Ông Hoàng Tùng: Tôi vốn xuất thân từ nghề giáo. Ban đầu, tôi giảng dạy tại Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, sau đó chuyển công tác về Trường Đại học Quốc tế, thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2017, gia đình tôi sang định cư tại Australia và tôi bắt đầu làm việc tại Cơ quan Nghiên cứu Khoa học và Phát triển Công nghệ Liên bang Australia (CSIRO), tập trung vào nghiên cứu. 

 

Thời niên thiếu, tôi mơ ước được theo học ngành y, nhưng đến lớp 12 tôi được thầy giáo dạy toán Nguyễn Vĩnh Phúc khuyên chọn một ngành sản xuất vì đất nước mình còn nghèo. Năm 1989 tôi thi và theo học ngành Nuôi trồng Thủy sản tại Trường Đại học Thủy sản một phần do yêu thích tôm cá và thành phố biển Nha Trang. 

Tính đến nay, tôi đã gắn bó với ngành thủy sản tròn 30 năm – một hành trình dài đầy thử thách nhưng giúp tôi học hỏi được nhiều điều.

Ông Hoàng Tùng: Khó khăn lớn nhất của ngành tôm Việt Nam hiện nay chính là sự suy giảm năng lực cạnh tranh. Chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia sản xuất tôm lớn. Vấn đề nằm ở giá thành, chất lượng sản phẩm và niềm tin của khách hàng đối với ngành tôm Việt Nam.

 

Dù nuôi trồng thủy sản  tại Việt Nam đang hướng tới phát triển bền vững, nhưng không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực đến môi trường. Các vấn đề liên quan đến dư lượng kháng sinh tiếp tục là rào cản lớn, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành tôm. Trong khi đó, Ecuador – một đối thủ mạnh và ổn định – được đánh giá cao trên thị trường quốc tế nhờ sản phẩm chất lượng và bền vững. Điều này khiến Việt Nam gặp khó khăn trong việc cạnh tranh, nhất là ở các thị trường cao cấp.

Ngoài ra, ngành tôm Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu và công nghệ nhập khẩu. Điều này khiến chúng ta rơi vào thế bị động, giống như một “nhà xưởng gia công” hơn là một trung tâm sản xuất độc lập. Khi thị trường thuận lợi, ngành tôm phát triển tốt, nhưng trong những giai đoạn khó khăn, chúng ta lại không thể giảm chi phí hay nâng cao chất lượng một cách hiệu quả do chưa làm chủ được công nghệ lõi và nguồn tôm bố mẹ.

 

Để phát triển bền vững và duy trì sức cạnh tranh, ngành tôm cần tìm kiếm những giải pháp chủ động hơn. Việc nghiên cứu và đầu tư vào những mô hình nuôi phù hợp, ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao, tôi tin là hướng đi khả thi cho tương lai.

Ông Hoàng Tùng: Theo tôi, chúng ta không nên cực đoan thì mới có thể phát triển bền vững. Mỗi hướng đi cần có những điều chỉnh phù hợp với thực tế. Nông nghiệp thuận thiên không có nghĩa là  đơn giản, bởi điều kiện sản xuất luôn thay đổi. Để thích nghi với sự thay đổi đó, việc áp dụng khoa học công nghệ là điều cần thiết. 

 

Mô hình quảng canh, vốn mang tính thuận thiên, có nhiều ưu điểm trong bối cảnh hiện nay khi mà năng lực tài chính của người nuôi rất hạn chế. Trước đây, khi thời tiết không quá khắc nghiệt, môi trường sống cho tôm trong các hệ thống nuôi thâm canh có thể được duy trì ổn định. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu và dịch bệnh ngày càng phức tạp đã khiến môi trường nuôi khó kiểm soát hơn. Khi giảm mật độ nuôi ở mô hình quảng canh, tôm có không gian sống rộng rãi hơn, ít cạnh tranh thức ăn, giúp giảm stress và hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

 

Các yếu tố sinh học tự nhiên trong mô hình quảng canh cũng mang lại nhiều lợi ích. Ví dụ, thả ghép tôm và cua thì cua có thể ăn tôm yếu hoặc chết, từ đó giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, so với 30 năm trước, điều kiện môi trường đã không còn tốt. Đất bạc màu, khoáng chất suy giảm và việc thay nước thường xuyên lại tiềm ẩn nguy cơ phát tán mầm bệnh.

