Phát triển kinh tế song hành cùng bảo vệ nguồn lợi biển

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việc giải quyết bài toán phát triển kinh tế đi đôi với công tác bảo vệ nguồn lợi và bảo vệ môi trường cần phải thực hiện nghiêm túc và đòi hỏi nhiều cố gắng; ngay từ việc hoạch định chính sách, triển khai các chương trình và kế hoạch thực hiện, nhằm khai thác hiệu quả, sử dụng hợp lý gắn liền với bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Trước vấn đề này, một số chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính đột phá, toàn diện.

Bà Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội 

– Cần xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh và thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, Nghị quyết số 26/NQ-CP và Nghị quyết số 48/NQ-CP của Chính phủ; trong các chính sách, pháp luật để hình thành cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo; phát triển bền vững kinh tế biển. Đồng thời, cần tập trung tổng kết, đánh giá trình Quốc hội sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và pháp luật liên quan để bảo đảm đồng bộ; hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, khai thác, sử dụng biển.

–  Đổi mới quản trị biển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa địa phương có biển và địa phương không có biển, giữa khai thác và sử dụng với bảo tồn biển, giữa các bên liên quan với xây dựng quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Xây dựng và triển khai cơ chế điều phối, phối hợp liên ngành, liên cấp trong quản lý biển.

Động lực phát triển nhanh và bền vững đất nước trong tương lai có một phần hết sức quan trọng là từ biển. Ảnh: ST

– Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển gắn chặt với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại và hợp tác quốc tế. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, trong đó chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu biển quốc gia.

– Ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Quan tâm đầu tư hạ tầng nghiên cứu biển tiên tiến, thiết bị ngầm dưới biển có khả năng nghiên cứu ở các vùng biển sâu. 

– Khuyến khích và huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển các ngành kinh tế biển; ưu tiên đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm, có quy mô lớn, mang tính liên vùng, liên tỉnh, có sức lan tỏa cao, giải quyết nhu cầu thiết yếu, các nút thắt của vùng biển, ven biển.

Ông Trần Mạnh Hà, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

– Cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các chính sách, luật liên quan tới phát triển kinh tế biển. Các cơ chế tài chính, nhất là cơ chế liên quan đến dịch vụ chi trả môi trường, sinh thái (được xem là một trong những công cụ hiệu quả trong việc duy trì nguồn tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường) còn thiếu và chưa thể áp dụng vào thực tế. Đồng thời, cần hoàn thiện khung thể chế quản lý để đảm bảo tính thống nhất của các quy định pháp luật, thúc đẩy công tác trao đổi thông tin và dữ liệu, nhằm đạt được hiệu quả cao trong công tác quy hoạch phát triển biển.

– Tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa các nguồn phát thải ô nhiễm bằng các chương trình hành động để giảm tác động của các hoạt động phát triển kinh tế biển đến môi trường như: Thiết lập quy định và kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo hoạt động du lịch và hàng hải không gây ô nhiễm môi trường biển; quản lý bền vững việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản để tránh suy thoái nguồn tài nguyên; xây dựng hệ thống quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm để có bộ số liệu nền khi đưa ra giải pháp xử lý các sự cố môi trường.

– Cấm các hình thức khai thác trong thời gian sinh sản của các loài thủy hải sản; xây dựng hạn ngạch đánh bắt thủy sản, tăng cường ngành nuôi biển, nhằm đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng.

– Tăng cường công tác quản lý tổng hợp vùng bờ biển theo cách tiếp cận hệ sinh thái bằng cách xác định các mục tiêu khai thác hiệu quả dựa trên chức năng của từng vùng biển, đảm bảo các hoạt động khai thác không gây cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và suy thoái các hệ sinh thái. 

– Tiếp tục mở rộng và hoàn thiện mạng lưới các khu bảo tồn biển. Khu bảo tồn biển được xây dựng nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa khác. Ngoài ra, hệ thống khu bảo tồn biển có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển, không chỉ góp phần cải thiện sinh kế của người dân vùng ven biển mà còn đóng góp cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ an ninh biển đảo và chủ quyền quốc gia. 

– Đẩy mạnh công tác điều tra, khảo sát, quan trắc, nghiên cứu về tài nguyên, môi trường biển làm cơ sở khoa học cho việc sử dụng hợp lý và phát triển bền vững tài nguyên môi trường biển. Các số liệu thu được từ các cuộc điều tra, nghiên cứu là cơ sở cho việc đề ra các chính sách phát triển có hiệu quả, đồng thời là cơ sở khoa học để quy hoạch không gian và phát triển các vùng biển phù hợp với chức năng sinh thái theo tiểu vùng, hướng tới sử dụng hợp lý, phát triển bền vững tài nguyên đi đôi với bảo vệ môi trường biển. 

– Tăng cường phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu biển có chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng, khả năng nghiên cứu và tư duy quản lý. Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về chính sách và pháp luật của nhà nước liên quan đến khai thác hiệu quả, sử dụng hợp lý nguồn lợi và chung tay bảo vệ môi trường biển, nhằm phát triển mô hình quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng.

– Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển. Với xu hướng tiến ra biển, chú trọng phát triển kinh tế biển, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh quá trình hợp tác quốc tế song phương cũng như đa phương về khoa học biển, nhằm tận dụng các thế mạnh của đối tác trong các lĩnh vực liên quan.

Hải Lý

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và thủy sản của Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng ngành thủy sản trở thành một ngành kinh tế có quy mô lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và có khả năng cạnh tranh cao. Để đạt được điều này cần tập trung vào 3 trụ cột chính là: giảm khai thác, tăng cường nuôi trồng và bảo tồn biển”.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!