Thời gian qua, tại một số địa phương ven biển tỉnh Phú Yên như Đông Hòa, Tuy An… xảy ra tình trạng một số tổ chức, cá nhân tự ý chặt phá rừng phi lao ven biển, phá vườn, xây dựng các ao nuôi tôm trái phép, phá vỡ chức năng rừng phòng hộ làm cho nước biển dễ dàng xâm thực sâu vào đất liền; hiện tượng mặn hóa nguồn nước ngọt ngầm đã xảy ra và gây ô nhiễm môi trường.
Tại thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, người dân hì hục đào bới và gần chục máy hút cát thi nhau lấy đất từ rừng phòng hộ để san lấp hồ nuôi tôm cao triều. Hồ tôm lấn sâu 40 – 50 m đất rừng phòng hộ và kéo dài cả cây số. Hàng chục hồ tôm mới vừa được khai phá từ đất rừng, mỗi hồ rộng 1.000 – 3.000 m². Nếu tính cả những hồ trước đây và những hồ đào mới thì diện tích đất rừng phòng hộ bị chiếm dụng đến chục ha. Hoạt động này diễn ra cách trụ sở UBND xã Hòa Hiệp Nam chỉ vài trăm mét.
Phá rừng, hút cát làm hồ nuôi tôm trái phép – Ảnh: CPV
Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, riêng địa bàn huyện Đông Hòa, hiện còn khoảng 375 ha rừng phòng hộ, giảm 155 ha so với năm 2012. Nguyên nhân giảm là do chuyển mục đích sử dụng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và một số diện tích do người dân phá rừng để làm hồ nuôi tôm.
Riêng khu vực thôn Đa Ngư (xã Hòa Hiệp Nam) hiện có 101 hồ nuôi tôm với diện tích hơn 65 ha nằm giữa sông Ngọn và rừng phòng hộ ven biển bị người dân đào để nuôi tôm. Còn tại xã ven biển Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa), UBND tỉnh Phú Yên quy hoạch vùng nuôi tôm là 15 ha nhưng thực tế hiện nay lên đến gần 25 ha. Riêng khu vực thôn Đa Ngư (xã Hòa Hiệp Nam) hiện có 101 hồ nuôi tôm với diện tích hơn 65 ha nằm giữa sông Ngọn và rừng phòng hộ ven biển bị người dân đào để nuôi tôm. Còn tại xã ven biển Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa), Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên quy hoạch vùng nuôi tôm là 15 ha nhưng thực tế hiện nay lên đến gần 25 ha.
Theo ông Nguyễn Phi Hổ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, thời gian qua, Huyện có chỉ thị về việc nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự ý nạo vét, hút cát làm hồ nuôi thủy sản trái phép tại khu vực sông Ngọn. Tuy nhiên, một số người dân vẫn bất chấp pháp luật, tổ chức đào hút cát, nâng đáy hồ nuôi tôm gây xâm hại đất rừng phòng hộ ven biển. Huyện đã thành lập tổ công tác liên ngành do ông Nguyễn Phi Hổ làm tổ trưởng để kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển để san ủi xây dựng hồ nuôi tôm trái phép tại xã Hòa Hiệp Nam.
Cũng theo ông Hổ, trường hợp Bí thư Chi bộ thôn Đa Ngư – xã Hòa Hiệp Nam vi phạm, huyện giao Đảng ủy xã Hòa Hiệp Nam xử lý nghiêm theo điều lệ Đảng, theo quy định của pháp luật”, ông Hổ khẳng định.
“Huyện thống kê những hộ lấn chiếm đất nuôi tôm trái phép để có biện pháp xử lý, đồng thời đề nghị Tỉnh cho phép quy hoạch lại vùng nuôi tôm khu vực này. Nếu người dân muốn nuôi thì phải xây bờ đá nhằm bảo vệ rừng phòng hộ. Riêng khu vực phía đông bãi Con thì kiên quyết không cho phép người dân hút cát làm hồ nuôi tôm” – Ông Hổ nói.
>> Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên có chỉ thị về việc ngăn chặn tình trạng phá rừng phòng hộ ven biển để nuôi tôm. Theo đó, nghiêm cấm mọi hành vi chặt phá rừng phi lao và các loại cây trồng khác ven biển, chuyển đổi đất vườn, đất ở để san ủi, đào ao lót bạt nuôi tôm. Chính quyền địa phương nào không kiên quyết ngăn chặn, để phát sinh diện tích ao nuôi mới thì chủ tịch UBND địa phương đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc quản lý đất đai, quy hoạch rừng ven biển. |