Phát triển nhiều mô hình nuôi thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu (P1)

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hiện nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước quan tâm phát huy tiềm năng nuôi thủy sản xuất khẩu ở các vùng sinh thái ngọt, mặn, lợ nhằm giúp người dân tăng thêm nguồn thu nhập, ổn định sản xuất và đời sống, đồng thời tạo nguồn nông sản hàng hóa phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu. Cùng Thủy sản Việt Nam tìm hiểu về một vài mô hình này nhé!

Xuất phát từ thực tiễn

Hiện thời tiết, khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, cực đoan, thất thường. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói riêng.

Các nghiên cứu, đánh giá trong những năm qua cho thấy, tình hình biến đổi khí hậu đã và đang làm cho tính bất thường cùng với các hiện tượng cực đoan của khí hậu tăng lên, chẳng hạn các đợt mưa lớn cường độ cao hơn, hạn kéo dài. Đặc biệt, tại đồng bằng sông Cửu Long cũng ghi nhận được các mùa mưa đến muộn đã gây ra xâm nhập mặn nghiêm trọng ngay cả trong mùa mưa. Tất cả sự thay đổi đó đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của người dân vốn có sinh kế phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất, cường độ và phạm vi ảnh hưởng của thiên tai (đặc biệt là bão, lũ, hạn hán…) đã làm thay đổi phương thức hoạt động sản xuất, buộc các cấp, các ngành phải nghiên cứu thay đổi cách thức quản lý, điều hành để giải quyết và ứng phó kịp thời với sự tác động của biến đổi khí hậu mang tính liên vùng.

Ghi nhận thực tế tại nhiều tỉnh ven biển cũng cho thấy, tình hình phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ngày càng gặp nhiều khó khăn khi phát sinh thiệt hại do các yếu tố môi trường, dịch bệnh… Tình hình nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng, các kênh thủy lợi cấp nước không đảm bảo… cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản.

Trong bối cảnh này, ngành nông nghiệp các tỉnh đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp, trong đó chú trọng khuyến khích nông dân thực hiện các mô hình chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau; giúp hộ nuôi lựa chọn được vật nuôi vừa đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, vừa thích ứng an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Thừa Thiên – Huế

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp thì việc thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai là điều gần như tất yếu.

Đặc sản cá nâu góp phần làm tăng giá trị cho vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Ảnh:CTV

Vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai một thời đưa vào nuôi nhiều loại thủy sản, đặc biệt là nuôi chuyên tôm sú mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, phong trào nuôi tôm sú phát triển ồ ạt, tự phát, thiếu quy hoạch cộng với biến đổi khí hậu dẫn đến môi trường vùng đầm phá bị phá vỡ, ô nhiễm, tôm nuôi thường xuyên dịch bệnh, chết khiến nhiều hộ thua lỗ triền miên. Điều đó bắt buộc các địa phương, người dân phải thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi, đa dạng các đối tượng nuôi phù hợp nhằm ứng phó với thời tiết diễn biến thất thường.

Mô hình nuôi tôm sú xen ghép với cua, cá từ đó bắt đầu xuất hiện cho thấy sự phù hợp, thích nghi với điều kiện môi trường đầm phá hiện nay. Nuôi thủy sản xen ghép tuy mang lại thu nhập không cao so với chuyên tôm (khi còn hiệu quả), nhưng mỗi ha cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng, giúp người dân đầm phá phát triển kinh tế ổn định, bền vững.

Theo Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên – Huế, trong những năm qua, nuôi trồng thủy sản trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai phát triển ổn định, bền vững. Nhiều đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế như chẽm, mú, nâu, dìa, cua, kình, đối, chình… được đưa vào sản xuất và đa dạng hóa đối tượng nuôi. Diện tích nuôi chuyên tôm trên đầm phá giảm hẳn, trong khi đó tăng diện tích nuôi xen ghép thân thiện với môi trường.

