Ông Lâm Vĩnh Gia, ngụ tại Ấp 1, xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang có hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi thủy sản. Trước, ông chuyên về ương cá tra giống nhưng sau ông chuyển hướng và bắt đầu nuôi cá còm, cho thu lãi cao.
Lý do chú Vĩnh Gia chọn nuôi loài cá này là do cá còm có một số đặc tính như dễ nuôi, thịt lại ngọt và dai, đặc biệt được làm chả cá, do vậy rất dễ tiêu thụ trên thị trường, thêm nữa giá cả ổn định, bệnh cá ít xuất hiện và dễ trị hơn cá tra.
Ban đầu, ông lấy nguồn cá giống nơi khác đem về nuôi. Sau vài vụ nuôi, ông có suy nghĩ là làm thế nào để nhân giống loài cá này để không phải mất thời gian và chi phí mua con giống về nuôi. Trước khi tiến hành sinh sản nhân tạo con giống cá còm, ông đi tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế ở nhiều nơi và tìm tòi, học hỏi những thông tin trên sách, báo. Sau những thất bại, ông đúc kết một số kinh nghiệm trong việc cho sinh sản nhân tạo giống cá còm.
Ông Gia bên bể nuôi cá còm do ông tự thiết kế
Do đặc tính cá còm đẻ trứng dính, ông sử dụng giá thể bằng gạch tàu để cá còm đẻ trứng dính vào giá thể. Nhưng do việc sử dụng gạch tàu làm giá thể gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra vì các miếng gạch phải cắm ở dưới mặt nước ao. Rồi ông thay đổi giá thể bằng việc sử dụng các ống nhựa có đường kính 10 cm để dễ dàng kiểm tra trứng. Ông còn dùng nẹp tre kẹp vào ống nhựa để dễ dàng cắm ống nhựa xuống dưới mặt nước ao, cá đẻ sẽ dính quanh mặt ngoài thành ống ống nhựa.
Để kích thích cá đẻ, ông tiến hành cấp nước thêm vào ao, bố trí giá thể các ống nhựa cấm theo chiều thẳng đứng xuống ao, tính từ khi cấp nước đến thời điểm ngày thứ ba thì bắt đầu kiểm tra các ống nhựa. Nếu cá đẻ trứng sẽ dính bên mặt ngoài ống nhựa. Sau đó chuyển các ống nhựa đến bể ấp đã chuẩn bị sẵn. Sau 5 đến 6 ngày, trứng sẽ nở thành cá bột. Cá bột được vớt chuyển sang bể ương cá giống.
Sau một thời gian, ông đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, trong đó có kinh nghiệm về việc định kỳ phân cỡ trong quá trình ương cá giống.
Bên cạnh đó, ông còn nghiên cứu sử dụng thức ăn công nghiệp để thay thế thức ăn tự chế nhằm tiết kiệm thời gian chế biến thức ăn và hạn chế ô nhiễm môi trường nước.
“Với số lượng 300 con cá bố mẹ được chọn làm sinh sản thì sản xuất được 40.000 cá con với tỉ lệ cho phối 2 cái và 1 đực. Cá còm một năm chỉ sinh sản một đợt nhưng chia ra từ 5 đến 6 lần sinh sản và bắt đầu sinh sản từ tháng 4 kéo dài đến tháng 7 và tháng 8. Như vậy, bình quân một tháng cá đẻ 2 lần, tỷ lệ đẻ và tỷ lệ nở chiếm đến 90%. Năm 2013, chú Vĩnh Gia cho cá còm sản xuất được 150.000 con cá bột, sau đó ương lên giai đoạn cá hương bán được với giá 2.800 đồng/con” – ông Lâm Vĩnh Gia nói.
Ông chia sẻ thêm: Giai đoạn cá bột còn nhiều khó khăn như cá bột bị hao hụt do ảnh hưởng thay đổi thời tiết dẫn đến cá xuất hiện bệnh. Nhưng qua nhiều năm kinh nghiệm trong việc cho sinh sản loài cá này, tôi đã có phương pháp để xử lý nhằm hạn chế tỉ lệ hao hụt trong giai đoạn ương giống.
Hiện tại, ông vẫn đang tiếp tục thực hiện mô hình cho sinh sản cá còm, đây là mô hình giúp bà con nông dân cải thiện kinh tế gia đình, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn và đồng thời giúp ngành thủy sản một hướng đi mới từ việc sinh sản và ương nuôi loài cá này.
>> Cá còm, còn có tên gọi cá nàng hai, là loài cá được xếp phân loại cùng một họ với cá thát lát (họ Notopteridae). Đây là giống cá nước ngọt có khả năng chịu phèn, thịt cá ngọt và dai, có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon, đặc biệt là món chả cá rất dễ tiêu thụ bởi ngoài giá trị được sử dụng làm thực phẩm, cá còm còn được nuôi làm sinh vật cảnh.