiều, bán cho ai?”

Đó là câu “trả lời” của hầu hết nông dân khi chúng tôi đề cập đến vấn đề phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt. Nuôi dễ bao nhiêu, sản phẩm khó bán bấy nhiêu. Chẳng thế mà dẫu đất rộng nhưng ông Phạm Điều ở thôn An Nhơn, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) vẫn không dám đào thêm ao, thả thêm cá. Ông Điều bảo rằng nuôi cá trắm, rô phi rất khỏe vì chúng ăn tạp, bệnh ít, đẻ nhiều. Nhưng ngặt nỗi giá bán cứ lên xuống thất thường khiến ông rầu não ruột. Thế nên dù gắn bó với những loại cá trên nhiều năm nay nhưng đến giờ, ông Điều chỉ nuôi với mục đích…cải thiện bữa ăn.

Nông dân thu hoạch cá rô phi ở Gò Mèn. 

Nông dân thu hoạch cá rô phi ở Gò Mèn.

Không chỉ ông Điều mà phần lớn nông dân đã và đang nuôi thủy sản nước ngọt đều có tâm lý này. Vì muốn mở rộng ao, tăng loài lẫn lượng thì phải ngồi bán từng ký cá ngoài chợ. Với lại, người tiêu dùng bây giờ chỉ thích những loại thủy sản đồng tự nhiên hoặc biển nên nếu có ngồi cả buổi ngoài chợ, cá nuôi nước ngọt cũng bán chẳng được bao nhiêu.


Khó phát triển

Dự án nuôi cá nước ngọt Gò Mèn ở thôn Gò Mèn, xã Đức Lân (Mộ Đức) được triển khai thực hiện từ năm 2010. Tuy được đánh giá là mang lại lợi kép cho nông dân-tức thu cá, lại có lúa. Nhưng thực tế, những hộ tham gia mô hình thâm canh cá-lúa trên diện tích này vẫn chưa hết băn khoăn, lo lắng, nhất là đầu ra. Dù lâu nay, cá lóc được các chủ vựa ở tỉnh Kon Tum bao tiêu; rô phi thì Công ty Galant Ocean đặt hàng; còn thác lác cung ứng cho thị trường nội tỉnh. Nhưng đây là những mối do nông dân tự tìm và hợp tác nên họ sợ kém bền vững. Đã thế, việc nuôi và tiêu thụ cá đang vào guồng ổn định thì năm 2013, hoạt động này phải tạm dừng do ảnh hưởng việc thi công công trình thoát lũ sông Thoa. Điều này khiến nông dân ăn ngủ không yên vì lo mất mối.

Trong khi bà con Gò Mèn ngóng đợi ngày được thả cá xuống ao thì ở các địa phương khác, nông dân lại tính chuyện nghỉ nuôi. Lý giải tình trạng này, Trưởng Phòng nuôi trồng thủy sản, Sở NN&PTNT Võ Văn Kỹ cho rằng: “Cá truyền thống thì bị người tiêu dùng “kén”; còn cá chất lượng cao lại “kén” người nuôi. Hai cái “kén” này chẳng khác nào hai gọng kìm, kìm chặt nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt”. Quả thật, kỹ thuật nuôi cá chép, mè, trôi, rô phi, trê… chẳng có gì gọi là quá khó. Nhưng với cá bống tượng, lăn nha, chình hay thác lác cườm thì lại khác. Không chỉ yêu cầu kỹ thuật thâm canh cao mà việc tìm nguồn giống cho những loài này cũng chẳng dễ. Nếu như giống cá lăn nha phải mua ở Nam Bộ thì cá chình phải đặt từ… tự nhiên. Đã thế nguồn vốn ban đầu dành cho các loại này lớn, thời gian nuôi kéo dài. Vậy nên, “dù đây là những loài có giá trị kinh tế cao, nhưng rất khó để phát triển”, ông Kỹ chia sẻ.

Vì lý do này mà khi chúng tôi đề cập đến hướng phát triển nghề nuôi cá nước ngọt, giúp nông dân tăng thu nhập thì hầu hết các địa phương đều lắc đầu, bảo “khó lắm”. Khó là bởi “diện tích ao nuôi nhỏ; đối tượng nuôi thông dụng; cách nuôi theo kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế quá thấp, không hít người dân”, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng Nguyễn Thanh Hùng cho hay.

Tuy khó, nhưng không có nghĩa là không có cách gỡ. Đó là tái tạo nguồn thủy sản tự nhiên từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện và phát triển những loài có giá trị kinh tế cao. Muốn làm được điều này, bên cạnh sự nỗ lực của nông dân, cần sự trợ sức từ các chương trình hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng.

Mỹ Hoa

Báo Quảng Ngãi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!