Ông Năm Vàng với con cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Chiều muộn, hai đứa cháu của ông Hồ Văn Vàng (Năm Vàng) đi học về, chạy tới tíu tít chào hỏi. Ông Năm Vàng nói, con cháu của ông đi thưa về chào là nếp nhà ông giữ, như giữ sự nghiêm túc trong sản xuất kinh doanh.

Dáng cao lớn, khuôn mặt phúc hậu, cử chỉ và lời nói từ tốn, đó là vẻ ngoài của ông Năm Vàng. Trò chuyện về cá tra, giọng ông cũng nhẹ nhàng, từ tốn nhưng ý tứ mạch lạc, khi bảo vệ cá tra thì kiên quyết, không e sợ gì. Tính cách như thế, có thể đoán được cuộc đời ông trải nhiều khó khăn, vất vả và thành công.

Mà đúng thật, ông rủ rỉ kể, ông sinh năm 1949 ở xã An Phước huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, trong một gia đình nông dân bên sông Cổ Chiên. Từ đây lên thành phố Vĩnh Long chỉ 16 km nhưng hồi trước đường đất lầy lội, đi lại cơ cực lắm, con lộ 902 hiện nay mới có được hồi năm 2002. Nhà nghèo nhưng ông ham học nên đỗ tú tài, rồi sang bên kia sông Cổ Chiên lấy được cô gái xinh đẹp của huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, năm 1975. Với ít ruộng đất cha mẹ cho, đôi vợ chồng trẻ làm lụng cật lực, tích lũy được ít vốn. Đến năm 1980, do nhu cầu về gạch xây dựng nhiều nên ông bàn với vợ mở cơ sở sản xuất gạch, mới đầu chỉ có một, nay đã 20 lò. Tỉnh Vĩnh Long có mỏ đất sét đỏ rất quý mà trung tâm ở huyện Mang Thít, nên sau này huyện Mang Thít đã phát triển thành “vương quốc gạch, gốm” nổi tiếng. Thuở gây dựng cơ nghiệp, vợ chồng ông làm lụng vất vả ngày đêm. Từ lò gạch lên lò gốm mỹ nghệ, xuất khẩu đi nhiều nước. Ông Năm Vàng trở thành Chủ tịch Hội Nghề gốm tỉnh Vĩnh Long. Nhưng năm 2008, kinh tế thế giới suy thoái, thị trường gốm Vĩnh Long thu hẹp, ông chuyển một phần vốn sang đầu tư nuôi cá tra.

>> “Quan điểm của tôi, làm gì muốn thành công đều phải nghiêm túc. Gia đình tôi hôm nào cũng vậy, 6 giờ 30 phút là họp bộ phận điều hành để bàn bạc công việc trong ngày”, ông Hồ Văn Vàng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam chia sẻ.

 

Nay cơ sở gốm của ông chỉ còn 150 công nhân, không như hồi thịnh vượng đến 500 công nhân. Vùng nuôi cá tra của ông có cá giống, cá thịt ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, bên quê vợ Chợ Lách, tỉnh Bến Tre và tận huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Có sự đa dạng này bởi đều là những nghề ông am tường và mở rộng đầu tư ở mức kiểm soát được, mà doanh nghiệp của ông đứng vững trong sóng gió thương trường dữ dội mấy năm qua.

“Chẳng may lĩnh vực này lỗ thì có lĩnh vực khác bù vào”, ông cười bảo. Khi cá tra thịt lỗ thì thu gọn lại và tập trung vào cá tra giống để có lãi, rồi chuyển việc nuôi cá tra thịt độc lập sang liên kết gia công. Phóng viên băn khoăn, khi cá tra thịt gặp khó thì cá tra giống cũng không dễ bán? Ông trả lời: “Làm cá giống nhỏ lẻ, chất lượng không ổn định mới khó bán. Còn tôi sản xuất cá giống chất lượng ổn định, giữ uy tín với nhiều vùng nuôi nên vẫn bán được”.

