Phát huy vai trò liên kết sản xuất của các hợp tác xã

Chưa có đánh giá về bài viết

Thực tế cho thấy, thời gian qua trong lĩnh vực thủy sản đã hình thành nhiều mô hình hợp tác xã (HTX), liên minh HTX thể hiện được vai trò của mình nhưng hiệu quả chưa cao; Theo đó, cấp thiết cần nâng cao vai trò của HTX trong chuỗi sản xuất.

Mắt xích quan trọng

Ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, chuỗi giá trị trong sản xuất thủy sản gồm những công đoạn chính là: sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, HTX (tổ chức đại diện của nông dân) là một trong những mắt xích quan trọng, cầu nối liên kết hữu hiệu giữa doanh nghiệp và nông dân trong thu mua, tiêu thụ sản phẩm.

Hoạt động sản xuất cá tra ở ĐBSCL những năm qua gặp nhiều khó khăn song một số HTX nuôi cá tra tại Cần Thơ như HTX Thắng Lợi (huyện Vĩnh Thạnh), HTX Cá tra Thới An (quận Ô Môn)… vẫn hoạt động hiệu quả. Cụ thể, năm 2013. HTX Thắng Lợi đạt sản lượng cá tra trên 6.000 tấn (tăng gần 2.000 tấn so năm 2012), doanh số 126 tỷ đồng, kết quả kinh doanh khá tốt. HTX Thới An sản lượng, doanh số giảm so với các năm trước nhưng sản xuất vẫn có lãi. Để có được kết quả trên, các HTX đã đẩy mạnh liên kết bằng việc ký hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp thức ăn và bao tiêu sản phẩm, bảo đảm cho hộ thành viên nuôi cá có lãi.

HTX Lý Hà Đông (xã Chơ Rô Pơ Nan, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) hoạt động từ năm 2008, tổng vốn góp 1,3 tỷ đồng; chủ yếu nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ tổng hợp, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ… Sau hơn 3 năm, HTX đã có 18 ha mặt nước nuôi cá thương phẩm, 2 ha sản xuất cá giống rô phi đơn tính và cá điêu hồng. Việc sản xuất cá rô phi đơn tính của HTX được tiếp nhận từ công nghệ sinh sản nhân tạo và sử dụng hoóc môn chuyển đổi giới tính do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao. Mô hình góp phần giải quyết nhu cầu về cá giống rô phi đơn tính cho 5 tỉnh Tây Nguyên; Đồng thời, HTX đã làm chủ được công nghệ, số lượng cá rô phi đơn tính sản xuất ra không kịp cung cấp cho thị trường.

Trong hiệp hội, hội viên còn được chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức sản xuất thủy sản theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường. Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), ông Nguyễn Văn Nhiệm cũng khẳng định, Hiệp hội thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm giúp các xã viên hiểu biết về kỹ thuật, công nghệ nuôi tôm, nắm bắt thông tin thị trường, các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Đặc biệt, HTX đã tạo được tiếng nói với nhà máy sản xuất thức ăn, nhà máy cam kết bán thức ăn cho xã viên với giá gốc.

HTX Thới An cũng như nhiều HTX khác đang gặp khó do thiếu vốn sản xuất – Ảnh: Hoàng Vũ

 

Liên kết lỏng lẻo

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong hoạt động sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thì nhiều HTX còn khó trong việc tìm đầu ra sản phẩm, thường bị ép giá.

HTX Thủy sản Tân Phát, do vốn ngân hàng cho vay được tính theo hạn mức giá trị tài sản thế chấp của người nuôi (tương đương từ lúc thả nuôi đến khi cá đạt 0,5 kg, giai đoạn còn lại người nuôi không còn được tiếp cận vốn ngân hàng), nên xã viên phải tự xoay sở vốn, phải cam kết, hợp tác với những nhà máy chế biến thức ăn, dù đã được bán giá gốc nhưng mức lãi suất vẫn gấp đôi so với lãi suất ngân hàng áp dụng cho vay (Ngân hàng NN&PTNT cho vay với mức 9%/năm, nhà máy chế biến thức ăn cho vay với mức 18%/năm). Bên cạnh đó, tiếng nói của HTX còn “nhỏ” nên doanh nghiệp chưa cam kết mua sản phẩm cho người nuôi đúng kỳ thu hoạch…

Nguyên nhân của tình trạng này là do HTX thiếu tính liên kết hoặc liên kết lỏng lẻo với doanh nghiệp, các tổ chức tham gia sản xuất.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận xét: Liên kết tiêu thụ hàng thủy sản hiện nay chủ yếu là giữa nông dân với doanh nghiệp còn liên kết giữa doanh nghiệp với các HTX rất hạn chế, hơn 90% số HTX thủy sản hiện nay chưa tham gia vào các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nhìn chung khối các HTX, THT trong nông nghiệp, thủy sản hiện hay chưa phát huy nhiều về vai trò là cầu nối nông dân với doanh nghiệp, sản xuất với chế biến, tiêu thụ. Một số mặt hàng tỷ lệ tiêu thụ qua hợp đồng chỉ chiếm từ 3 – 15%.

 

Gắn kết “bốn nhà”

Trên nền tảng sẵn có các chủ trương, chính sách của Nhà nước, chúng ta phải được thực hiện một cách đồng bộ cùng với sự nỗ lực vươn lên của bản thân nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp, HTX thì mới có thể triển khai chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp thành công.

Theo đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX cần có chính sách ưu tiên về quy hoạch đất đai, xây dựng vùng nuôi, ưu đãi tín dụng đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ với các chính sách đặc thù cho chuỗi liên kết trong sản xuất; tiếp tục hỗ trợ nông dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất thông qua tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn; nâng trình độ quản lý của cán bộ HTX lên một bước, củng cố đội ngũ cán bộ HTX và hoàn thiện cơ chế quản lý HTX; phải phát huy vai trò HTX là cầu nối, giúp doanh nghiệp và nông dân hợp tác ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ…

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh: “Để cải thiện những vấn đề “muôn thủa” đó, cần có cách tiếp cận mới so với trước. Cụ thể cần xây dựng kế hoạch phát triển HTX thủy sản phải tính đến các yếu tố đặc thù của từng đối tượng, vùng riêng. Ví dụ: tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá tra, nhuyễn thể… mỗi đối tượng, vùng có một đặc thù mà không thể dùng một mẫu chung cho tất cả.

Bà Phạm Thị Trầm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng, Thái Bình khẳng định: Thắt chặt liên kết “bốn nhà” (trong đó có mô hình liên kết HTX, liên minh HTX)  chính là nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc, phát huy lợi.

>> Hiện, cả nước có 594 hợp tác xã thủy sản. Riêng vùng ĐBSCL hiện có 155 HTX thủy sản, trên tổng số 1.534 xã, phường, thị trấn, với trên 336 nghìn hộ tham gia, chiếm trên 1/3 số HTX thủy sản của cả nước.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!