Thiên nhiên vốn ưu đãi cho TP Hải Phòng là tổ hợp tài nguyên, môi trường phong phú, rất thuận lợi cho việc nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản. Song khu vực này đang chịu tác động từ nhiều phía, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển, làm hạn chế sự phát triển của ngành thủy sản thành phố cảng.
Nguy cơ ô nhiễm cao
Với thâm niên nhiều năm từng phụ trách công tác pháp chế tại Cảng vụ Hải Phòng, Giám đốc Cảng vụ Bùi Văn Minh không khỏi lo lắng vì tình trạng môi trường vùng cửa sông, ven biển của Hải Phòng hiện nay đang có nguy cơ ô nhiễm rất cao bởi tác động của các hoạt động hàng hải, giao thông thủy do mật độ tàu thuyền ra, vào cảng ngày một tăng. Hiện nay, trong khu vực cảng biển Hải Phòng có tới 37 doanh nghiệp khai thác cảng với tổng chiều dài cầu cảng hơn 10.500 m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 40.000 tấn, cùng với hệ thống trang thiết bị bốc xếp tiên tiến, hiện đại tại các bến cảng Chùa Vẽ, Đình Vũ với sức nâng đến 50 tấn, tầm với xa 40m. Ngoài ra, nhiều cảng khác cũng đầu tư hệ thống cần cẩu trục chân đế với sức nâng đến 40 tấn và các xe nâng hàng với sức nâng lớn. Cùng với các cầu cảng là bốn khu neo đậu chuyển tải gồm Hạ Long, Lan Hạ, Bến Gót và Bạch Đằng có khả năng tiếp nhận tàu đến 50.000 tấn. Trong vùng nước cảng biển Hải Phòng, có 12 bến cảng tiếp nhận xăng dầu, khí hóa lỏng và một khu neo chuyển tải xăng dầu vịnh Lan Hạ.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng Bùi Quang Sản cho biết: Môi trường đất, nước, không khí khu vực cửa sông của thành phố cũng có nguy cơ bị ô nhiễm lớn do sự phát triển các khu công nghiệp vùng ven biển. Hiện Hải Phòng có hơn 12.000 cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt động, chủ yếu tập trung vào một số sản phẩm như sắt, thép, xi-măng, đóng tàu, cơ khí, điện tử, hóa chất, da giày, dệt may, hàng tiêu dùng và chế biến thủy sản xuất khẩu. Các cơ sở này có tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm từ 19 đến 21%/năm, nhưng đồng thời cũng là tác nhân gây ô nhiễm môi trường từ nước thải, chất thải rắn và khí thải.
Trong số 6/17 khu công nghiệp (KCN), với tổng diện tích 1.764 ha, thu hút hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động, có nhiều KCN với diện tích hàng trăm héc-ta nằm ngay ven sông, hay có “mặt tiền” hướng ra biển, như các KCN Đồ Sơn (150 ha); Nam Cầu Kiền (263,3 ha); Đình Vũ (541,46 ha), khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng (507,6 ha). Bên cạnh đó là 38 cụm công nghiệp (CCN) có quy mô từ 20 ha đến 70 ha, trong đó có bảy CCN đã hoạt động hoặc đang triển khai đầu tư xây dựng, như Quán Trữ, Vĩnh Niệm, An Lão…
Giám đốc Sản nhận xét: Các khu, cụm công nghiệp Hải Phòng đan xen với các khu đô thị, dân cư, thậm chí ngay trong khu dịch vụ hậu cần nghề cá xã Xuân Đán – đảo Cát Bà đang là những trở ngại lớn cho sản xuất thủy sản. Trong khi đó, hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng của thành phố hầu như chưa có. Một số bãi rác ven sông, ven biển như bãi Tràng Cát, Đình Vũ chưa được thiết kế phù hợp. Cộng với tình trạng khai thác, nuôi trồng thủy sản tại các cửa sông, cửa biển không theo quy hoạch, là những tác nhân gây suy thoái, hoặc làm mất các hệ sinh thái ven biển, bãi triều và vùng nước mặt biển.