Nhìn lên tường nhà của ông cũng phần nào biết được chất lượng sản phẩm của ông, của Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Nuôi trồng thủy sản Năm Vàng, vì thấy có nhiều giấy chứng nhận chất lượng và bằng khen, giấy khen. Một quan chức tỉnh Vĩnh Long nhận xét: tiêu chuẩn gì ông Năm Vàng cũng đạt. Khẩu hiệu của doanh nghiệp là: “Công việc hôm nay tốt hơn hôm qua; chất lượng sản phẩm hôm nay tốt hơn hôm qua”. Vì thế, vùng nuôi của ông đã có chứng nhận VietGAP, nay còn hoàn thành thêm ASC, bộ tiêu chuẩn không chỉ chú trọng chất lượng sản phẩm cá tra mà còn chú trọng bảo vệ sức khỏe người nuôi và môi trường. Thế nên lúc kinh tế khủng hoảng, ông vẫn duy trì dãy nhà ở cho mấy trăm công nhân. Ông tâm sự: “Doanh nghiệp làm ăn được là nhờ công nhân nên tôi thương công nhân như con cháu trong nhà. Có mấy chục gia đình công nhân gắn bó với tôi nhiều năm rồi, nhiều người nên vợ nên chồng trong thời gian làm việc cho tôi nên bây giờ không khác gì con cháu tôi”.

Vui chuyện, ông Năm Vàng kể, ông thường xuyên sinh hoạt với bà con ở ấp, ở xã. Mọi phong trào xây dựng quê hương và giúp đỡ người nghèo ở địa phương, gia đình và doanh nghiệp của ông đều tham gia tích cực. Ông bộc bạch: “Gắn bó với người dân, với nhà nước thì doanh nghiệp cũng có điều kiện hiểu thêm thị trường, có được những thông tin quan trọng, lường trước khó khăn để tính toán đầu tư kinh doanh cho hiệu quả. Chứ nếu cứ áng chừng hay làm theo thói quen của nông dân, dễ thất bại lắm”.

Ông Hồ Văn Vàng (thứ hai từ trái) trong đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản đi nghiên cứu kinh nghiệm quản lý cá hồi ở Na Uy đầu năm 2013     

Có lẽ cũng chính vì thương người và gắn bó với quê hương, thương con cá tra ĐBSCL mà những năm qua, ông có nhiều ý kiến mạnh dạn bảo vệ con cá tra. Hồi còn làm Phó Chủ tịch Hội Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, ông mời nhiều người chung tâm huyết liên tục kiến nghị để góp phần ra đời Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Những tháng cuối năm 2013, ông viết loạt bài trên Tạp chí Thủy sản Việt Nam kiến nghị nhiều vấn đề sắc bén, đúng trọng tâm về nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ thương hiệu cá tra. Cũng vì một số doanh nghiệp chế biến cá tra thiếu quan tâm xây dựng thương hiệu, chỉ vì lợi ích cục bộ trước mắt mà làm hại lợi ích chung, gây ra mối quan hệ hợp tác với người nuôi cá không tốt, nên kiến nghị của ông dù không muốn cũng đụng chạm đến một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Ông nói: “Tôi ở trong ngành, hiểu rõ hơn ai hết nên cũng bức xúc hơn ai hết. Không thể để cho một số người làm xấu hình ảnh cá tra, làm nghèo nông dân”. Nhiều kiến nghị của ông đã được ghi nhận và đưa vào Dự thảo Nghị định về cá tra của Chính phủ, như quy định về giá sàn cá nguyên liệu, nâng cao vai trò của Hiệp hội Cá tra Việt Nam.

Chiều cuối năm mát mẻ. Câu chuyện với ông diễn ra giữa khu vườn rộng hơn hecta, có nhiều cây kiểng đẹp, những luống rau xanh tươi và ao cá rộng. Trời vừa qua cơn mưa lắc rắc, không khí dịu mát, khu vườn càng hiện lên vẻ thanh bình, tuyệt đẹp. Nhưng đẹp hơn là ngôi biệt thự của ông xây dựng năm 2010, tốn gần chục tỷ đồng, kiến trúc mực thước, hài hòa, vững chắc. Ông chia sẻ: “Quan điểm của tôi, làm gì muốn thành công đều phải nghiêm túc. Gia đình tôi hôm nào cũng vậy, 6 giờ 30 phút là họp bộ phận điều hành để bàn bạc công việc trong ngày”. Vợ chồng ông có 8 người con, tất cả đều tốt nghiệp đại học, có người hai, ba bằng đại học, có người có bằng thạc sĩ bên Anh về. Nay hầu hết đã có gia đình riêng và 5 người vẫn ở chung với vợ chồng ông trong ngôi biệt thự. Con trai, con gái, dâu rể của ông bà chia nhau quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh mà ông gọi là bộ phận điều hành.

Khi hai đứa cháu đi học về, chạy lại chào ông thì con cái của ông ở các cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chưa về. “Sáng ra, tụi nó đi làm đến tối mới về, cháu nội ngoại giao cho bà giữ cả”, ông nói và cất tiếng cười nhẹ nhàng, hạnh phúc bên dòng sông Cổ Chiên trữ tình, êm ả.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!