Hiện nay, một số người nuôi quảng canh đã áp dụng kỹ thuật giữ nước thay vì thay nước liên tục. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ từ các sản phẩm vi sinh và công nghệ mới để duy trì chất lượng nước ổn định. Ngoài ra, nghiên cứu sản xuất thức ăn tự nhiên hay thức ăn “tươi” từ  sinh khối vi sinh vật và phế phụ liệu nông nghiệp đang dần trở thành xu hướng. Loại thức ăn này không chỉ giúp tôm phát triển tốt hơn mà còn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

 

Bên cạnh đó, công nghệ gia hoá tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống tốt phải đượcxem là yếu tố then chốt. Trước đây, chúng ta phụ thuộc vào giống tự nhiên, nhưng hiện nay phát triển giống chất lượng cao trong điều kiện nhân tạo cần được coi là chiến lược quốc gia. Việt Nam cần học hỏi sự thành công của nghề nuôi cá Hồi ở Na Uy để chủ động nguồn tôm bố mẹ, tôm giống.

 

Đừng nghĩ chỉ có nuôi tôm công nghệ cao mới cần đến trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện nay chúng tôi đang xây dựng cơ sở dữ liệu để hỗ trợ nghề nuôi tôm quảng canh. Trong tương lai, việc kết hợp các giải pháp công nghệ vào mô hình quảng canh có thể giúp hướng đến sự phát triển bền vững, tối ưu hóa hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành.

Ông Hoàng Tùng: Ngành thủy sản Australia, dù có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Việt Nam, nhưng họ sở hữu nhiều yếu tố đáng để học hỏi, đặc biệt là trong quản lý, phát triển bền vững và cải thiện chất lượng con giống. 

 

Về ngành tôm, dù có lịch sử lâu đời, sản lượng hàng năm của Australia chỉ đạt khoảng 12.000 – 13.000 tấn tôm sú và họ không nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) do đây là loài ngoại lai và không được phép nuôi tại quốc gia này. Quy trình cấp phép nuôi trồng ở Australia vô cùng nghiêm ngặt, xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường rất cao. Tại bang Queensland, khu vực có rạn san hô lớn, chính quyền hạn chế cấp phép cho các cơ sở nuôi tôm mới nhằm giảm thiểu tác động đến hệ sinh thái. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và duy trì sự phát triển bền vững. 

 

Bên cạnh đó, ngành nuôi cá hồi Đại Tây Dương ở Australia là một ví dụ điển hình về sự phát triển bài bản nhờ chương trình chọn giống chất lượng cao. Cá hồi, dù là loài nhập khẩu từ châu Âu, chỉ nuôi được ở vùng nước lạnh phía Nam của Australia. Nhưng Australia đã đạt nhiều thành tựu lớn nhờ sự quan tâm của chính quyền bang Tasmania và hỗ trợ khoa học của CSIRO về di truyền chọn giống và kiểm soát dịch bệnh. Họ đã xây dựng một cơ sở sản xuất giống tập trung, cải thiện chất lượng giống cá hồi, từ đó cung cấp giống chất lượng cao cho toàn ngành giúp cá lớn nhanh hơn, chống chịu tốt hơn với tác nhân gây bệnh. 

Điểm nổi bật của mô hình này là tính đồng bộ và bền vững, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên. Chương trình giống không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp lớn mà còn hỗ trợ các công ty khác trong ngành, giúp nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh. 

 

Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm này bằng cách xây dựng cơ chế và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chọn giống, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp. Thay vì để các tổ chức nghiên cứu tự thực hiện chọn giống, cần tạo điều kiện để họ cùng doanh nghiệp phát triển các chương trình giống chuyên sâu, tập trung vào chất lượng. 

 

Bài học từ Australia cho thấy, tập trung vào chất lượng con giống không chỉ cải thiện năng suất mà còn giúp ngành thủy sản nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế. Con giống tốt sẽ hữu ích với tất cả các mô hình nuôi. Với chính sách phù hợp, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững và hiệu quả hơn trong tương lai. 

 

Trân trọng cảm ơn ông!

error: Content is protected !!