Giải pháp trước mắt
Để bảo vệ môi trường biển, bảo đảm sản xuất của các cơ sở nuôi trồng, khai thác thủy sản, các ngành chức năng của TP Hải Phòng đã yêu cầu các dự án, các chủ đầu tư cam kết thực hiện các quy định về môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm bớt, hạn chế tác động đến môi trường chung quanh như: tiếng ồn, không khí, bụi.
Trong quá trình triển khai dự án, cũng như khai thác sử dụng các cầu cảng, bến cảng, các chủ doanh nghiệp đều phải thực hiện quan trắc, giám sát môi trường theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Đối với tác động của nước thải chứa các chất ô nhiễm (TSS, BOD, COD…), các chất thải sinh hoạt phát sinh hằng ngày phải được thu gom và xử lý cùng với rác thải sinh hoạt của khu vực.
Riêng đối với hoạt động của các cảng biển, nhất là 12 bến cảng tiếp nhận xăng dầu, Giám đốc Cảng vụ Hải Phòng Bùi Văn Minh cho biết: Trên cơ sở Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg ngày 14/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng đã yêu cầu 100% các bến cảng, khu chuyển tải xăng dầu phải lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, yêu cầu tất cả các bến cảng hàng hóa khác phải lập kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu. Trong quá trình triển khai thực hiện, Cảng vụ Hải Phòng thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các cảng và tàu biển. Đồng thời, tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến môi trường, ngăn chặn không được bơm, xả các loại rác hoặc nước dằn tàu, nước lẫn dầu, nước có cặn bẩn xuống vùng nước cảng biển, đổ bùn, đất, chất thải từ nạo vét không đúng vị trí quy định và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến môi trường.
Xây dựng kinh tế biển xanh
Theo PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, ĐH Quốc gia Hà Nội: Phát triển bền vững biển, đảo và vùng ven biển là một nhu cầu và đòi hỏi thực tế khách quan của người dân Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, Thành ủy Hải Phòng cần ban hành một Nghị quyết riêng để chỉ đạo việc triển khai Chiến lược và Kế hoạch quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 phù hợp đặc thù của thành phố cảng – biển, với tầm nhìn dài hạn về khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo, bảo đảm phát triển kinh tế biển xanh hướng tới phát triển bền vững.
Hằng năm, trên cơ sở phân bổ nguồn lực và điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, thành phố sẽ triển khai quy hoạch sử dụng tài nguyên biển và hải đảo ở cấp độ khác nhau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm tiến tới chấm dứt việc khai thác biển, đảo và vùng ven biển một cách tự phát, thiếu quy hoạch, nhằm giảm thiểu mâu thuẫn trong sử dụng không gian biển. Phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ dải bờ biển của thành phố được áp dụng phương thức quản lý tổng hợp ở mức độ khác nhau.
Chủ động nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến vùng ven biển, biển và hải đảo, từ đó đề xuất giải pháp thích ứng và giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Đồng thời, xử lý hiệu quả các chất thải, chất gây ô nhiễm trước khi đổ ra biển từ nguồn đất liền, từ các hoạt động kinh tế trên biển, ở các cảng và trên các hải đảo, góp phần ngăn ngừa suy thoái và phục hồi đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản, nhất là nguồn giống hải sản tự nhiên đã bị mất hay đang giảm sút.
Kết hợp với việc tăng cường quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên biển và trên đảo Cát Bà, Long Châu và Bạch Long Vĩ để phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển bền vững.
Trước mắt, Hải Phòng cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư ven biển và trên các đảo về kinh tế biển xanh. Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế thủy sản theo hướng ưu tiên đánh bắt xa bờ, duy trì đánh bắt gần bờ hợp lý.