Không biết từ bao giờ, bờ đê ốc viết được hình thành dọc bờ biển cồn Chày Mười, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, tạo nên một khung cảnh vô cùng ấn tượng.
Theo người dân địa phương, hàng năm vào mùa gió chướng (gió đông bắc từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch), sóng biển xô ốc vào bờ xếp thành từng lớp. Khi thủy triều rút, người dân sẽ ra biển bắt ốc đem bán, trung bình kiếm được từ vài trăm nghìn đồng một ngày. Vào chính vụ ốc, giá bán khoảng vài nghìn đồng 1kg, khi ốc ít hơn thì giá có thể lên đến 10.000 đồng/kg.
Người dân ví những con ốc viết như là lộc trời ban cho người dân nghèo xứ biển nơi đây. Bởi khi sống, ốc viết tạo thêm một nguồn thu đáng kể, còn khi ốc chết, sóng đánh dạt vào bờ tạo thành bờ đê chắn sóng, bảo vệ đất đai, hoa màu giúp người dân an tâm sản xuất.
Điều đặc biệt là con đê ốc viết này do sóng biển tạo thành nhưng rất đều và thẳng tắp, như có bàn tay ai đó sắp đặt. Người dân nơi đây không biết hiện tượng này xuất hiện từ lúc nào, chỉ biết rằng ốc viết xuất hiện ở đây đã rất lâu. Nhiều năm trôi qua, vỏ ốc tạo thành bờ đê dài hàng km, được nhiều du khách biết đến, nhưng địa phương chưa đưa vào khai thác du lịch, khung cảnh được bảo tồn nguyên vẹn.
Bờ đê ốc viết dài hàng km – Ảnh: ST
Trong danh mục đề xuất của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, bờ đê ốc viết cồn Chày Mười đang được lập hồ sơ, đề xuất kỷ lục: Bờ đê bằng ốc viết tự nhiên dài nhất Việt Nam.