Lâu nay, nuôi cá đặc sản như cá nâu thường được nhắc đến tại các vùng đầm phá Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc… song mới đây, Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên – Huế còn thực hiện thành công tại xã Điền Hương (Phong Điền) mở ra cơ hội mở rộng diện tích nuôi loại cá này trên vùng Ngũ Điền và một số địa phương lân cận. Mở rộng diện tích nuôi cá nâu là mục tiêu của ngành nông nghiệp tỉnh nhằm hướng đến hình thành vùng nuôi tập trung, quy mô lớn, tạo ra nguồn sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và xây dựng thương hiệu “cá nâu Thừa Thiên – Huế.

Bên cạnh đó, thành công từ mô hình nuôi cua gạch, đang được người dân hưởng ứng, tích cực mở rộng diện tích, quy mô nuôi. Mô hình nuôi cua gạch không chỉ mang lại hiệu quả so với cua thịt mà còn được sản xuất theo chuỗi giá trị, người dân được bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên yên tâm đầu ra. Bình quân mỗi ha ước thu nhập 120 – 130 triệu đồng/vụ.

Không chỉ cá dìa, cá mú, cá chẽm, cá nâu, cua gạch, tôm càng xanh… mà nhiều đối tượng thủy sản mới được đưa vào sản xuất trong thời gian đến, góp phần làm tăng giá trị cho vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai.

Tiền Giang

Theo Sở NN&PTNT Tiền Giang, tỉnh tăng cường chuyển giao kỹ thuật, khuyến khích nông dân áp dụng khoa học – công nghệ vào thâm canh, nhân rộng những mô hình nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai tại những địa bàn khó khăn như ven biển Gò Công, vùng Đồng Tháp Mười, vùng kiểm soát lũ…

Trước mắt, đã hình thành những vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm, trong đó có vùng nuôi thủy sản Nam Gò Công, Bắc Gò Công, vùng nuôi theo mô hình tôm – lúa ở Tân Phú Đông, vùng nuôi theo mô hình lúa – cá ở xã Hậu Mỹ Bắc A (huyện Cái Bè), mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở vùng ven biển Gò Công, nuôi cá lồng bè trên sông Tiền địa bàn thành phố Mỹ Tho và các huyện đầu nguồn…

Nghề nuôi nghêu ở vùng ven biển Gò Công (tỉnh Tiền Giang) gắn với du lịch sinh thái. Ảnh: Thanh Lâm

Theo đánh giá, nuôi thủy sản nước ngọt tại các huyện, thị đầu nguồn sông Tiền mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa năng suất cao, phù hợp những địa bàn đất hẹp, người đông. Từ đó, vừa mở ra hướng phát triển kinh tế gia đình cho các hộ nông dân, vừa thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.

Nằm phía hạ lưu sông Tiền tiếp giáp biển Đông, huyện Tân Phú Đông xác định nuôi thủy sản là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm của địa phương trong nỗ lực phát huy tiềm năng đất đai, lao động để giảm nghèo nông thôn, xây dựng nông thôn mới thành công, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai nơi đầu sóng ngọn gió. Huyện quan tâm đa dạng hóa mô hình nuôi phù hợp trình độ nông dân cũng như các tiểu vùng sinh thái, tăng cường công tác chuyển giao khoa học – kỹ thuật thâm canh, nhân rộng những mô hình nuôi vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi sinh, môi trường…

Hiện nay, huyện Tân Phú Đông đã xây dựng được những vùng thủy sản tập trung mang lại hiệu quả cao, cho sản lượng nông sản hàng hóa lớn như: Nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm thâm canh, vùng nuôi luân vụ lúa – tôm, vùng nuôi theo mô hình công nghệ cao 2 – 3 giai đoạn…

Còn huyện ven biển Gò Công Đông chú trọng phát triển vùng nuôi nghêu tập trung trên 2.200 ha, lớn nhất tỉnh Tiền Giang gắn với du lịch sinh thái, giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân các xã Tân Thành, Tân Điền…

Thực tế cho thấy, nhờ chuyển đổi mô hình sinh kế từ trồng lúa 1 vụ trên đất nhiễm mặn thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn trước đây sang nuôi thủy sản, nông dân địa phương vượt khó, thoát nghèo, nhiều hộ tạo dựng cơ nghiệp bền vững.

(Còn tiếp)

 Vũ Mưa

 

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!