Với quy định mới, việc sử dụng ngư cụ cấm, xung điện, chất cấm, chất độc để khai thác thủy sản có thể bị phạt tiền lên đến 70 triệu đồng, bị tịch thu phương tiện, tước giấy phép khai thác thủy sản. Nếu vi phạm nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc sử dụng ngư cụ khai thác thủy sản phải đảm bảo theo quy định
Tăng mức phạt gấp 3 lần
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Phùng Hoàng Tuấn cho biết, ngày 16-5-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 5-7-2019. “Mức phạt đối với hành vi khai thác thủy sản bằng ngư cụ cấm, sử dụng xung điện, tàng trữ, sử dụng chất cấm, hóa chất cấm, chất độc để khai thác thủy sản theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP tăng gần 3 lần so với mức phạt quy định tại Nghị định số 103/2013/NĐ-CP” – ông Tuấn thông tin.
Theo đó, đối với vi phạm quy định về ngư cụ khai thác thủy sản, sử dụng điện để khai thác thủy sản, từ ngày 5-7-2019, áp dụng phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi vứt bỏ trái phép ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên; phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi không đánh dấu ngư cụ hoặc đánh dấu ngư cụ không đúng quy định; phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân đang khai thác thủy sản hợp pháp hoặc thả neo tại nơi có ngư cụ của tổ chức, cá nhân đang khai thác thủy sản hợp pháp (trừ trường hợp bất khả kháng). Đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ ngư cụ cấm, có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Riêng hành vi sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
Đối với hành vi tàng trữ chất cấm, hóa chất cấm, chất độc trên tàu cá, có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Nếu sử dụng chất cấm, hóa chất cấm, chất độc, hóa chất khác để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, có thể bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng.
Ông Tuấn cho biết, ngoài phạt tiền, người vi phạm còn bị phạt bổ sung như: tịch thu ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản, công cụ kích điện, máy phát điện, chất cấm, hóa chất, hóa chất cấm, chất độc và thủy sản khai thác. Trường hợp sử dụng công cụ kích điện, sử dụng trực tiếp dòng điện từ máy phát điện trên tàu cá hoặc hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 3-6 tháng.
Cấm đặt đáy khai thác thủy sản
Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố và Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh về triển khai thực hiện Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT, ngày 15-11-2018 của Bộ NN&PTNT (Hướng dẫn bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản). Theo đó, nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản được xác định theo tiêu chí là nghề, ngư cụ gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh đã được đánh giá tác động; hoặc nghề, ngư cụ thuộc danh mục cấm theo quy định của tổ chức quản lý nghề cá khu vực mà Việt Nam là thành viên hoặc không phải là thành viên nhưng có hợp tác. Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản gồm: lồng xếp (lờ dây, bát quái, lừ, dớn), đăng, đáy, xiệp. Đối với các loại ngư cụ như: lưới kéo, vây, lưới rê, vó, chài các loại, ngư dân sử dụng phải chấp hành quy định về kích thước mắt lưới tối thiểu tại bộ phận tập trung cá (theo Khoản 1, 3, Phụ lục II, Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT).
Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND cấp xã tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền Luật Thủy sản 2017 cũng như các quy định liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Các địa phương cần chủ động phối hợp với cảnh sát đường thủy, thanh tra chuyên ngành Sở NN&PTNT, lực lượng liên quan thực hiện công tác tuyên truyền cho các hộ ngư dân không được đặt đáy trên sông Tiền, sông Hậu và các nhánh sông, kênh rạch trên phạm vi của tỉnh. Đồng thời, thường xuyên hoạt động thanh tra, kiểm tra, chú trọng công tác thanh tra đột xuất nhằm phát hiện và xử lý kịp thời đối với tổ chức, cá nhân vi phạm theo thẩm quyền.
Đối với Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh, Sở NN&PTNT đề nghị phối hợp tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, phối hợp tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hộ ngư dân có hành vi sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ để khai thác thủy sản.
Bài, ảnh: Ngô chuẩn
Theo Báo An Giang
Cấm như vậy nhưng chỉ bắt chủ yếu là kích điện. Còn đáy vẫn thấy hiện diện ở xã an nông, huyện tịnh biên, tỉnh an giang. Ngoài ra thì k ai được đặt, vấn đề tại sao tồn tại lâu như vậy mà không bị dẹp bỏ