(TSVN) – Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nhưng chưa được khai phá một cách hiệu quả. Trong đó, việc nuôi thủy sản trong các hồ chứa cũng đang rất được quan tâm. Để tận dụng tối ưu điều này, đồng thời để phát triển một cách bền vững, việc xây dựng chuỗi giá trị đang được coi là một giải pháp quan trọng.
Với số lượng 6.695 hồ chứa nước, tổng dung tích trên 796.143 triệu m3, phân bố ở 45/63 tỉnh, thành, hồ chứa nước ta có tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.
Nhằm giải bài toán này một cách hiệu quả, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan, các địa phương có tiềm năng phát triển nghề cá trên hồ chứa rà soát các quy định hiện hành liên quan đến công tác cấp phép nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ, đặc biệt là các bất cập trong công tác đăng ký, cấp mã số cơ sở nuôi lồng bè để tham mưu Bộ đề xuất Chính phủ sửa đổi, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện đăng ký, cấp mã số cho cơ sở nuôi lồng bè theo quy định tại Luật Thuỷ sản 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuỷ sản; tiếp tục phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các địa phương triển khai thả giống bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các hồ chứa.
Việt Nam hiện có hơn 6.000 hồ chứa, tiềm năng nuôi trồng thủy sản là rất lớn. Ảnh: Báo Công Thương
Cùng đó, tham mưu Bộ lựa chọn thí điểm từ 1 – 3 tỉnh/thành phố có tiềm năng phát triển thủy sản trên hồ chứa, rà soát hiện trạng hồ chứa (diện tích, dung tích, khí tượng thủy văn, môi trường…). Xây dựng kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất cung ứng giống, thức ăn, tổ chức nuôi trồng, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả và bền vững, làm cơ sở chỉ đạo, nhân rộng.
Quan trọng hơn, để có thể tối đa hóa hiệu quả nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa, Bộ NN&PTNT giao cho các đơn vị trực thuộc rà soát, đánh giá các quy định hiện hành liên quan đến quản lý, vận hành hồ chứa, hoạt động thủy sản đảm bảo hài hòa lợi ích thủy lợi, thủy điện, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ… Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm dịch giống thủy sản, tăng cường kiểm dịch thủy sản nhập tỉnh, công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản. Xây dựng các chương trình nghiên cứu chọn tạo, nâng cao chất lượng giống thủy sản; nghiên cứu sản xuất các giống bản địa có giá trị kinh tế; chuyển giao công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi tiên tiến các loài thủy sản có giá trị kinh tế, các loài đặc sản, đặc hữu phù hợp với từng loại hồ chứa cho doanh nghiệp, người nuôi.
Về phía địa phương, theo đề nghị của Bộ NN&PTNT thì ngành nông nghiệp các tỉnh cần rà soát, đánh giá tiềm năng, hiện trạng để tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản phù hợp với từng loại hồ chứa gắn với bảo vệ môi trường sinh thái trên hồ chứa; tham mưu cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, người nuôi ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên hồ; đề xuất ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất; đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đồng quản lý hồ chứa; các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; phát triển thị trường cho sản phẩm thủy sản để phát triển nghề nuôi thuỷ sản trên hồ chứa hiệu quả bền vững.
Đồng thời, xây dựng, triển khai đề án, dự án phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa tại địa phương theo hướng phối hợp hài hòa với các ngành kinh tế khác như giao thông thủy nội địa, du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích giữa các bên và phù hợp với tiềm năng, lợi thế; phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với tiêu thụ, các mô hình hợp tác, cùng quản lý trong nghề cá trên hồ chứa.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để phát triển nuôi trồng thủy sản trong hồ chứa đạt hiệu quả, thì các hội, hiệp hội, hợp tác xã, doanh nghiệp có liên quan cần tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành về điều kiện sản xuất, công tác đăng ký, cấp mã số, chứng nhận an toàn thực phẩm và các quy định khác có liên quan. Tăng cường hợp tác liên kết trong sản xuất, nắm bắt thông tin thị trường để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Phạm Thu